| Hotline: 0983.970.780

Vùng cao chủ động phòng, chống rét cho gia súc: Không lơ là chủ quan

Thứ Tư 29/11/2023 , 14:41 (GMT+7)

Tuy nhiệt độ mùa đông 2023 được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn vẫn chủ động, không lơ là trong phòng, chống rét cho gia súc.

Ngành nông nghiệp huyện Võ Nhai, Thái Nguyên đề nghị người dân không lơ là, chủ quan trong phòng, chống đói, rét. Ảnh: Quang Linh.

Ngành nông nghiệp huyện Võ Nhai, Thái Nguyên đề nghị người dân không lơ là, chủ quan trong phòng, chống đói, rét. Ảnh: Quang Linh.

Năm nay không khí lạnh xuất hiện muộn hơn và nhiệt độ mùa đông cao hơn trung bình nhiều năm nhưng cũng báo hiệu sẽ có những diễn biến bất thường. Theo dự báo, từ cuối tháng 11 sẽ xuất hiện liên tiếp các đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Vì vậy, chính quyền và người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho vật nuôi.

Theo ông Nông Minh Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), trên địa bàn huyện có 8.900 con trâu, bò, trên 37.900 con lợn, 5.500 con dê...

Ngay từ khi bắt đầu mùa đông, ngành nông nghiệp địa phương đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp đến các xã, thị trấn để hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Trong đó, dành sự quan tâm lớn đến các xóm vùng cao, những nơi vật nuôi có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn khi nhiệt độ giảm sâu.

Đồng thời, Phòng NN-PTNT phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai cử cán bộ xuống tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống rét cho gia súc.

Bà Đặng Thị Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Võ Nhai cho biết, lực lượng thú y đã đến tận nhà, trang trại của người dân khuyến cáo các biện pháp phòng chống rét như: tu sửa, gia cố chuồng trại, làm áo khoác ấm cho vật nuôi, di chuyển đàn gia súc đang thả trên núi đưa về nuôi nhốt, dọn dẹp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại...

Bên cạnh đó, trung tâm cũng vận động bà con làm cây rơm, trồng thêm diện tích cỏ, ngô sinh khối và tiêm đầy đủ vacxin để vật nuôi có sức đề kháng tốt. Thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, khí hậu, đặc biệt khi các đợt rét đậm, rét hại tràn về để thông tin kịp thời cho người dân nắm được.

Người dân dự trữ thức ăn cho gia súc vào mùa đông. Ảnh: Quang Linh.

Người dân dự trữ thức ăn cho gia súc vào mùa đông. Ảnh: Quang Linh.

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 93.500 con trâu, bò, 600.000 con lợn và khoảng 16 triệu con gia cầm. Nhằm hạn chế thiệt hại cho đàn vật nuôi trong mùa đông, Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản gửi các huyện, thành phố về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rét. Đặc biệt, không được lơ là, chủ quan trước diễn biến thời tiết.

UBND tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt phương án phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản vụ Đông Xuân năm 2023-2024. Theo đó, ngành nông nghiệp địa phương chỉ đạo các hộ chăn nuôi gia cố chuồng trại cho vật nuôi, chuồng nuôi đảm bảo che chắn và tránh gió lùa trực tiếp vào chuồng.

Nền chuồng đảm bảo luôn khô, ráo và phải có chất độn chuồng bằng rơm, rạ, mùn cưa hoặc trấu khô. Thường xuyên giữ chuồng trại sạch sẽ, những ngày rét có kèm theo mưa cần bổ sung thêm chất độn chuồng để gia súc tăng khả năng chống rét. Có thể sử dụng bóng điện công xuất lớn để sưởi ấm chuồng nuôi.

Nhiệt độ quá lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi nhất là đối với gia súc già yếu, gia súc non, chính quyền địa phương phải thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết để thông tin kịp thời tới người chăn nuôi để có kế hoạch cụ thể bảo vệ đàn vật nuôi.

Người dân Bắc Kạn chuẩn bị thức ăn, phòng chống rét cho đàn vật nuôi. Ảnh: Quang Linh.

Người dân Bắc Kạn chuẩn bị thức ăn, phòng chống rét cho đàn vật nuôi. Ảnh: Quang Linh.

Trong những ngày giá rét, áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm. Không chăn thả, không bắt trâu, bò làm việc khi thời tiết rét đậm, rét hại.

Ngành nông nghiệp Bắc Kạn khuyến cáo, vào thời điểm thời tiết rét đậm, rét hại kèm theo mưa và nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, đưa trâu, bò vào nơi nuôi nhốt để tiến hành chăm sóc, quản lý tại chuồng nuôi.

Có thể dùng chăn cũ, bao tải đay quấn quanh cơ thể gia súc để giữ ấm cơ thể, đặc biệt là bê, nghé non, thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sức khỏe đàn vật nuôi, nếu phát hiện có biểu hiện khác thường để kịp thời xử lý, không nhập gia súc, gia cầm non về nuôi trong thời gian này.

Khi trâu bò bị đói rét do rét đậm, rét hại kéo dài trên 10 ngày liên tục sức khỏe và sức đề kháng bị giảm, dễ mắc bệnh vì vậy trong thời gian giá rét cần cho trâu bò ăn cháo gạo hoặc cháo cám nóng, bổ sung khoáng chất và các loại vitamin để nâng cao sức đề kháng.

Ngoài ra, người dân cũng cần xử lý chất thải hàng ngày thu gom phân vào hố ủ, dẫn chất thải lỏng trực tiếp từ chuồng đến hố đựng bằng rãnh thoát và xử lý chất thải bằng hóa chất hoặc chế phẩm sinh học.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.