| Hotline: 0983.970.780

Sức bật mới trên rẻo cao: [Bài 4] Dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Thứ Năm 12/12/2024 , 03:37 (GMT+7)

Bắc Kạn Nhà tạm, nhà dột nát dần được thay thế bằng những ngôi nhà mới khang trang, diện mạo bản làng thay đổi từng ngày, cuộc sống người dân ngày càng ấm no.

An cư lạc nghiệp

Mỹ Thanh là xã thuần nông của huyện Bạch Thông, người dân chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, nhiều gia đình vẫn phải sống trong những ngôi nhà tạm.

Gia đình ông Đặng Phúc Minh, thôn Phiêng Kham (xã Mỹ Thanh) suốt nhiều năm phải ở trong ngôi nhà đã xuống cấp, mưa thì dột, nắng thì nóng. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, trong khi tuổi đã cao lại thường xuyên đau ốm nên kinh tế gặp nhiều khó khăn, mong ước có ngôi nhà mới vượt quá tầm tay.

Đầu năm 2024, mong ước bấy lâu của ông Minh đã trở thành hiện thực khi được hỗ trợ 44 triệu đồng từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Được hỗ trợ, ông Minh dùng số tiền tích cóp, vay thêm anh em để làm nhà.

Ông Minh cho biết, có nhà mới gia đình sẽ không còn lo lắng những lúc mưa to, gió lớn. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nếu không được hỗ trợ sẽ không thể làm nổi nhà, bây giờ chỉ cần tập trung phát triển kinh tế, trả được hết nợ, chăm lo cuộc sống gia đình ngày càng tốt hơn.

Chỉ một năm trước, gia đình bà Hoàng Thị Hoàn ở Bản Giác, xã Hòa Mục (huyện Chợ Mới) vẫn còn sống trong ngôi nhà tuềnh toàng, mỗi khi trời mưa to, gió lớn chỉ còn mỗi phòng ngủ là không bị dột. Mỗi khi mùa đông đến, căn nhà đã xuống cấp không đủ để sưởi ấm cho các thành viên trong gia đình. Vốn làm nông, tiền làm ra chỉ đủ chi tiêu qua ngày, chẳng tích cóp được là bao, bà Hoàn không biết bao giờ mới đủ tiền xây nhà mới.

Được hỗ trợ, nhiều ngôi nhà mới chuẩn bị hoàn thành kịp đón Tết Nguyên đán năm nay. Ảnh: NT. 

Được hỗ trợ, nhiều ngôi nhà mới chuẩn bị hoàn thành kịp đón Tết Nguyên đán năm nay. Ảnh: NT. 

Giữa năm 2023, gia đình bà Hoàn được hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để làm nhà mới, từ đây mong mỏi bấy lâu dần trở thành hiện thực. Có tiền, gia đình bỏ công sức, hàng xóm, đoàn thể của thôn, xã hỗ trợ thêm ngày công, ngôi nhà mới dần hoàn thiện. Ngay trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024, ngôi nhà mới đã hoàn thiện, đây cũng là mùa xuân đầu tiên bà Hoàn cùng các thành viên được đón tết trong ngôi nhà mới khang trang.

Bà Hoàng Thị Hoàn cho biết, số tiền hỗ trợ không đủ để làm nhà, gia đình phải vay thêm nhưng đó là nguồn lực quan trọng để nỗ lực phấn đấu. Với những hộ nghèo, vài chục triệu cũng là rất lớn nên gia đình rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm.

Chỉ bàn làm, không bàn lùi

Tại tỉnh Bắc Kạn, xóa nhà tạm, nhà dột nát được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, với phương châm chỉ bàn làm, không bàn lùi, địa phương này đã huy động nhiều nguồn lực để thực hiện.

Đến năm 2024, huyện Chợ Đồn còn có gần 1.200 gia đình có nhà ở xuống cấp, nhà tạm cần sửa chữa, làm mới, trong đó chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách. Trước thực trạng này, huyện đã tập trung nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn hỗ trợ của các đơn vị, nhà hảo tâm để thực hiện. Chỉ tính riêng năm 2024, huyện Chợ Đồn hỗ trợ người dân làm 178 ngôi nhà mới.

Thôn Nà Mặn, xã Phương Viên (huyện Chợ Đồn) ở gần quốc lộ 3B, đời sống người dân ở đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong thôn những ngôi nhà mới khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Nhưng trong thôn vẫn còn một số hộ có hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa đã xuống cấp, hư hỏng nhiều năm.

Những ngôi nhà mới khang trang là động lực để những hộ được hỗ trợ tiếp tục vươn lên. Ảnh: Ngọc Tú. 

Những ngôi nhà mới khang trang là động lực để những hộ được hỗ trợ tiếp tục vươn lên. Ảnh: Ngọc Tú. 

Gia đình anh Nông Đình Tuyển (thôn Nà Mặn) có 4 nhân khẩu, gồm 2 vợ chồng anh và 2 con nhỏ, nhưng vợ bị bệnh đau ốm quanh năm. Anh Tuyển phải tranh thủ vừa đưa đón con đi học, vừa đi làm thuê và công việc đồng áng. Căn nhà của gia đình sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, năm 2024, gia đình được hỗ trợ để làm nhà mới. Đến nay, căn nhà khang trang của anh Tuyển đã xây dựng xong, ngôi nhà rộng 100 m2, đổ mái bằng, có 3 phòng ngủ, 1 phòng khách và 1 nhà bếp.

Anh Tuyển cho biết, chi phí xây nhà hết 170 triệu đồng, trong đó được hỗ trợ gần 50 triệu đồng, còn lại gia đình vay thêm 90 triệu đồng tín dụng chính sách, phần còn lại là tiền tích cóp và vay thêm anh em họ hàng. Người dân trong thôn cũng hỗ trợ thêm ngày công nên mình mới làm được nhà mới.

Ông Lục Lê Nin, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phương Viên cho biết, nguồn lực để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát chủ yếu từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, chương trình giảm nghèo bền vững, còn lại số ít từ nguồn xã hội hóa. Từ năm 2021 đến nay, xã đã xóa được 17 nhà tạm, dột nát, hiện nay xã chỉ còn 12 hộ cần hỗ trợ trong những năm tới.

Theo kế hoạch, giai đoạn từ 2021-2024, tỉnh Bắc Kạn sẽ hỗ trợ 3.723 hộ làm nhà từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và các nguồn lực xã hội hóa khác. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.818 nhà xây dựng xong, bàn giao đưa vào sử dụng, các hộ được giúp đỡ có nhà ở ổn định, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh Bắc Kạn xác định, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người dân, do đó chỉ “bàn làm, không bàn lùi”.  Ban chỉ đạo các cấp phân công cụ thể thành viên phụ trách từng địa phương, từng hộ được hỗ trợ làm nhà, linh hoạt trong quá trình thực hiện, tùy theo phong tục tập quán, điều kiện thực tế của từng hộ dân để hỗ trợ cho phù hợp.

Riêng Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, năm 2023, tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ 476 hộ làm nhà mới. Năm 2024, chương trình tiếp tục hỗ trợ 429 hộ.

Nhiều hoàn cảnh khó khăn có nhà mới, an cư lạc nghiệp. Ảnh: Sơn Lâm. 

Nhiều hoàn cảnh khó khăn có nhà mới, an cư lạc nghiệp. Ảnh: Sơn Lâm. 

Một số khó khăn khi thực hiện hỗ trợ làm nhà theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi: Định mức hỗ trợ nhà ở từ nguồn ngân sách nhà nước còn thấp (44 triệu đồng/hộ). Hiện nay đang triển khai hỗ trợ xây mới nhà ở thuộc 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia trên cùng địa bàn với mức hỗ trợ khác nhau (Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo hỗ trợ 40 triệu đồng; Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hỗ trợ 44 triệu đồng) nên người dân có sự so sánh, trông chờ vào nguồn có mức hỗ trợ cao hơn. Phần lớn các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.