| Hotline: 0983.970.780

Tạ lỗi với hoàng lan

Chủ Nhật 06/08/2023 , 23:52 (GMT+7)

Tôi thương nhớ cây hoàng lan do chính tay tôi trồng đã chết khô vì sự vô tâm của người khác, không hẳn như thương nhớ một mối tình.

Hoa hoàng lan.

Hoa hoàng lan.

Khuôn viên nhà tôi rất rộng, bên trong bốn phía tường rào là những vạt đất trống được tôi phủ màu xanh của hoàng lạc thảo, một thứ cỏ đậu phộng hoa vàng tuyệt đẹp. Đặc biệt bên hông nhà chỗ cái giếng nước cũ tôi đã không phá bỏ từ ngày có nước máy dẫn vào nhà như một kỷ niệm. Trên vạt đất này tôi muốn trồng thêm một vài cây xanh có tán lá rộng và có hoa thật thơm. Mùi thơm của hoa sẽ theo gió đưa vào cửa sổ phòng khách và phòng ngủ, nhất là sau cơn mưa khuya hay lúc trời gần sáng thì thật tuyệt.

Thế là tôi dành một khoảng không gian bên ngoài cửa sổ phòng khách rất đẹp chéo góc cái giếng nước cũ ở hướng tây bên hông nhà để trồng cây hoàng lan, vì khi hoàng lan trổ hoa, nhất là vào những đêm trăng, hương thơm hoa hoàng lan sẽ nồng nàn trong gió bay vào phòng khách và phòng ngủ của tôi. Lúc đó tôi ngồi uống trà hay uống một cốc rượu vang đỏ sẽ rất tuyệt vời. Hoặc lúc gần sáng khi tôi vừa thứ dậy nghe được căn phòng thơm nức mùi hương hoàng lan sẽ giống như mình vừa bước ra khỏi cơn mơ đẹp.

Rồi người bạn ở xa tặng cho tôi cây hoàng lan giống, cao gần 1m khoảng cuối mùa mưa, thời gian thích hợp nhất để trồng cây. Tôi đích thân đào đất, lót phân rác rồi cẩn thận trồng cây hoàng lan với ước mong cây sẽ phát triển nhanh, sớm có mùa hoa đầu tiên. Dạo đó tôi chỉ về mỗi cuối tuần, rồi lại đi. Tôi căn dặn bà giúp việc chăm sóc má tôi ở nhà nhớ tưới cây hoàng lan khi thấy nắng nhiều vào buổi chiều mát hoặc khi sáng sớm cho cây khỏi chết khô, nhất là trong mùa nắng lửa.

Vài tháng sau tôi về mùa mưa đã dứt báo hiệu mùa nắng tới bằng những ngày nóng gắt, gió khô, cây lá trong vườn im bóng, buồn thiu. Tôi xách thùng tưới múc nước hồ tưới cây hoàng lan ngày 2 lần. Nhìn cây hoàng lan xanh tốt, phát triển nhanh, cao dần lên ngang bằng khung cửa sổ tôi rất mừng. Thế rồi tôi lại đi, không quên căn dặn bà giúp việc nhớ tưới cây hoàng lan ngày 2 lần như tôi đã tưới.

Không ngờ bà giúp việc đã quên, bỏ cây hoàng lan chết khô khi tôi về. Đó là những ngày má tôi đã yếu nhiều. Tôi đã mang nỗi buồn gấp đôi sau khi má tôi mất và thương nhớ cây hoàng lan. Đúng là có những thứ tự tay mình chăm sóc, tự mình biết trân trọng, xót thương chứ người khác không thể làm theo ý mình được. Một là người ta không yêu quý nó, hai là người ta vốn thờ ơ, lãnh đạm sống với trái tim bên lề với tâm hồn chai sạn, vô cảm với chung quanh.

Từ đó tôi luôn tiếc nuối, ngồi nhớ cây hoàng lan đã chết khô. Biết bao giờ tôi mới tìm được cây hoàng lan khác để trồng thay vào chỗ cây hoàng lan đã chết? Và biết bao giờ tôi thức giấc giữa khuya ra ngồi lặng lẽ ngoài phòng khách uống tách trà mình tự pha, hay lâng lâng với cốc rượu vang đỏ giữa mùi hương hoàng lan thơm ngát, nồng nàn từ cửa sổ bay vào? Có chăng chỉ là tưởng tượng, là niềm tiếc nuối vô hạn.

Đời người ai cũng có thể trải qua nhiều mối tình, mỗi một người tình đến, rồi đi khác nhau, hình bóng để lại sâu đậm khác nhau, thương nhớ nguôi quên khác nhau. Nhưng có lẽ mối tình đầu tiên bao giờ cũng sâu đậm giống nhau.

Tôi thương nhớ cây hoàng lan do chính tay tôi trồng đã chết khô vì sự vô tâm của người khác, không hẳn như thương nhớ một mối tình và cũng không phải tôi không tìm mua được cây hoàng lan khác để trồng, ngưỡng vọng hương thơm của hoa hoàng lan mỗi đêm trăng. Nhưng tôi buồn, nuối tiếc vì đây là cây hoàng lan do người bạn tặng, người tặng cây hoàng lan như trao gửi một mối tình thầm kín mà mình để nó chết đi, dù là vô tình không phải lỗi của chính bản thân ta cũng là một lỗi lầm đáng tiếc.

Hôm nay, sau nhiều biến động rất riêng, bắt đầu cho những ngày mưa dầm ở quê nhà. Tôi cũng đã bình tâm lại để viết những dòng này, xin tạ lỗi với hoàng lan, tạ lỗi với người đã tặng cây. Không cứ gì thời gian trôi đi như một dòng chảy không trở về, mỗi sớm mai còn giăng sương ngoài cửa, mỗi trưa nắng xế ngang chiều và đêm đến, nhất là những đêm có trăng non huyền hoặc tôi thường ngồi ngơ ngẩn hối tiếc đã không về kịp chăm sóc cây hoàng lan. Ước gì. Phải chi… Hai cụm từ này luôn là sự chậm chân trên một đoạn đường của người ngậm ngùi nhìn lại những thứ mà mình đã mất.

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm