| Hotline: 0983.970.780

Sức sống mới tại khu tái định cư nơi biên giới

Thứ Hai 22/02/2021 , 10:50 (GMT+7)

Sau nhiều năm sống du canh du cư, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại Bình Phước không ngừng thay da đổi thịt.

Diện mạo khu dân cư thôn 2 Căn đổi thay từng ngày. Ảnh: Trần Trung.

Diện mạo khu dân cư thôn 2 Căn đổi thay từng ngày. Ảnh: Trần Trung.

Những ngày đầu xuân, bỏ lại những phồn hoa, nhộn nhịp của phố thị, chúng tôi về với các khu vực tái định cư dành cho các đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)  hộ nghèo, hộ thiếu đất sản xuất dọc theo tuyến biên giới của tỉnh Bình Phước.

Cảm nhận của chúng tôi tại các bản làng là sự vực dậy, chuyển mình và căng tràn sức sống. Đồng bào nơi đây đã quyết tâm biến sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, của cộng đồng, thành động lực, đòn bẩy để hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Hồi sinh trên vùng đất mới

Theo chân cán bộ xã biên giới Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, chúng tôi đến thăm khu tái định cư thôn 2 Căn, thuộc tiểu khu 119. Hòa cùng sắc xuân, hàng trăm hộ dân nơi đây rạng rỡ hạnh phúc trên vùng đất mới đang đổi thay từng ngày.

Theo lãnh đạo địa phương, hơn 5 năm về trước, tiểu khu 119 chỉ là đồi đất trống xen lẫn vườn điều, cao su. Từ năm 2015 đến nay, vùng đất này đã “hồi sinh” nhờ dự án bố trí nhà ở. Nhiều dãy nhà khang trang san sát dọc theo những con đường phẳng lì thẳng tắp được trải bằng nhựa, bê tông xi măng được mọc lên. Đến thời điểm này, nơi đây đã có 119 hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS và người Campuchia sinh sống bằng nghề chài lưới trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn được bố trí nhà và đất sản xuất để ổn định sinh sống.

Gia đình anh Nguyễn Văn Đẹp bên căn nhà khang được Nhà nước xây tặng đón xuân mới. Ảnh: Trần Trung.

Gia đình anh Nguyễn Văn Đẹp bên căn nhà khang được Nhà nước xây tặng đón xuân mới. Ảnh: Trần Trung.

Tết Tân Sửu có lẽ cái tết đặc biệt nhất đối với gia đình anh Nguyễn Văn Đẹp - một trong những hộ Việt kiều Campuchia bởi niềm mơ ước có căn nhà xây, được sống ổn định trên bờ đã thành hiện thực.

Vẫn chưa hết ám ảnh về những đợt sóng to gió lớn, căn nhà tạm của gia đình dựng trên bè từ những cây gỗ tạp, vách nứa, mái lợp cỏ tranh bị gió hất tung, cột kèo xiêu vẹo, đồ đạc bị cuốn trôi, anh Đẹp chia sẻ: Hồi còn ở Campuchia, gia đình sống bằng nghề chài lưới rất vất vả, cuộc sống bấp bênh, nay đây mai đó. “Năm 2003, tôi đưa gia đình về Việt Nam sinh sống bằng nghề đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Năm 2015 được Nhà nước quan tâm tặng nhà, cấp đất sản xuất, hỗ trợ điện, nước sinh hoạt tại tiểu khu 119 này, vợ chồng tôi rất mừng, chú tâm làm ăn, ổn định cuộc sống”, anh Đẹp bộc bạch. 

Bò giống Nhà nước cấp cho người dân thôn 2 Căn sinh trưởng phát triển khỏe mạnh. Ảnh: Trần Trung

Bò giống Nhà nước cấp cho người dân thôn 2 Căn sinh trưởng phát triển khỏe mạnh. Ảnh: Trần Trung

Cách đó không xa là gia đình anh Điểu Lứ - một trong những hộ đồng bào DTTS đầu tiên chuyển vào khu Dự án. Theo anh Lứ, trước đây, gia đình anh sinh sống tại thôn Tân Lập cùng xã Phú Nghĩa, nhưng cách trung tâm xã hàng chục km, đi lại khó khăn, không có điện thắp sáng, thiếu nước sạch sinh hoạt... Đặc biệt, gia đình anh cũng không có đất sản xuất, nhà ở thì dựng tạm bợ bằng lồ ô lợp cỏ tranh. 

Trong hơn 4 năm về đây định cư, cuộc sống gia đình anh Lứ đã đổi thay từng ngày. Theo đó, ngoài một căn nhà xây kiên cố 70 m2, trị giá 70 triệu đồng, gia đình anh Điểu Mé còn được cấp 1 con bò giống và hơn 300 m2 trồng cỏ nuôi bò. Đến nay,  gia đình anh đã có thêm 2 con bê và sắp đón thêm 1 chú bê nữa trong những ngày đầu xuân này. Đặc biệt, anh còn được Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 nhận làm công nhân cạo mủ cho Đoàn 778 với mức lương từ 6-8 triệu đồng/tháng. Không giấu được niềm hạnh phúc anh Lứ chia sẻ: “Nếu không có sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, thì gia đình tôi không thể có nhà ở kiên cố, công ăn việc làm ổn định, các con được đến trường như hôm nay!”.

Thoát nghèo bền vững

Rời khu tái định cư 119, điểm tiếp theo chúng tôi tiếp tục đến thăm là khu tái định cư tại ấp Cần Dực, xã biên giới Lộc Thành, huyện Lộc Ninh. Mặc dù, nằm gần biên giới hơn so với trung tâm huyện lỵ, thế nhưng, con đường về với bà con nơi đây hôm nay dường như ngắn hơn, đẹp hơn và tươi sáng hơn bởi những hàng cột điện thẳng tắp, cờ đỏ sao vàng bay phát phới dưới tán điều xum xuê hoa quả. Những ngôi nhà mới khang trang được sắp xếp tập trung theo đúng quy hoạch trên diện tích đất bằng phẳng, các công trình dân sinh từ điện, đường, nước sinh hoạt đến trường, trạm cũng được đầu tư khá hoàn chỉnh.

Ông Lâm Ché bên vườn điều cho thu nhập ổn định của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Ông Lâm Ché bên vườn điều cho thu nhập ổn định của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Năm nay đã là mùa xuân thứ 8 của gia đình ông Lâm Ché (người đồng bào K’me) và 62 hộ là người đồng bào DTTS đến từ nhiều xã trên địa bàn huyện Lộc Ninh chuyển vào khu tai định cư ấp Cần Dựt sinh sống. Từ là một hộ nghèo, thiếu đất sản xuất, dưới sự hỗ trợ của Nhà nước, đến nay, ông cũng như hầu hết bà con nơi đây đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Vừa chăm sóc vườn điều gần 8 năm tuổi của gia đình, ông Lâm Ché phấn khởi cho biết: Năm 2013 gia đình được nhận nhà, nhận đất trên tổng diện tích được giao là hơn 1ha. Nhờ có đất sản xuất, ông quyết định đầu tư trồng 400 gốc điều, sau nhiều năm chăm bẵm, đất không phụ lòng người, vườn điều không ngừng đâm chồi nảy lộc, chỉ tính riêng vụ điều (thu bói) năm ngoái ông thu về gần 30 triệu đồng. Năm nay thời tiết thuận lợi, dự tính  vụ điều năm sẽ đem về cho gia đình ông không dưới 60 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ngoài ra, với số tiền dành dụm, ông Ché còn mạnh dạng nuôi bò sinh sản, từ 1 con bò ban đầu, đến nay ông đã sở hữu được 4 con đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Ông Lâm Ché phấn khởi vì đàn bò của gia đình phát triển tốt. Ảnh: Trần Trung.

Ông Lâm Ché phấn khởi vì đàn bò của gia đình phát triển tốt. Ảnh: Trần Trung.

 “Trước khi vào ở khu tái định canh, định cư, gia đình không có đất sản xuất nên điều kiện kinh tế rất khó khăn, luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Từ ngày được cấp nhà, cấp đất, tôi động viên vợ và các con cố gắng chăm sóc tốt vườn điều và chăn nuôi hiệu quả. Thoát nghèo, gia đình tôi rất mừng”, ông Lâm Ché phấn khởi nói.

Ông Ngô Văn Trạm Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thành khẳng định, khu tái định cư Lộc Thành được đánh giá thành công nhất trong thực hiện Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ về định canh, định cư cho hộ nghèo DTTS trên địa bàn tỉnh; là khu dân cư kiểu mẫu trên tuyến biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng biên và phát huy hiệu quả phong trào nhân dân tham gia giữ gìn, bảo vệ biên giới vững chắc.

Khu dân cư ấp Cần Dực được đầu tư kiểu mẫu nơi biên giới. Ảnh: Trần Trung.

Khu dân cư ấp Cần Dực được đầu tư kiểu mẫu nơi biên giới. Ảnh: Trần Trung.

Một mùa xuân mới đã về, bà con ở các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã ổn định cuộc sống. Họ như những gốc cây đã và đang bén rễ, đâm chồi, nẩy lộc phát triển tốt tươi trên những vùng đất mới.

Niềm vui, phấn khởi khi sinh sống trên mảnh đất mới của gia đình anh Đẹp, anh Lứ cũng là cảm xúc chung của những hộ đồng bào DTTS, hộ Việt kiều Campuchia nơi đây. Ông Điểu Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập nhận định, khu định cư tại Tiểu khu 119 đã và đang mang lại niềm vui, sức sống mới cho người dân. Ngoài hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, bà con còn được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ cây - con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc… nên nhiều hộ đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Trong đó, mô hình dạy nghề, giải quyết việc làm được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm vì đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện giảm nghèo bền vững.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.