Việc sáp nhập các đơn vị đã tạo ra hướng sản xuất kinh doanh mới, hứa hẹn bước phát triển triển vọng trong tương lai.
Sản xuất rau quả: Tuyệt đối sạch
Trước khi sáp nhập, các đơn vị hoạt động cầm chừng, không phát huy hết tiềm năng. Hợp về một mối, trung tâm có 7 cơ sở sản xuất giống với trên 30 ha đất.
Tiếp nhận đội ngũ hơn 100 cán bộ, công nhân viên, ông Nguyễn Thành Nam (Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản Thái Nguyên) cho biết, Trung tâm triển khai tổ chức sản xuất với mong muốn cung cấp ra thị trường những loại rau, quả tươi nhất, ngon nhất, sạch nhất với giá cả bình ổn quanh năm.
Tại xã Cát Nê (huyện Đại Từ), Trung tâm vừa mới đầu tư khu nhà kính với hệ thống tưới tự động công nghệ Israel để trồng các loại rau ăn lá, cà chua bi và dâu tây.
Ông Ma Đức Hưng, cán bộ phụ trách vườn ươm giống Cát Nê cho biết, đây là khu vực khá xa khu dân cư, khí hậu mát mẻ quanh năm, rất phù hợp để ươm nhân các loại giống cây trồng.
Cà chua và dâu tây lần đầu tiên được đưa vào trồng thử nghiệm, song cán bộ vườn ươm tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nên cây phát triển sinh trưởng khá tốt.
Với hệ thống tưới phun tự động, được trồng trên giá thể xơ dừa, nguồn nước suối thiên nhiên được xử lý qua bể lắng, cà chua và dâu tây đều rất mập mạp, hứa hẹn năng suất, chất lượng cao.
Tại xóm 9, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, mô hình trồng thử nghiệm giống dưa leo chịu nhiệt Israel theo công nghệ tưới phun tự động, quy mô 2000 m2của ông Vũ Văn Bảo khá ấn tượng với hầu hết các quy trình đều được tự động hóa. Vườn được thiết kế theo hệ thống nhà màng, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật tiên tiến.
Ông Bảo cho biết dưa thu hoạch tại vườn tuyệt đối an toàn do không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào. Ngay cả xua đuổi côn trùng, ông cũng dùng hương thảo dược. Vì thế bà con quanh vùng phải “canh lịch” ngày thu hái để mua được dưa.
Thịt lợn sinh học: Nuôi bằng thảo dược, “kiêng” nước
Thời gian gần đây, ở một số tỉnh thành trong cả nước, mô hình chăn nuôi lợn bằng cám sinh học đã khẳng định tính ưu việt. Chất lượng thịt lợn thơm ngon, khi chế biến vừa giòn, thơm và chắc thịt, giá bán thịt lợn sinh học luôn cao hơn 10-25% so với sản phẩm thông thường.
Quan trọng nhất là môi trường không bị ảnh hưởng do chuồng trại không có mùi hôi thối, ít ruồi nhặng, lợn sinh trưởng khỏe mạnh, giúp đào thải độc tố nên ít phải sử dụng thuốc thú y điều trị bệnh dịch.
Đặc biệt, cách chăn nuôi này không cần rửa chuồng hoặc tắm cho lợn nên không có nguồn nước thải ra môi trường gây ô nhiễm hoặc lây lan dịch bệnh.
Tháng 11/2019, Trại Giống vật nuôi Điềm Thụy (huyện Phú Bình) thực hiện mô hình nuôi lợn hữu cơ bằng đệm lót sinh học. Kỹ sư Nguyễn Hữu Tiệp, Trại trưởng cho hay, đây là một phần của chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm nhằm đầu tư sản xuất tiêu thụ nông sản hữu cơ.
Mô hình nuôi lợn hữu cơ bằng đệm lót sinh học của Tập đoàn Quế Lâm còn được coi là chăn nuôi lợn tiết kiệm nước, trong đó sử dụng vỏ trấu nghiền làm đệm lót sinh học cùng với chế phẩm vi sinh khử mùi hôi. Lớp lót này sau khi nuôi 3 lứa lợn sẽ được sử dụng làm phân hữu cơ cho cây trồng.
Hiện, đàn lợn 80 con, chăn nuôi theo quy trình chuyển giao của Tập đoàn Quế Lâm đang tăng trưởng rất tốt, tăng trung bình 20kg/tháng, chỉ cần một công nhân trông coi, đảm nhiệm tất cả các khâu từ chăn nuôi đến xới nền (lớp đệm sinh học).
Ông Tiệp đánh giá, hướng chăn nuôi này rất phù hợp với mô hình nông hộ. Không chỉ bảo vệ môi trường, còn tiết kiệm công lao động, chi phí chăn nuôi, đặc biệt là lợn có khả năng kháng dịch cao nên không cần sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và chất lượng thịt thơm ngon.
Cửa hàng nông sản an toàn
Ông Nguyễn Thành Nam thông tin, ngoài nguồn kinh phí do Sở NN-PTNT giao, Trung tâm đã phối hợp với nhiều công ty, đơn vị cung ứng giống trong nước như Công ty Syngenta, Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh, Công ty CP Giống cây trồng Bắc Ninh, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Thái Bình, Công ty TNHH Cường Tân, Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An…) thực hiện được 18 mô hình giống mới các loại với quy mô từ 0,5 - 3,0 ha.
Việc thực hiện tiến hành trên hầu hết các địa bàn các huyện thành phố thị xã trong tỉnh, đã đưa được một số giống mới đến với bà con, tạo điều kiện cho họ được tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật mới về giống cây trồng, không chỉ nhằm giúp bà con có thêm sự lựa chọn trong việc tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật mới mà còn góp phần sản xuất ra những loại nông sản ngon, sạch để phục vụ nhân dân.
Mới đây, Trung tâm khai trương cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Cửa hàng trưng bày, bán các mặt hàng nông sản là các loại đặc sản nổi tiếng trong và ngoài tỉnh và các thực phẩm thiết yếu như: Gạo, thịt, rau, củ, quả an toàn với mức giá bình ổn đến với người tiêu dùng. Để bảo đảm yêu cầu an toàn, các mặt hàng nông sản được bày bán tại đây phải đạt tiêu chuẩn VietGAP và đáp ứng các yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cửa hàng mở ra nhằm giới thiệu, trưng bày và bán các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp người dân có nhiều cơ hội tiếp cận với các sản phẩm nông nghiệp sạch. Đồng thời, là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại sản xuất chế biến nông sản quảng bá thương hiệu, ra mắt sản phẩm đến người tiêu dùng một cách rộng rãi.
Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho hoạt động kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản theo chuỗi liên kết giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và xây dựng kênh phân phối các sản phẩm OCOP của tỉnh.