| Hotline: 0983.970.780

Tái định cư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: 9 năm mòn mỏi đợi 'sổ đỏ'

Thứ Bảy 21/09/2019 , 08:46 (GMT+7)

Sau gần 10 năm nhường đất cho dự án làm đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hàng trăm hộ dân ở Hải Phòng vẫn chưa nhận được "sổ đỏ".

Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã hoàn thành cuối năm 2015.

Năm 2009, thành phố Hải Phòng thu hồi nhà, đất của hàng nghìn hộ dân tại các quận Hải An, Dương Kinh, huyện An Lão và huyện Kiến Thụy để triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Để có mặt bằng thực hiện dự án, thành phố Hải Phòng đã bố trí xây dựng nhiều khu tái định cư tại 4 quận, huyện trên.

Ngày 5/12/2015, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã hoàn thiện, thông xe toàn tuyến và đưa vào sử dụng ổn định, mang lại lợi thế lớn cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, theo thống kê, đến nay trên địa bàn Hải Phòng có tổng số 880 hộ dân ở các khu tái định cư thuộc 2 huyện An Lão và Kiến Thụy chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với lô đất tái định cư.

Cụ thể, tại huyện An Lão có 690 hộ dân có nhà, đất bị thu hồi được bố trí tái định cư tại 8 khu tái định cư: Tân Viên - An Thắng 1,2; Quang Trung 1,2; Quốc Tuấn, Mỹ Đức 1,2 và An Thái. Tại huyện Kiến Thụy có 190 hộ dân sống tại 6 khu tái định cư thuộc xã Hữu Bằng, Thuận Thiên.

Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, UBND thành phố Hải Phòng đã có thông tin nói rằng sẽ hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định cho các hộ dân thuộc diện tái định cư của dự án trong tháng 10. Tuy nhiên nhiều người dân vẫn chưa thực sự yên tâm và đang phải nghe "ngóng" vì chính quyền sở tại nhiều lần hứa hụt.

Ông Đỗ Văn T., thôn Cẩm Văn, xã Quốc Tuấn - thuộc địa phương đầu tiên di chuyển tái định cư nhường đất cho thực hiện dự án vào năm 2011 cho biết: Chúng tôi ra đây trong khi mặt bằng vẫn chưa đảm bảo nhằm để công trường thi công đúng tiến độ. Nhưng giờ là 9 năm rồi, chúng tôi chưa được cấp bìa đỏ. Tôi đề nghị cấp trên xem xét và giải quyết nhanh chóng cho chúng tôi. Người dân muốn thế chấp nhà đất hợp pháp để vay vốn làm ăn cũng không được. Con cái dựng vợ gả chồng muốn chia đất đai rành mạch cũng khó vì chưa có sổ đỏ. Rất bất cập.

Người dân nhường đất sớm để dự án được triển khai đúng tiến độ nhưng gần 10 năm nay chưa có sổ đỏ.

Cùng tình cảnh như trên, bà Nguyễn Thị N., ở thôn Câu Đông, xã Quang Trung, huyện An Lão (Hải Phòng) chuyển đến nơi ở tái định cư, nhường đất cho Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Sau khi được cấp đất tái định cư, gia đình bà đã hoàn thành thủ tục, đóng đủ các loại thuế, phí... thế nhưng đến nay, gia đình bà cùng gần 400 hộ dân của khu tái định cư Câu Đông vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giờ khó khăn, muốn đi vay mượn ngân hàng hoặc kinh doanh nhưng không có bìa đỏ nên không làm sao được. Huyện, xã về họp, cứ hẹn năm này sang năm khác.

Ông Đỗ Văn T., thôn Cẩm Văn, xã Quốc Tuấn cho biết: Chúng tôi ra đây trong khi mặt bằng vẫn chưa đảm bảo nhưng chúng tôi vẫn ra, để công trường thi công đúng tiến độ. Nhưng giờ là 9 năm rồi, chúng tôi chưa được cấp bìa đỏ. Tôi đề nghị cấp trên xem xét và giải quyết nhanh chóng cho chúng tôi.

Người dân đã làm nghĩa vụ tài chính khi đến nơi tái định cư.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng (40 tuổi, trú tại thôn Câu Đông, xã Quang Trung, huyện An Lão) được bố trí tái định cư 100m2 tại khu tái định cư Quang Trung. Thời điểm chi trả tiền bồi thường, gia đình chị bị giữ lại 40 triệu đồng tiền đất tái định cư.

Chị Hồng đã xây ngôi nhà 2 tầng rưỡi khang trang ở khu tái định cư từ năm 2010. Nhưng từ đó đến nay đã rất nhiều lần đề nghị làm “sổ đỏ” mà không được. “Họ giải thích tiền chúng tôi tạm ứng chưa được nộp vào ngân sách huyện nên chưa được cấp sổ đỏ”.

Theo tìm hiểu, tình cảnh mòn mỏi chờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không chỉ xảy ra với người dân ở các địa phương nói trên mà hàng trăm hộ dân các nơi khác như: xã Tân Viên, Mỹ Đức (huyện An Lão), xã Hữu Bằng, Thuận Thiên (huyện Kiến Thụy) và quận Dương Kinh thuộc diện tái định cư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến nay vẫn cùng chung tình cảnh ngộ.

Một hộ dân thuộc diện giải tỏa nhường đất cho dự án chia sẻ hành trình 9 năm ròng "đòi" sổ đỏ.

Liên quan đến vấn đề trên, Sở Tài nguyên - Môi trường Hải Phòng cho biết, nguyên nhân của việc chậm trễ cấp “sổ đỏ” cho các hộ dân tái định cư là vướng mắc về kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng các khu tái định cư giữa UBND thành phố Hải Phòng và Chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFY).

Hiện, thành phố Hải Phòng còn nợ VIDIFY kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng của khu tái định cư; chính vì vậy, khi VIDIFY thu tiền đất tái định cư của các hộ dân đã giữ lại để khấu trừ số tiền nợ này mà không nộp vào ngân sách Nhà nước, dẫn đến không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân.

Trước những vấn đề nhức nhối và bất cập này, mới đây, UBND thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng quyết toán việc xây dựng các khu tái định cư; các Sở, ban ngành điều chỉnh giá đất và thực hiện các thủ tục để cấp giấy chứng nhận cho bà con trong tháng 10/2019.

Ông Nguyễn Kim Pha, Chánh Văn phòng - Người phát ngôn UBND thành phố Hải Phòng cho biết: “Hiện nay, Hội đồng thẩm định giá thành phố đã có thông báo số 179 ngày 12/7/2019 thông báo kết quả thẩm định giá đất tái định cư điều chỉnh, Sở TN-MT đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố phê duyệt. Sau khi phê duyệt giá đất tái định cư điều chỉnh, xác định số tiền hoàn trả cho VIDIFY, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các địa phương hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận cho các hộ còn lại”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, giá đất sau khi điều chỉnh sẽ cao hơn giá đất kỳ trước, số tiền sử dụng đất tái định cư mà các hộ dân phải nộp sẽ tăng thêm so thông báo trước đó. Điều này cũng ít nhiều gây tâm trạng lo lắng và thậm chí bức xúc trong dân cư.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.