| Hotline: 0983.970.780

Tái thiết ngành hồ tiêu Gia Lai: [Bài 2] Nỗ lực khôi phục

Thứ Ba 29/10/2024 , 10:33 (GMT+7)

Sau nhiều năm chạm đáy, giá hồ tiêu bắt đầu tăng trở lại. Cây hồ tiêu tái khẳng định vị thế là cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai.

Vườn hồ tiêu của người dân huyện Chư Pưh. Ảnh: ĐL. 

Vườn hồ tiêu của người dân huyện Chư Pưh. Ảnh: ĐL. 

Sự trở lại của hồ tiêu

Khi những vườn hồ tiêu đồng loạt chết ở "vương quốc hồ tiêu” Chư Sê và Chư Pưh, người trồng hồ tiêu nơi đây hoàn toàn trắng tay, nợ nần chồng chất. Chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp, ngân hàng... đã giúp bà con bằng cách hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, nhằm khơi dậy tiềm năng của đất trên chính những vườn tiêu đã chết khô trước đó.

Theo đó, người trồng tiêu một thời ở đây đã dần “hồi tỉnh” trở lại, hồi tỉnh theo những vườn cây ăn trái thay thế cho cây hồ tiêu. Gần 10 năm, ít ai còn nhắc đến “nỗi buồn hồ tiêu” nữa, thay vào đó là những vườn cây ăn quả dần mọc lên, những vườn cà phê được hồi phục. Các loại cây ăn quả được trồng xen trong những vườn cà phê như sầu riêng, mít Thái. Tiếp theo, khi ngành chanh leo phát triển thì nhà nhà lại đổ xô trồng chanh leo. Còn bây giờ là sầu riêng xuất khẩu…  

Đầu năm 2024, giá hồ tiêu đã có chiều hướng dần tăng trở lại. Ngày 22/10, giá hồ tiêu trong nước đồng loạt tăng 500 ngàn đến 1 triệu đồng/tấn tại các vùng trồng trọng điểm, dao động từ 144 - 145 triệu đồng/tấn. Theo Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) thì giá hồ tiêu đen Việt Nam xuất khẩu đang được niêm yết ở mức khoảng 6.500 - 6.800 USD/tấn; hồ tiêu trắng đạt 9.500 USD/tấn. 

Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 15/10, Việt Nam đã xuất khẩu gần 210.000 tấn hồ tiêu, trị giá 1,05 tỷ USD (giảm 1,9% về lượng nhưng tăng 47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023).

“Rón rén” khôi phục vườn hồ tiêu

Khi giá hồ tiêu được khôi phục trở lại, đang trên đà tăng cao, nông dân Chư Sê, Chư Pưh lại bắt đầu khôi phục vườn hồ tiêu. Tuy nhiên, bài học đắt giá về cây tiêu gần 10 năm trước vẫn luôn ám ảnh trong đầu bà con, do vậy số hộ trồng tiêu trở lại chưa nhiều, và cũng hết sức dè dặt.

Nông dân xã Ia Blang, huyện Chư Sê thu hoạch tiêu. Ảnh: Đ.L. 

Nông dân xã Ia Blang, huyện Chư Sê thu hoạch tiêu. Ảnh: Đ.L. 

Nhiều hộ tận dụng số trụ còn lại để mua giống về trồng xen trong vườn cà phê tái canh theo hướng đa canh, hữu cơ để vừa dễ chăm sóc, vừa có nguồn thu nhập từ 2 loại cây trên cùng một diện tích đất.

Ông Nguyễn Anh Việt (thôn 19, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) chia sẻ: “Bây giờ, không nhiều người mạo hiểm mở rộng diện tích hồ tiêu. Hồ tiêu dù có tăng giá nhưng rất ít người trồng mới mà chủ yếu đầu tư chăm sóc diện tích còn lại, trồng dặm xen trong vườn cà phê mới tái canh để hạn chế rủi ro”.

Theo ông Tống Văn Trường - chủ hộ sản xuất, kinh doanh giống hồ tiêu ở làng Vẻh, xã Hà Bầu, huyện Đắk Đoa): "Năm nay, tôi ươm 80.000 cây hồ tiêu giống Vĩnh Linh. Từ đầu mùa mưa đến nay, tôi mới chỉ bán được khoảng 50% số lượng cây giống. Người dân mua cây giống để trồng dặm và xen canh trong vườn cà phê. Cũng có hộ trồng mới 1.000 - 2.000 trụ nhưng số này không nhiều như trước đây nữa”.

Theo Sở NN-PTNT Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 8.798ha hồ tiêu, trong đó diện tích đang trong giai đoạn kinh doanh gần 8.000ha, kiến thiết cơ bản khoảng 765ha, trồng mới và tái canh hơn 130ha. Diện tích hồ tiêu tập trung chủ yếu tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Đắk Đoa và Chư Prông.

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết: “Giá hồ tiêu tăng là cơ hội để vực dậy loại cây trồng có giá trị kinh tế cao này trong những năm tới. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững, Hiệp hội thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân khi trồng mới phải tỉnh táo trong việc chọn giống; đồng thời áp dụng triệt để các biện pháp thâm canh khoa học nhằm tránh rủi ro”.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê kết nối với các doanh nghiệp thu mua, cơ sở cung cấp phân bón liên kết với người dân xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sạch để người dân học tập và áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Đây là hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường xuất khẩu sang các nước trên thế giới hiện nay.

Theo kế hoạch số 638/KH-UBND ngày 22/3/2023 của UBND tỉnh Gia Lai về thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 thì đến năm 2030, tỉnh này phát triển và giữ ổn định diện tích hồ tiêu khoảng 10.000ha, đẩy mạnh phát triển sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao…

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.