Bà Trần Thị Thu Phương, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế và truyền thông, Cục Thú y cho biết, việc xuất khẩu lô hàng tổ yến đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc đã được Bộ NN-PTNT chuẩn bị rất kỹ càng.
Thời điểm bắt đầu đàm phán nghị định thư là năm 2018 và đến ngày 9/11/2022 thì Nghị định thư giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải Quan Trung Quốc được ký kết. Sau một năm tích cực chuẩn bị, ngày 16/11/2023, lô hàng tổ yến đầu tiên của Việt Nam đã được phía Trung Quốc cấp phép xuất khẩu.
“Việc công ty Avanest là đơn vị đầu tiên của Việt Nam được phía Trung Quốc cấp phép xuất khẩu mặt hàng tổ yến có ý nghĩa rất to lớn đối với ngành hàng tổ yến nói riêng và các sản phẩm nông lâm thủy sản nói chung. Mặt hàng tổ yến tuy chỉ có sản lượng 150 - 200 tấn/năm nhưng có giá trị rất lớn và Trung Quốc là thị trường vô cùng tiềm năng với nhu cầu tiêu thụ chiếm đến 80% toàn cầu”, bà Trần Thị Thu Phương phân tích.
Theo đó, việc xuất khẩu được sản phẩm tổ yến chính ngạch sang Trung Quốc sẽ mở ra một cơ hội rất lớn cho ngành hàng này của Việt Nam.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng giám đốc Công ty Avanest cho rằng, bên cạnh vinh dự là đơn vị được lựa chọn đầu tiên, công ty đã tham khảo và tìm hiểu rất kỹ những yêu cầu, điều khoản của nghị định thư.
“Từ những điều khoản này, Avanest đã có những chuyển biến, những bước đi mới để thay đổi và tự hoàn thiện, đưa những tiến bộ, công nghệ kỹ thuật vào quá trình sản xuất để đáp ứng được yêu cầu của phía Trung Quốc”, nữ lãnh đạo của Avanest chia sẻ thêm.
Được đánh giá là ngành hàng có giá trị cao, nhiều tiềm năng, nhất là sau khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, sản phẩm tổ yến không thể tránh khỏi được nguy cơ phát triển nóng.
Liên quan vấn đề này, bà Trần Thị Thu Phương cho rằng, việc phát triển nghề yến còn mang tính tự phát, các doanh nghiệp đa phần cũng ở quy mô nhỏ và thiếu sự liên kết.
Đại diện Cục Thú y thông tin thêm, chỉ trong vài năm trở lại đây, đã có đến khoảng 30.000 nhà yến được xây dựng mới. Tuy nhiên, trong đó số nhà có yến về làm tổ và khai thác được chỉ dao động quanh mức 20.000.
Việc phát triển nóng, ồ ạt và không có quy hoạch như vậy sẽ dẫn đến khó khăn trong việc quản lý và phòng, chống dịch bệnh. Chưa kể, điều này cũng có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho người dân vì cần đầu tư lớn.
Trước tình hình đó, ngay từ khi đàm phán xây dựng nghị định thư, Bộ NN-PTNT đã đưa ra những giải pháp rất sát sườn. Ví dụ, với các địa phương, Bộ đã chỉ đạo phải xây dựng quy hoạch vùng chăn nuôi yến để đảm bảo phát triển có định hướng và những cơ sở này được quản lý và giám sát dịch bệnh cũng như giám sát an toàn thực phẩm một cách hiệu quả.
Điều này còn giúp các địa phương cải thiện được sản lượng cũng như nâng cao chất lượng tổ yến, đáp ứng được các yêu cầu của những thị trường nhập khẩu.
Ngoài việc tăng cường quản lý, quy hoạch vùng nuôi để giảm dần tình trạng phát triển manh mún, tự phát, việc đầu tư công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sâu sản phẩm tổ yến cũng được các cơ quan quản lý và doanh nghiệp quan tâm.
Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty Avanest nói công ty đang cùng với cộng đồng doanh nghiệp của ngành hàng tổ yến cùng nhau nâng cấp, phát triển, cải tạo những nhà máy hiện có, đầu tư thêm công nghệ để tạo ra được những sản phẩm tốt, chất lượng và uy tín để đưa ra các thị trường quốc tế.
Để làm được điều đó, Avanest cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong ngành đã nhận được hướng dẫn của Cục Thú y về quy trình giám sát dịch bên cũng như an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các hướng dẫn về chỉ tiêu, yêu cầu của thị trường nhập khẩu cũng được Cục truyền đạt đến các doanh nghiệp và hỗ trợ thực hiện.