Vấn nạn dai dẳng
Mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) được khai thác từ thời Pháp thuộc, là mỏ có trữ lượng vàng lớn nhất cả nước. Năm 2005, Công ty TNHH Bồng Miêu được cấp phép khai thác mỏ vàng, giấy phép hết hạn năm 2016. Năm 2018, tòa án đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty này.
Sau nhiều lần tỉnh Quảng Nam kiến nghị, tháng 3/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Đến tháng 8/2022, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, phục hồi môi trường với vốn đầu tư 19,5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2024.
Vậy nhưng, trong giai đoạn đang thực hiện việc đóng của mỏ, thời gian qua, tại mỏ vàng Bồng Miêu và những khu vực lân cận lại rộ lên tình trạng khai thác vàng trái phép. Hoạt động này diễn ra khá rầm rộ, tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không có giải pháp để ngăn chặn hiệu quả.
Theo nguồn tin phản ánh, chúng tôi tiếp cận ngã ba Hố Ráy, khu vực đầu tiên dẫn vào các bãi khai thác vàng trái phép. Thấy có người lạ thâm nhập, 1 đối tượng cảnh giới ngay lập tức gọi điện thông báo để các chủ bãi vàng tạm dừng các hoạt động khai thác để lẩn trốn. Men theo con đường có dấu xe tải vào khu vực Thác Trắng, chúng tôi liên tục chạm mặt những “chim mồi” hoặc có thể là phu vàng với ánh mắt thăm dò.
Lên đến gần khu vực đỉnh đồi, cách ngã 3 Hồ Ráy gần 2km, những lán trại của “vàng tặc” dựng lên bắt đầu hiện ra ngay trên các bãi đất được đào xới nham nhở rộng đến hàng ngàn m2. Thấy có người, các đối tượng khai thác vàng ngay lập tức dừng mọi công việc rồi nhanh chóng chạy vào rừng keo để lẩn trốn.
Tiếp cận bãi vàng này, chúng tôi ghi nhận được tại đây có thấy có đến 5 hồ ngâm đất bằng hóa chất để lọc lấy vàng. Một số bể lắng vẫn còn đang sục sôi nổi các bọt khí với mùi hôi nồng nặc. Phía trong lán trại, những vật dụng sinh hoạt hàng ngày của các phu vàng như ấm nước, xoong nồi, quần áo vẫn chưa kịp di chuyển đi nơi khác.
Khoảng 20 phút sau, chúng tôi gặp lực lượng công an đang tổ chức tuần tra. Qua trao đổi nhanh, các cán bộ tuần tra cho biết, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, cơ quan chức năng cũng đã tổ chức các đợt truy quét nhưng đa phần khi đến nơi thì những phu vàng đều đã trốn chạy. Do đó, lực lượng này cũng chỉ xử lý bằng cách đập phá máy móc, đốt lán trại tại các bãi khai thác trái phép này.
Ngang nhiên khai thác ngay gần chốt kiểm soát
Nhiều giờ đồng hồ men theo các tuyến đường mòn quanh khu vực Thác Trắng, chúng tôi phát hiện đến gần 10 điểm khai thác vàng nằm trong rừng keo, mới có, cũ có. Gặp chúng tôi, một phu vàng cho biết, ngoài các điểm khai thác nhỏ lẻ của người dân địa phương thì ở khu vực Thác Trắng còn có một số chủ bãi vàng còn đưa cả phương tiện cơ giới như máy múc, xe tải và để khai thác vàng.
“Họ (những người khai thác bằng cơ giới - PV) cũng có thể là người địa phương hoặc là người nơi khác đến thuê người làm. Do có máy móc nên sẽ làm được nhiều hơn. Ở đây, cứ trung bình 100m3 đất, đá chứa quặng vàng có thể lắng lọc được khoảng 1 - 2 cây vàng. Họ có phân công người cảnh giới. Khi có động tĩnh sẽ đưa máy móc đến nơi khác cất giấu không để gần bãi vàng”, phu vàng này chia sẻ.
Di chuyển xuống bên kia sườn đồi, chúng tôi bắt gặp một nhóm khoảng người đứng bên cạnh một máy múc ngay sát vệ đường. Khi được hỏi, nhóm người này cho hay mình đưa máy múc lên sửa lại đường để khai thác keo. Tuy nhiên, điểm khá trùng hợp là con đường ngay sát đó với các dấu xích xe cơ giới lại dẫn đến một bãi khai thác vàng khác khá quy mô với 2 hố đất lớn được đào lên để ngâm ủ, lắng lọc vàng rộng gần 5m, dài hơn 15m. Cách đó không xa, 1 khu đất bị đào xới, múc đi tạo thành 1 vách núi dựng đứng cao gấp mấy lần thân người.
Rời Thác Trắng, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến khu vực Đồi Sim và Bãi Thải nằm trong mỏ vàng Bồng Miêu. Điều bất ngờ là cách chốt bảo vệ của lực lượng chức năng khoảng 200m, một “đại công trường” khai thác vàng hiện ra với la liệt các lán trại cùng hàng chục phu vàng đang cặm cụi đào đất đổ vào hồ ngâm ủ. Thấy nhóm phóng viên rút máy ảnh ra ghi hình, những người này lập tức tỏa đi nhiều hướng rồi trốn vào rừng cây, bỏ lại công cụ khai thác, đồ dùng sinh hoạt, một số tô mì tôm vừa bóc chưa kịp pha nước.
Trước thực trạng khai thác vàng trái phép rầm rộ, công khai trên địa bàn, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Sự, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho rằng, đây là vấn đề dai dẳng ở địa phương. Xã cũng nhiều lần phối hợp với lực lượng chức năng để truy quét nhưng khi vào đến các bãi vàng thì không thấy hoạt động, các đối tượng đã lẩn trốn. Chỉ bắt quả tang được một vài trường hợp và thu giữ được 1 phương tiện xe cơ giới.
“Đầu năm 2023, lực lượng chức năng có thành lập 1 chốt chặn tại Hộ Ráy là cửa ngõ dẫn vào con đường độc đạo lên Thác Trắng nên kiểm soát khá hiệu quả hoạt động khai thác vàng trái phép. Đến cuối năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam thực hiện đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu thì công an huyện có đề xuất bỏ chốt chặn Hố Ráy để tập trung lực lượng hỗ trợ tại khu vực mỏ.
Do không có lực lượng túc trực ở khu vực Thác Trắng nên các đối tượng hoạt động mạnh trở lại. Qua nắm tình hình, hiện có 9 nhóm đối tượng đưa nhiều phương tiện cơ giới vào khai thác vàng với quy mô lớn. Do đó, vừa qua, UBND xã Tam Lãnh đã có đề xuất UBND huyện Phú Ninh mở lại chốt chặn ở Hố Ráy để kiểm soát hoạt động khai thác vàng trái phép”, ông Sự nói.
Theo ông Trần Quốc Danh, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, qua kiểm tra tình hình khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã Tam Lãnh dịp trước, trong và sau Tết, UBND huyện nhận thấy hoạt động này vẫn diễn biến phức tạp. Mặc dù các lực lượng chức năng tăng cường truy quét, thành lập 3 chốt kiểm soát nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả trong công tác ngăn chặn, xử lý, đặc biệt tại khu vực Đập Thải, Đồi Sim, Thác Trắng. Tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra công khai, có quy mô lớn và sử dụng xe cơ giới hoạt động cách chốt kiểm soát từ 200 - 300m nhưng chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời.
UBND huyện Phú Ninh đã có văn bản yêu cầu công an huyện chỉ đạo các đơn vị tăng cường các biện pháp để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản trái phép của chủ và người điều khiển phương tiện. Đồng thời báo cáo kết quả, hiệu quả hoạt động, khó khăn của các chốt kiểm soát và có kiến nghị, đề xuất.