Những yếu tố giúp nhà yến “hút chim”
Với 15 năm kinh nghiệm trong nghề dẫn dụ chim yến, ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam đã chia sẻ việc vận hành nhà yến để sản phẩm thu hoạch chất lượng, đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Theo ông Phạm Duy Khiêm, một nhà yến có sinh cảnh tốt sẽ thu hút nhiều chim yến đến trú ngụ làm tổ. Trong đó, nhiệt độ, kỹ thuật thông gió, hệ thống âm thanh... là những yếu tố quyết định sự thành công của nhà yến. Khi nhà yến lưu thông không khí tốt sẽ loại bỏ khí độc, giúp môi trường thông thoáng và nhiệt độ mát mẻ là điều kiện sống lý tưởng của chim yến.
Do đó, khi nhà yến phun ẩm nhiều, hệ thống thông gió bố trí không hợp lý sẽ gây tình trạng ẩm mốc, ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển đàn yến, tổ yến không đạt chất lượng.
Ngoài yếu tố thông gió, độ ẩm thích hợp của nhà yến từ 80-85% (lý tưởng từ 85%) và nhiệt độ từ 28-30 độ C. Để tạo được độ ẩm và nhiệt độ này, chúng ta cần xây nhà nuôi yến thiết kế thích hợp, theo chiều gió. Hướng cửa hợp lý phụ thuộc hướng chim bay đi về trong ngày.
Trong trường hợp nhà yến dư ẩm quá nên tháo bớt ống thông hơi, nhưng nếu vẫn không có kết quả thì dùng quạt hút, máy hút ẩm. Nước phun sương trong nhà yến cần sử dụng nguồn nước sạch, không bị phèn, nhiễm mặn...
Bên trong nhà yến thường xuất hiện gián, kiến, thạch sùng và một số bọ sinh ra từ phân… chúng ăn tổ yến, trứng yến và thậm chí là chim yến non. Mặt khác, chất thải của gián và các loại bọ sẽ gây mùi, làm giảm chất lượng tổ yến nên chúng ta cần thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nhà yến theo định kỳ để đảm bảo môi trường sạch sẽ. Sau khi hái tổ nên tiến hành dọn phân, xịt vi sinh và dung dịch hữu cơ nhằm phòng chống côn trùng gây hại.
“Trong các nhà yến, định kỳ hằng tháng phải phun dung dịch hữu cơ để diệt côn trùng, hạn chế dùng hóa chất, thuốc BVTV. Nếu có trong quá trình phun thuốc, các nhà yến phải lưu ý không để hóa chất dính vào ván và tổ yến.
Đặc biệt, bỏ thuốc diệt mạt vào máy phun sương ẩm như một số kỹ thuật thường làm là không đúng. Bởi ngoài việc làm nhanh hỏng máy móc thì chất hóa học phun trực tiếp sẽ dính vào tổ yến, lâu ngày thẩm thấu chất cấm. Đối với từng loại thiên địch phải có biện pháp xử lý phù hợp, tránh lạm dụng quá nhiều hóa chất gây tồn dư ảnh hưởng tới chất lượng của tổ yến”, ông Khiêm lưu ý.
Để tổ yến thu hoạch chất lượng
Về cách vận hành nhà yến cho tổ yến chất lượng trắng, đẹp, to đầy, cũng theo ông Phạm Duy Khiêm, trước tiên, nguồn nước dùng trong nhà yến phải sạch, không phèn, vôi, nhiễm mặn. Nếu có điều kiện thì chủ nhà yến đầu tư hệ thống lọc RO sẽ rất đảm bảo.
Trường hợp nước bị phèn thì phải có bể chứa để lắng xuống, sau đó xử lý qua 3 bộ lọc gồm giấy, carbon và than hoạt tính (có lọc nano thì càng tốt). Còn nguồn nước dùng là nước máy hoặc nước giếng thì chỉ cần dùng bộ lọc đơn giản. Chú ý, phải lọc nước trước khi đưa vào bồn chứa trong nhà yến.
Về độ ẩm trong nhà yến phải đủ. “Đủ là khi chúng ta thu tổ nhưng tổ không bị vỡ và có độ dẻo nhẹ. Dùng máy chuyên dụng đo tổ yến vừa hái khoảng 22-24% là ổn định và phải cân bằng lại độ ẩm trong nhà yến khi thấy chỗ dư, chỗ thiếu”, ông Khiêm chia sẻ.
Mỗi lần thu tổ yến phải vệ sinh ván tổ bằng cách dùng mút (cọ xốp) rửa chén chà lên ván cho hết bợn dơ còn sót lại dính trên ván. Điều này nhằm tránh việc chim làm tổ mới đè lên bợn tổ cũ gây nên tình trạng thu hoạch tổ yến có chân đế màu vàng hơn, không đẹp, mất giá.
Bên cạnh đó, việc vệ sinh sàn nhà, dọn phân phải đảm bảo sạch sẽ để tránh khi có gió từ ống thông hơi thổi vào, bụi phân bay lên bám lên tổ hoặc rơi vào máy phun sương (gà) khi đó bay theo hơi sương ngấm vào tổ lâu ngày gây vàng tổ yến.
Mặt khác, khi thấy chân tổ yến có hiện tượng bị vàng cần tiến hành kiểm tra, nếu thanh làm tổ có vấn đề hoặc chưa chuẩn thì thay ván làm tổ mới cho chim yến. Thông thường một số loại ván sẽ gây ra vấn đề này cho tổ yến khi lắp đặt mà chưa qua xử lý hoặc cấu tạo ván gỗ vốn vậy. Ngoài ra, các nhà yến không nên sử dụng đá tổ ong làm thanh tổ vì trong thành phần đá này có chất không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đối với thanh làm tổ là bê tông thì cần đủ max (250-300) và đảm bảo sạch để sau này tổ yến không bị thẩm thấu ngược chất cấm từ trong thành phần thanh bê tông này vào tổ yến. Đây là những thành phần mà nguồn nguyên liệu xuất khẩu xét nghiệm liên tục và không đủ chất lượng để sản xuất.
“Để chim làm tổ đẹp nên chọn thanh làm tổ bằng ván gỗ đã qua xử lý đúng tiêu chuẩn, hoặc bê tông đúng max với tỷ lệ cấp phối bê tông max 250, 300/m3. Tuy nhiên, phải cẩn thận lựa chọn vật liệu đảm bảo xét nghiệm không bị nhiễm chất amiang có trong xi măng, vì đây là chất cấm trong thực phẩm”, ông Khiêm chia sẻ và cho biết thêm, để biết tổ yến có bị nhiễm chất cấm hay không, chủ nhà yến nên gửi mẫu đi xét nghiệm. Nếu có nên tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục kịp thời thông qua các chuyên gia hoặc cơ quan thú y.
Theo ông Phạm Duy Khiêm, các tiêu chí của tổ yến mà phía Hải quan Trung Quốc yêu cầu phải đáp ứng theo tiêu chuẩn nghiệm ngặt. Cụ thể, màu sắc trắng, trắng ngà đối với tổ yến nhà và đỏ, cam đối với tổ yến đảo. Mùi đặc trưng, không có mùi lạ; dùng kính hiểm vi phóng đại 5-10 lần kiểm tra không nhìn thấy tạp chất; độ ẩm <15%; protein >=40%; acid amin 46-50%; H5N1 âm tính; Salmonellosis âm tính/25g…