| Hotline: 0983.970.780

Tái canh cà phê vẫn khó

Thứ Ba 02/12/2014 , 10:15 (GMT+7)

Ngày 1/12, tại TP.HCM, Ban Điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam đã tổ chức diễn đàn đối thoại và triển vọng cà phê 2014. 

Những khó khăn, vướng mắc trong tái canh cà phê là một trong những nội dung quan trọng được bàn thảo nhiều.

Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, diện tích cà phê trên 20 năm tuổi cần tái canh đến 2020 là khoảng 200.000 ha. Từ năm 2010 - 2014, tổng diện tích cà phê đã được tái canh và ghép cải tạo mới đạt 43.300 ha, tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng (25.860 ha) và Đăk Lăk (10.616 ha).

Lâm Đồng là tỉnh đang làm tốt nhất công tác tái canh cà phê, bởi UBND tỉnh này đã phê duyệt kế hoạch tái canh, công nhận vườn đầu dòng cà phê cung cấp 12,3 triệu chồi/năm. Ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã tổ chức hướng dẫn SX giống cà phê và quản lý nguồn giống; đào tạo, tập huấn, tổng kết các mô hình tái canh.

Agribank Chi nhánh Lâm Đồng cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương cụ thể hóa được quy trình, hồ sơ, thủ tục vay vốn tái canh cà phê, để nông hộ có thể tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ tái canh cà phê.

Ở Đăk Lăk, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt kế hoạch tái canh cà phê đến 2020. Sở NN-PTNT Đăk Lăk đã tổ chức thanh tra các cơ sở SXKD giống trên địa bàn. Đăk Lăk hiện đã có 10 ha SX hạt lai TRS1, SX được khoảng 20 tấn hạt lai, vườn nhân chồi khoảng 4 triệu chồi ghép.

Cty TNHH Nestlé Việt Nam cũng hỗ trợ 50% chi phí cây giống cho các hộ nông dân ở Đăk Lăk tái canh cà phê. Bên cạnh đó là nguồn vốn hỗ trợ của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam…

Nhìn chung, đến thời điểm này, công tác tái canh cà phê vẫn đang gặp phải những khó khăn lớn về kỹ thuật của nông dân và vốn liếng. Theo TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện đã có nhiều mô hình tái canh tốt, rất có triển vọng. Bên cạnh đó, đã có một số giống cà phê mới với năng suất cao như TR4 7,3 tấn/ha; TR9 5,5 tấn/ha; TR11 4,2 tấn/ha…

Theo ông Lương Văn Tự, hiện nay, 97% diện tích cà phê ở nước ta là thuộc về các nông hộ. Thực tế cho thấy rất nhiều nông hộ vẫn chưa có sổ đỏ cho diện tích cà phê của mình. Do đó, họ không thể dùng vườn cà phê để thế chấp ngân hàng, vay vốn thực hiện tái canh cây cà phê.
Về vấn đề này, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt, cũng thừa nhận, đây là một vướng mắc lớn đang làm hạn chế việc cho vay tái canh cây cà phê.

Tất cả những giống này đều có khả năng kháng cao với bệnh gỉ sắt. Các mô hình ghép chồi thay thế cũng đạt tỷ lệ thành công tới trên 90%, cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nếu nông dân không nắm vững quy trình kỹ thuật tái canh cà phê, nguy cơ rủi ro là rất lớn.

Vì thế, TS Báu cho rằng các địa phương cần phải đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, quy trình tái canh cây cà phê cho nông dân.

Ngoài ra, nông dân vẫn chủ yếu SX nhỏ lẻ, thiếu liên kết trong SX và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó dẫn tới tình trạng nông dân vẫn còn thu hoạch quả xanh khá phổ biến. Bởi vậy, cần phải tổ chức lại SX của nông dân để tạo mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng ngành hàng cà phê, nhất là liên kết giữa họ với nhau nhằm hạn chế tình trạng thu hái nhiều quả xanh, giảm chi phí đầu vào, tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn.

Chính vì tái canh cà phê đòi hỏi nông dân phải nắm thật vững kỹ thuật, nên ông Lê Văn Đức cho rằng các địa phương không nên tái canh cà phê theo phong trào, nhất là khi có nguồn vốn hỗ trợ từ những tổ chức nào đó.

Để tái canh cà phê, vốn liếng là một yếu tố quan trọng hàng đầu. Theo ông Lê Văn Đức, ở một số tỉnh, đã có bản ghi nhớ giữa ngân hàng với địa phương về cam kết tài trợ vốn cho nông dân trồng mới, tái canh cà phê, với tổng số vốn lên tới hàng ngàn tỷ đồng, cụ thể Đăk Lăk 3.000 tỷ, Lâm Đồng 2.800 tỷ.

Tuy nhiên, những vướng mắc về lãi suất, thế chấp đang khiến cho nhiều hộ nông dân trồng cà phê không muốn hoặc chưa thể tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.

Ông Nguyễn Tấn Trung, một nông dân đến từ Di Linh (Lâm Đồng) cho hay, với lãi suất 9,5% như hiện nay, nhiều hộ nông dân sẽ không vay vốn để tái canh cà phê, bởi lãi suất như vậy vẫn là cao. Vì vậy, nông dân thà vay vốn ngắn hạn để thực hiện các kế hoạch kinh tế hộ khác sẽ có hiệu quả hơn là vay vốn tái canh cà phê. Ông Trung cho rằng, nếu lãi suất hạ xuống còn 6%, chắc chắn nông dân sẽ tích cực vay vốn.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cũng cho rằng, tuy lãi suất dành cho tái canh cây cà phê được quy định thấp hơn lãi suất thông thường 1 - 2%, nhưng chính sách này vẫn sẽ khó đi được vào cuộc sống, vì lãi suất này vẫn còn cao.

Khi tái canh cà phê, nông dân phải chờ 3 - 5 năm mới lại có sản phẩm. Nếu dùng biện pháp ghép cũng phải mất 1 năm. Lãi suất còn cao như vậy, nông dân sẽ khó chịu được.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.