| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh tập trung khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp

Thứ Sáu 27/12/2024 , 14:03 (GMT+7)

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tập trung triển khai các giải pháp khôi phục và hỗ trợ người dân tái thiết sản xuất nông nghiệp.

Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế và dư địa để phát triển nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế và dư địa để phát triển nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024 trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, những tác động tiêu cực từ sự bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu, biến động chính trị - an ninh thế giới; thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường.

Đặc biệt, bão số 3 (Yagi) đi vào Vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh. Đây là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền ở nước ta, gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, hạ tầng kinh tế; ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản.

Do thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3, các chỉ tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tuy không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra nhưng cơ bản hoàn thành mục tiêu kịch bản tăng trưởng điều chỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản cả năm ước đạt 0,08%. Tính chung giai đoạn 2021-2024, tăng trưởng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3,8%/năm, đạt mục tiêu phấn đấu đề ra.

Ngay sau bão, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp để nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, 100% diện tích bị ảnh hưởng, thiệt hại đã được rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại và đang hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ theo quy định. Người dân đã thực hiện khai thác, tận thu đối với các diện tích bị thiệt hại.

Ở lĩnh vực thủy sản, nhiều biện pháp hỗ trợ ngư dân được tham mưu, như: hỗ trợ một phần chi phí trục vớt tàu cá bị chìm; hướng dẫn kỹ thuật phục hồi, chăm sóc sức khoẻ đàn thuỷ sản nuôi còn lại sau bão, tu sửa, khôi phục hệ thống lồng, bè nuôi, các biện pháp thu gom xử lý rác, chất thải, thuỷ sản chết theo quy định không để gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh... Năm 2024, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 166.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 77.000 tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 89.000 tấn.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, cho biết, trong năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp. phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Quảng Ninh tập trung trồng mới các loài cây bản địa, cây gỗ lớn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quảng Ninh tập trung trồng mới các loài cây bản địa, cây gỗ lớn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cụ thể, xây dựng, điều hành kế hoạch sản xuất linh hoạt, thích ứng với diễn biến thời tiết, biến đổi khí hậu, thị trường; chủ động, thực hiện hiệu quả các biện pháp giám sát, phòng ngừa trong phòng, trừ dịch hại trên cây trồng vật nuôi, hạn chế thiệt hại, ổn định sản xuất và bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu năng suất, sản lượng đề ra. Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhất là trong quản lý giống, phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y...

Đối với 2 ngành mũi nhọn, còn nhiều dư địa để phát triển là lâm nghiệp và thủy sản, cần triển khai hiệu quả quy định về một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND ngày 10/7/2024 của HĐND Tỉnh.

Sở tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai những biện pháp xử lý, khai thác rừng bị thiệt hại và phục hồi, trồng lại rừng sau thiên tai theo quy hoạch và các tiêu chuẩn kỹ thuật; tập trung phòng, chống cháy rừng.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch Tết trồng cây, thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh để phát triển trồng các loài cây bản địa, cây gỗ lớn, đặc biệt các loài cây lim, giổi, lát bản địa ở những nơi có điều kiện phù hợp; thay đổi nhận thức, tập quán kinh doanh, sản xuất lâm nghiệp quảng canh sang thâm canh, kết hợp chuyển hóa rừng keo gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn.

Khuyến khích, hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, trồng cây gỗ bản địa và lâm sản ngoài gỗ; bảo đảm nguồn cung gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; hỗ trợ cho người dân tạo sinh kế, nâng cao thu nhập từ rừng thông qua phát triển kinh tế dưới tán rừng; phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng.

Đặc biệt, trong năm 2025, Sở NN-PTNT đặt mục tiêu hoàn thành việc giao khu vực biển theo quy hoạch cho các hộ dân đang NTTS và cấp phép cho tổ chức, cá nhân có hồ sơ đủ điều kiện. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thường xuyên theo kế hoạch hằng năm về phòng, chống dịch bệnh ngành nông nghiệp; bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với chống khai thác IUU; phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển.

Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát sản lượng nuôi trồng theo quy định kê khai sản xuất ban đầu. Công bố quy hoạch lĩnh vực thủy sản, các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hướng dẫn các địa phương quản lý các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giám sát triển khai các quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; thành lập Ban Quản lý khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.