Từ việc đói, thiếu ăn đến nay Việt Nam đã dư thừa lương thực, nông sản xuất khẩu. Và giờ đây, trong đại dịch Covid-19, một lần nữa nông nghiệp lại là trụ cột không thể thay thế được để đưa chúng ta vượt qua khó khăn.
Có lẽ, đây là đúng lúc chúng ta cần nhìn lại và nhìn thẳng vào sự thật khoa học trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử này hay chưa? Nếu chưa thì tại sao?
Việt Nam là một nước có đầy đủ những yếu tố thuận lợi cho phát triển đa dạng các sản phẩm cây trồng, vật nuôi và thuỷ hải sản với một vị trí địa lý đặc biệt và các vùng tiểu khí hậu từ nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới.
So với các nước khu vực và trên thế giới có nền nông nghiệp phát triển khác như Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Úc chúng ta chưa khai thác phát huy được tiềm năng này triệt để, chưa nói là những sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là sản xuất thô. Điều này có thể thấy “sân” của của nhà khoa học nông nghiệp còn rất nhiều việc phải làm.
Một thực tế chứng minh, nhiều nhà khọc nông nghiệp Việt Nam như GS. Võ Tòng Xuân đã lai tạo các giống mới thành công mà thế giới ghi nhận trong những điều kiện nghiên cứu với cơ sở vật chất thiếu thốn vào những năm 1990-2000, bởi họ làm việc với một cái tâm và nhiệt huyết và muốn cống hiến thực sự.
Có nhiều ý kiến đưa ra nghiên cứu khoa học nói chung hiện nay chưa đáp ứng được mong đợi, bởi có quá nhiều rào cản như về thủ tục hành chính, thiếu kinh phí, … liệu đó đã phải cái gốc của vấn đề không hay còn những vấn đề nào khác?.
Thời đại 4.0, một lần nữa chứng minh rằng, khoa học công nghệ sẽ quyết định sự phát triển thịnh vượng của đất nước song hành với thể chế chính trị ổn định. Vì vậy, để giải quyết cái gốc của vấn đề như mong đợi của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo ngành nên chăng cần phải có một nghiên cứu đánh giá tổng thể và khách quan, đặc biệt những tâm tư, nguyện vọng của những nhà khoa học làm việc trực tiếp với đồng ruộng, với địa phương, những mong đợi của các chính quyền địa phương về khoa học cần giải quyết vấn đề thực tiễn của họ.
Bản thân tôi là một nhà khoa học của nhà nông lặn lộn gần 30 năm ở các địa phương, tôi muốn chia sẽ điều làm tôi thực sự tâm huyết là bởi những quá khứ lịch sử của các vùng đất nơi đây mà người nông dân đã gắn bó suốt cả chiều dài lịch sử.
Thế nhưng, giờ đây con em của họ lại bắt đầu rời xa quê hương để đi làm công nhân nhà máy nơi khác để lại ruộng vườn bởi họ sản xuất sẽ bị lỗ. Nhìn xa hơn nữa, các con em họ tốt nghiệp xong cũng không lựa chọn vào đại học ngành nông nghiệp.
Sẽ như thế nào khi lớp trẻ không tiếp tục kế nghiệp nghiên cứu khoa học nông nghiệp trong tương lai? Việc lớp trẻ chọn ngành “Hot” có thu nhập cao đó là một xu hướng tất yếu của sự phát triển đi lên của xã hội. Tuy nhiên, khi nhìn sang các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc họ lại có một nên khoa học nông nghiệp thịnh vượng như vậy.
Mỹ trở thành quốc gia xuất khẩu đậu tượng, ngô, thực phẩm chức năng lớn nhất thế giới. Các trường đại học về nông nghiệp của họ cũng đứng đầu thế giới trong lúc họ là gã không lồ về phát triển công nghệ, công nghiệp, song, nông nghiệp vẫn được xem là ưu tiên hàng đầu của họ bởi sức khoẻ và trí tuệ con người được xem là chiến lược ưu tiên.
Có lẽ, đã đến lúc cần có sự quan tâm đúng mức và sâu sắc hơn với vị trí khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp. Khoa học nông nghiệp cần có một chiến lược dài hạn và tổng thể cũng như chi tiết và gắn liền với những chính sách đồng bộ.
Song song với đó, việc nghiên cứu khoa học nông nghiệp sẽ phải xem lại cách tiếp cận của chúng ta để có thể bắt nhịp kịp với thế giới.