| Hotline: 0983.970.780

Suýt chết vì tin 'thầy lang mạng' chữa bệnh vẩy nến

Thứ Ba 31/10/2017 , 13:15 (GMT+7)

Mắc bệnh vảy nến, không đến viện khám, anh Công (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) uống thuốc của một ông lang rao bán trên mạng xã hội. 

benh-nhn-vy-nen153407300
Điều trị cho bệnh nhân vảy nến

Sau 6 tháng uống thuốc, toàn thân anh Công anh mẩn đỏ, da toàn thân bong tróc như cua lột. Nguy hiểm hơn, anh còn suy thận nặng…
 

Suýt chết

Là một thành viên của Hội bệnh nhân vảy nến, Bệnh viện Da liễu Trung ương, anh Công chia sẻ, anh bị bệnh vảy nến đến nay đã 16 năm. Khi mới mắc bệnh bản thân anh rất hoang mang, với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” nên nghe ai mách ở đâu có thầy, có thuốc anh đều tìm đến. Anh đã lấy thuốc của một thầy lang, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ mà được quảng cáo là thuốc “gia truyền”.

Sau 6 tháng ròng rã sử dụng với liều lượng 6 thìa/ngày, anh Công đã bị bội nhiễm, nhiễm trùng phải vào Bệnh viện Da liễu Trung ương cấp cứu, toàn thân bong như cua lột, sần sùi như ra rắn. “Tôi tưởng mình không còn sống khi bác sĩ nói bị suy thận nặng, phải lọc máu 3 lần/tuần”, anh Công chia sẻ.

Được các bác sĩ dốc lực cứu chữa thoát án tử, anh Công nhắn nhủ tới những người cùng cảnh ngộ “khi phát hiện bị bệnh vảy nến cần bình tĩnh kiểm soát, đến bệnh viện để được điều trị theo phác đồ của bác sỹ, nên tin bác sỹ chứ không nên tin vào những thầy lang, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc”.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền - một thành viên của Hội bệnh nhân vảy nến cho biết: Tôi chung sống với bệnh đã 9 năm. Bệnh này nếu kiểm soát tốt sẽ yên ả, nếu không tốt sẽ nặng lên, bùng phát khi stress hoặc sử dụng thuốc Nam không rõ nguồn gốc.

Điều khiến chị Hiền cảm thấy buồn, mặc cảm là trong đợt vừa qua do bị stress nặng nên chị đã phải vào viện điều trị. Quá trình nằm viện, khi biết chị bị bệnh vảy nến, bệnh nhân cùng phòng đã nằng nặc đòi được chuyển phòng vì sợ lây nhiễm. “Chúng tôi mong mọi người biết về bệnh, đây là bệnh không lây; mọi người đừng kỳ thị để chúng tôi sống với bệnh, làm việc bình thường”, chị Hiền rơm rớm nước mắt nói.
 

Không phải bệnh lây lan

Bác sỹ Hoàng Văn Tâm, Trưởng nhóm điều trị bệnh da liễu, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: Bệnh vẩy nến là một trong những bệnh về da rất hay gặp ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch và yếu tố di truyền. Ngoài ra một số yếu tố có ảnh hưởng, kích thích và làm bệnh tiến triển nặng thêm cũng được đề cập như stress, nghiện bia, rượu, thuốc lá, nhiễm trùng, rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, khí hậu, môi trường…

“Vảy nến là bệnh mãn tính không lây, gây đau đớn, biến dạng và làm mất khả năng. Ngoài việc đau ngứa và chảy máu bệnh nhân vảy nến còn bị kỳ thị, phân biệt đối xử ở xã hội, nơi làm việc. Một điều chắc chắn là bệnh vẩy nến không phải là bệnh lây lan như bao người nhầm tưởng”, bác sỹ Tâm khẳng định.

Trong khi đó, PGS. TS. Trần Hậu Khang, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết thêm, biểu hiện của bệnh vẩy nến ở thương tổn da: Hay gặp và điển hình nhất là các dát đỏ có vẩy trắng phủ trên bề mặt, vẩy dày, có nhiều lớp xếp chồng lên nhau rất dễ bong và giống như giọt nến. Kích thước thương tổn to nhỏ khác nhau với đường kính từ 1- 20 cm hoặc lớn hơn. Vị trí điển hình nhất của các dát đỏ có vẩy là vùng tì đè, hay cọ xát như: khuỷu tay, đầu gối, rìa tóc, vùng xương cùng, mông. Tuy nhiên sau một thời gian tiến triển các thương tổn có thể lan ra toàn thân.

Ngoài ra, bệnh cũng hay gây thương tổn ở móng. Theo đó, có khoảng 30%-40% bệnh nhân vẩy nến bị tổn thương móng tay, móng chân. Các móng ngả màu vàng đục, có các chấm lỗ rỗ trên bề mặt. Có thể móng dày, dễ mủn hoặc mất cả móng.

“Đối với thương tổn khớp, tỷ lệ khớp bị thương tổn trong vẩy nến tùy từng thể. Thể nhẹ, thương tổn da khu trú, chỉ có khoảng 2% bệnh nhân có biểu hiện khớp. Trong khi đó ở thể nặng, dai dẳng có đến 20% bệnh nhân có thương tổn khớp. Biểu hiện hay gặp nhất là viêm khớp mạn tính, biến dạng khớp, cứng khớp, lệch khớp, bệnh nhân cử động đi lại rất khó khăn… Một số bệnh nhân thương tổn da rất ít nhưng biểu hiện ở khớp rất nặng, đặc biệt là khớp gối và cột sống”, PGS. TS Trần Hậu Khang nhấn mạnh.

Chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn

Theo PGS Trần Hậu Khang, cho đến nay chưa có một phương pháp nào đặc hiệu để điều trị khỏi hoàn toàn bệnh vẩy nến. Tuy nhiên trong những năm gần đây nhiều thuốc mới đã được áp dụng để điều trị toàn thân và tại chỗ có tác dụng rất tốt, bệnh ổn định lâu dài.

Mặc dù vậy, người bệnh cần xác định vai trò của bản thân trong điều trị bệnh: Không được lơ là, không tự động bỏ thuốc khi thấy thương tổn đã giảm; hạn chế bia, rượu, thuốc lá, tránh các stress và điều trị triệt để các bệnh mãn tính khác. Đồng thời, hạn chế tắm sữa nhiều sút, không nên ngâm lâu quá gây khô da; ra ngoài trời nên để có ánh nắng; cẩn trọng khi sử dụng thuốc điều trị tim mạch, thuốc Nam có corticoit tránh gây phản ứng nặng hơn.

 

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Người bị tiểu đường nên ăn gì thay cơm trắng?

Cơm trắng có chỉ số đường huyết cao, không tốt cho người tiểu đường. Vậy người bị tiểu đường nên thay cơm bằng thực phẩm gì?

8 lợi ích sức khỏe tuyệt vời của quả xoài

Xoài là loại cây quen thuộc với người Việt, thường được trồng làm bóng mát trong gia đình và khu dân cư. Quả xoài được yêu thích bởi hương thơm và vị ngọt đặc trưng.