Lâm là giáo viên cấp hai, dạy sử địa. Trong trường anh chẳng quen được một nữ đồng nghiệp nào. Lâm đành nhờ đến người quen làm mai, anh nghĩ bụng cưới do mai mối thì cũng nên vợ chồng. Chỉ khác ở chỗ là lấy vợ do mai mối thì tình yêu sẽ đến sau khi cưới.
Từ trước đến nay anh vẫn thiếu một mảnh tình vác vai. Cứ thử tưởng tượng những ngày lễ lạc, tết nhất, người ta ai cũng có đôi bạn, còn mình lại lẻ loi.
Vào những ngày ấy, anh cảm thấy cô đơn khủng khiếp. Vì trong những ngày thường, các công việc và bổn phận đã lấp đầy hết tất cả. Nhưng ngày nghỉ thì không có gì, ngoài nỗi trống vắng tràn ngập trong tâm hồn.
Chính vì thế nên Lâm chấp nhận giải pháp “cưới trước, yêu sau”. Cũng phải qua hai lần mối men, Lâm mới cưới được vợ.
Lần thứ nhất, anh được làm mai cho một cô con nhà có cửa hàng bán gạo trong chợ. Vốn là người trí thức, nhưng Lâm cũng không nệ hà gì nếu cưới một người vợ bình dân, với anh, miễn sao cô ta hiền lành là đủ. Dường như hiền thục vẫn là tiêu chí quan trọng nhất mà Lâm cho rằng sẽ đem lại hạnh phúc cho gia đình tương lai của mình.
Nhưng anh đã sớm bị thất vọng khi bố mẹ cô gái và cả chính cô đều có ý chê gia đình nhà anh nghèo, nghề nhà giáo của anh cũng thanh bạch. Vụ từ chối đó làm cho anh bị thất tình đến hai tháng. Cho đến khi qua mai mối lần hai, anh mới gặp Phi.
Nói chuyện với Phi lần đầu là bụng anh đã ưng ngay, mặc dù bố mẹ Lâm có vẻ không hài lòng về cô. Thứ nhất, ông bà chê cô hiền lành, chậm chạp quá, đến độ chẳng có nghề nghiêp gì ngoài chân bán hàng ở một cửa hàng bán giày dép, nghề này chỉ có thể gọi là nghề tạm, không có tương lai và không ổn định.
Gia đình cô cũng như gia đình anh, đều thuộc hạng chỉ đủ ăn. Hai ông bà sợ rằng sau này cô sẽ thêm gánh nặng kinh tế cho anh. Lại nữa, có vẻ như Lâm lấy vợ dễ dãi quá, dường như cô nào cũng cưới được.
Người ta nói “vợ chồng là duyên số”, không hiểu tại sao qua một hai lần nói chuyện với Phi, Lâm cảm thấy rất yên tâm và vô cùng dễ chịu. Điều này anh chưa từng tìm thấy được qua tiếp xúc với các cô gái khác. Thế là chỉ trong vòng bốn tháng, họ đã thành hôn với nhau.
Sống chung với nhau được mấy năm, họ có một bé gái. Lâm vẫn cặm cụi dạy học, nhưng Phi đã thay đổi việc làm mấy lần, không có nghề nào ổn định, nên cuộc sống vợ chồng họ lâm vào cảnh khó khăn.
Sau nghề bán ở cửa hàng, Phi đã làm các nghề khác như bảo mẫu trường tiểu học, bán nước ngọt trước nhà, kể cả đi giúp việc nhà theo giờ, tuy cô không câu nệ công việc nhưng không nghề nào được lâu vì các lý do chủ quan có, khách quan có... Thất nghiệp ở nhà, cô xoay ra vừa làm nội trợ vừa trông con.
Hai vợ chồng sống chung với bố mẹ Lâm, chuyện bếp núc, cô nấu ăn không khéo. Lắm lúc Lâm đi dạy về phải lăn vào bếp nấu nướng, hai ông bà cụ ăn mới vừa miệng.
Kể cả các chuyện vệ sinh nhà cửa, chăm sóc cho con, Phi cũng tỏ ra vụng về, lóng ngóng. Lâm vẫn nghe bố mẹ anh than phiền, trách móc xa xôi, khiến anh cũng phát phiền, nhưng vẫn không chê vợ. Anh biết, ngoài những cái hậu đậu, tay chân vụng về đó, rốt lại Phi tính nết rất nhu hòa, hiền hậu, dễ gần gũi, về khoản này hai ông bà không chê được gì ở cô.
Từ ngày lấy vợ, Lâm trở thành một người đàn ông tự tin hẳn trước nữ giới. Trong trường có một cô văn thư mới chuyển về tên Như, cô này bị say nắng trước Lâm, và đã thả thính anh.
Một phần muốn thử sức lôi cuốn của mình với người đẹp, một phần thấy cô gái xinh xắn này tán tỉnh, điều chưa từng xảy ra với anh trước đây, nên Lâm và cô ta kín đáo hẹn hò với nhau. Dần dần anh đã trở thành kẻ si tình, lại gặp Như vốn là cáo già trong tình trường, nay yêu mai hờn, nên Lâm trở thành con thiêu thân trong tay cô nàng sành đời kia.
Về sau anh chợt phát hiện Như không chỉ có anh, ngoài Lâm ra, cô ta còn có ít nhất hai người nữa hiện cũng đang là “vệ tinh” của cô ả. So sánh với vợ nhà, một bên chung thủy, đằm thắm, một bên đa tình, hôm nắng hôm mưa, gây khổ sở cho nam giới không ít.
Lâm còn đủ tỉnh táo để mạnh dạn cắt đứt mối quan hệ. Thời gian đó cũng là lúc anh phát hiện ra người vợ “không có gì sở trường” của mình có tài nấu bún mọc rất ngon. Được sự động viên của chồng, Phi bày hàng bán ngay trước cửa nhà.
Hàng bún mọc của cô độc đáo ở chỗ nước dùng trong, khéo nêm nếm đậm đà, lôi cuốn, hàng quán sạch sẽ tươm tất, đặc biệt đối với các thực khách, dường như cô chủ chỉ lấy công làm lời, giá cả khá mềm. Bán được một thời gian, thu nhập từ hàng bún mọc của cô còn nhiều hơn nghề dạy học của chồng.