| Hotline: 0983.970.780

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 1] Chờ chính sách để hồi sinh

Thứ Sáu 10/01/2025 , 13:19 (GMT+7)

Hơn 3 tháng bão Yagi đi qua, những cánh rừng tan hoang ở Quảng Ninh vẫn chết khô, chờ chính sách để được tái sinh, trồng mới.

Sốt ruột chờ chính sách

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, cơn bão số 3 (Yagi) đi qua gây thiệt hại nặng nề đối với diện tích rừng trên toàn tỉnh: hơn 117.000ha rừng bị gãy đổ, trong đó có gần 20.000ha rừng phòng hộ, số còn lại là rừng sản xuất. Những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất có TP. Hạ Long, các huyện Hoành Bồ, Tiên Yên, Ba Chẽ… Thiệt hại quy đổi tương ứng trên 6.400 tỷ đồng với tổng số hộ gia đình bị thiệt hại lên tới trên 22.000 hộ, gồm các gia đình được giao đất, giao rừng và các hộ được giao khoán trồng rừng của các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp trên địa bàn.

Những vạt rừng gãy đổ từ trận bão số 3 vẫn chưa được dọn dẹp vì đang chờ cơ chế. Ảnh: Nguyễn Thành.

Những vạt rừng gãy đổ từ trận bão số 3 vẫn chưa được dọn dẹp vì đang chờ cơ chế. Ảnh: Nguyễn Thành.

Điều đáng nói, phần diện tích rừng phòng hộ và một phần rừng sản xuất bị thiệt hại nói trên được trồng từ vốn ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, hiện chưa có hướng dẫn đầy đủ về chính sách và giải pháp phục hồi rừng sau bão. Điều này khiến cho công tác khắc phục, trồng mới gặp nhiều khó khăn.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ Trần Đình Thuận cho biết, bão số 3 hướng thẳng tâm vào Hải Phòng, Quảng Ninh. Rủi thay, diện tích rừng mà công ty quản lý nằm trọn vẹn trong vùng tâm bão. Chính vì thế, 4.303ha rừng trồng của đơn vị bị ảnh hưởng, trong đó thiệt hại hoàn toàn không thể phục hồi là 3.266ha, chiếm hơn 70%. Số còn lại bị thiệt hại nặng và rất nặng. Đây toàn bộ là rừng keo chuẩn bị đến tuổi khai thác, nằm trải dài trên địa bàn 4 xã miền núi của huyện Hoành Bồ (cũ). Một phần diện tích rừng bị thiệt hại, hơn 559ha, chủ yếu là mới trồng (1 năm tuổi).

Tổng thể hơn 4.000ha, quy đổi ra tiền, thiệt hại về kinh tế tương ứng gần 50 tỷ đồng. "Đó là căn cứ theo đơn giá mà công ty đầu tư trồng rừng. Nếu tính giá trị rừng thành phẩm, rừng trưởng thành tại thời điểm khai thác, thiệt hại về tiền còn lớn hơn nhiều", ông Thuận cho hay.

Để trồng mới rừng, các đơn vị chủ rừng vẫn chờ hướng dẫn thanh lý rừng, từ đó mới có mặt bằng để trồng rừng mới. Ảnh: Nguyễn Thành.

Để trồng mới rừng, các đơn vị chủ rừng vẫn chờ hướng dẫn thanh lý rừng, từ đó mới có mặt bằng để trồng rừng mới. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ngay sau khi bão qua, ngày 10/9, công ty cử lực lượng đi kiểm tra hiện trường để đánh giá mức độ thiệt hại. Khung cảnh khiến công nhân của ông Thuận không tin vào mắt mình: bạt ngàn rừng keo bị gãy đổ, tan hoang.

Đối với rừng phòng hộ, tổng diện tích đơn vị này quản lý là hơn 1.174ha, phân bố trên địa bàn xã Hòa Bình (TP. Hạ Long), trong đó có trên 910ha bị thiệt hại hoàn toàn (chiếm trên 70%), chủ yếu là rừng trồng trên 15 năm tuổi.

Hiện tại, ngoài việc hoàn thành kiểm đếm, Công ty Lâm nghiệp Hoành Bồ cũng chủ động khắc phục diện tích rừng mới trồng 1 năm tuổi bị ảnh hưởng: kéo, dựng, trồng dặm cây gãy, chết do bật gốc; vun xới và tăng cường hàng rào bảo vệ trâu bò phá hoại bằng nguồn vốn sản xuất của công ty và vốn của các cá nhân nhận giao khoán. Đối với diện tích rừng bị thiệt hại hoàn toàn và thiệt hại nặng (trên 50%), đơn vị xử lý thực bì và tiến hành trồng lại rừng vào mùa trồng rừng năm 2025; thực hiện tận thu toàn bộ diện tích rừng trồng từ 5 năm tuổi trở đi bị gãy đổ.

Tuy nhiên, vướng mắc lại nằm ở phần diện tích hơn 1.174ha rừng phòng hộ trồng bằng tiền ngân sách. Theo công văn hướng dẫn số 1339 ngày 10/9/2024 của Cục Lâm nghiệp và các Thông tư số 26/2022; Thông tư 22/2023 của Bộ NN-PTNT, đơn vị đã hoàn thành lập hồ sơ tận thu toàn bộ đối với phần diện tích thiệt hại hoàn toàn, thế nhưng, việc thanh lý và trồng lại rừng phụ thuộc vào quy định.

Rừng thông gãy đổ ở cửa ngõ TP. Hạ Long. Ảnh: Kiên Trung.

Rừng thông gãy đổ ở cửa ngõ TP. Hạ Long. Ảnh: Kiên Trung.

“Để tổ chức thanh lý theo đúng quy trình, Thông tư 26 hướng dẫn chủ rừng phải thuê đơn vị tư vấn thiết kế khai thác sau đó tới bước thuê đơn vị thẩm định giá và lên phương án đấu giá rồi mới thực hiện được. Đối với các bước này, mỗi bước mất hàng tháng trời, trong khi đó, rừng bị gãy đổ tuổi đời trên dưới 15 năm, miền Bắc lại đang giai đoạn mùa khô hanh thiếu nước, rất dễ xảy ra nguy cơ cháy rừng. Ngoài ra, việc phơi mưa phơi nắng ngoài trời quá lâu, các cây gỗ non sẽ nhanh chóng hoai mục, khô xốp dẫn tới suy giảm chất lượng lâm sản”, ông Thuận phân tích.

Nhiều chủ rừng kiến nghị xin cơ chế

Tỉnh Quảng Ninh có 8 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp được giao, thuê đất với tổng diện tích hơn 56.000ha, diện tích rừng trồng đạt khoảng 70%, tương đương hơn 39.000ha. Bão số 3 đã khiến hơn 36.000ha rừng của các đơn vị lâm nghiệp bị ảnh hưởng; thiệt hại do cây gãy đổ có khoảng 31.000ha rừng trồng, còn lại là rừng tự nhiên.

Ngay sau bão, các đơn vị đã thực hiện rà soát, kiểm tra, bố trí lực lượng triển khai các biện pháp quản lý rừng bị hư hại; áp dụng các biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; chủ động đặt cây giống để tái sản xuất rừng…

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ Trần Đình Thuận.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ Trần Đình Thuận.

Muốn trồng rừng mới cần phải có mặt bằng. Đối với diện tích rừng trồng (rừng sản xuất) các công ty lâm nghiệp được giao nhận/cho thuê đất, việc xử lý, khắc phục hậu quả sau bão được các chủ rừng chủ động lên phương án. Còn diện tích rừng phòng hộ, quy trình thực hiện như đã nói ở trên.

Do đó, theo ông Thuận, đều đang chờ hướng dẫn để sau đó thanh lý, dọn dẹp hiện trạng để có mặt bằng sản xuất, đó là chưa nói tới công tác khắc phục rất khó khăn, cây rừng gãy đổ, đang khô héo do thiếu nước, nguy cơ cháy rừng rất cao; hệ thống đường lâm nghiệp bị mưa lũ chia cắt, phá hủy khó tiếp cận…

Rừng thông 40 năm tuổi ở cửa ngõ TP. Hạ Long bị tàn phá trong cơn bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thành.

Rừng thông 40 năm tuổi ở cửa ngõ TP. Hạ Long bị tàn phá trong cơn bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cùng câu chuyện của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ, Ban Quản lý rừng phòng hộ hồ Yên Lập cho biết: đơn vị có khoảng 1.000ha rừng trồng bị thiệt hại sau bão Yagi. Diện tích rừng đơn vị đang quản lý trên 10.975ha tại TP. Hạ Long và TX. Quảng Yên. Đây là diện tích rừng có vai trò quan trọng trong điều tiết, tạo nguồn sinh thủy cho hồ Yên Lập - hồ nước ngọt có dung tích lớn nhất tỉnh Quảng Ninh với 130 triệu m3, cấp nước cho trên 10.000ha đất nông nghiệp, thủy sản và cấp nước sinh hoạt sản xuất cho TX. Quảng Yên, TP. Uông Bí, TP. Hạ Long. Việc tái thiết, trồng rừng trở lại càng có ý nghĩa cấp bách.

Trong khi chờ hoàn tất thủ tục thanh lý, Ban Quản lý rừng phải duy trì 100% quân số, tuần tra kiểm soát 24/24h tại các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, chủ động phân vùng cháy rừng và tạo các đường băng cản lửa, hướng dẫn người dân xử lý thực bì đúng cách.

Giải ngân hỗ trợ thiệt hại rừng cũng chậm

Để hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3, Quảng Ninh bố trí gói hỗ trợ 1.180 tỷ đồng. Ngày 26/11, tại hội nghị thông tin báo chí thường kỳ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Lê Văn Ánh thông tin: Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã giải ngân 141,3 tỷ đồng, tương đương 13%.

Đối với 2 nhóm đối tượng bị thiệt hại nặng nề là ngành lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản hiện đang áp dụng theo Nghị định 02/2017 đơn giá quá thấp, người dân đề nghị nâng mức hỗ trợ. Đối với rừng keo bị thiệt hại, mức hỗ trợ chỉ từ 2-4 triệu đồng/ha, trong khi giá keo tận thu sau bão giảm khiến việc thuê nhân công trở nên khó khăn...

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.