Tôi tên là Trần Huy Đường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Langbiang farm, nguyên Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tôi viết thư này với những trăn trở về lĩnh vực rất hẹp: sản xuất rau, hoa Lâm Đồng.
Làm sao thay đổi tập quán người Việt:
Ngoài ăn tươi phải khuyến khích sử dụng sản phẩm nông sản chế biến sâu, an toàn và chất lượng, uống nước ép trái cây, không nên uống nước ga nhiều hóa chất... Chỉ khảo sát nhỏ người lao động trẻ trong doanh nghiệp, 99% thích nước uống có ga! Việc này gây áp lực quá lớn cho ngành nông nghiệp. Tôi nghĩ Bộ Nông nghiệp và PTNT không thể là người ngoài cuộc để thay đổi sở thích uống nước có ga của lớp trẻ?
Thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến, vận chuyển:
Chở rau như chở rác. Bó hoa như bó củi, chở hoa như chở củi. Tổn thất nông nghiệp quá lớn! Cần có đột phá về sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến sâu cho rau, hoa, củ, quả của Việt Nam. Việt Nam cần phải có những siêu kho lạnh. Nhà nước cần có chính sách, giải pháp để cải thiện vấn đề này.
Chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh:
Tôi có tiếp xúc và tìm hiểu vấn đề chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng. Có lẽ ngay việc hiểu, nhận thức cũng là việc phải bàn (mặc dù Sở đang dự thảo để công nhận "doanh nghiệp nông nghiệp thông minh"). Tôi có nghe bài phát biểu chuyển đổi số nông nghiệp của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Vấn đề ở đây là hạ tầng để chuyển đổi số trong nông nghiệp, các trang trại thường là vùng ven, điện thoại còn không có thì làm gì có 3G, 4G... Vậy big data của nông nghiệp lấy ở đâu ra?
Chuyển đổi số trên nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún thì vẫn rất khác và rất cần tích tụ ruộng đất, liên doanh, liên kết để chuyển đổi số trên cánh đồng lớn. Big data, một số dữ liệu có thể đã có một phần, nhưng phần lớn dữ liệu theo thời gian thực (loại cây trồng, mùa vụ, diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng, dịch hại... phải qua smartphone của từng nông dân. Số hóa đầu vào của từng hộ nông dân chưa có, số hóa quy trình sản xuất, số hóa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lấy ở đâu? Số hóa thị trường, dự báo thị trường? Tất cả số liệu nếu không có những app, phần mềm miễn phí cho nông dân thì sẽ không có big data. Bộ Nông nghiệp và PTNT phải là “bà đỡ” cho những phần mềm này! Vậy ai là người "ra đầu bài"? Thiết nghĩ Bộ Nông nghiệp và PTNT cần tổ chức nhiều hội thảo trực tuyến về vấn đề này để có một đầu bài hoàn chỉnh.
Phần mềm miễn phí (app) này phải thiết thực và nên nhớ là viết cho nông dân. Nhà nước cần "cho trước" và "nhận sau". Hơn nữa chính cơ quan Bộ phải chuyển đổi số trước. Liệu Bộ trưởng có thể yêu cầu cấp dưới trả lời xem bao nhiêu giấy tờ quy trình chuyển sang điện tử được không? Bộ cần làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông giải quyết phần hạ tầng phủ sóng 3G, 4G cho nông nghiệp. Nên thành lập Ban điều hành chuyển đổi số, các cơ quan chức năng trong hệ thống cũng đều phải thành lập Ban chuyển đổi số (do chính cấp trưởng làm trưởng ban) mới mong chuyển đổi số thành công.
Cải cách hành chính cho giống ra và hoa:
Phải khẳng định công nghệ giống rau và hoa của Việt Nam thua các nước tiên tiến nhiều, trong đó 99% giống rau hoa ôn đới ta phải nhập. Giống nhập lậu, xách tay, vi phạm bản quyền giống là vấn đề nhức nhối!
Hoa cần đổi mới giống liên tục, như là thời trang, trong khi các quy trình khảo nghiệm mất 5 năm, quá lạc hậu, làm mất hết cơ hội, khảo nghiệm rồi cũng không được nhập vì thủ tục hành chính, vì PRA (phân tích nguy cơ dịch hại), Việt Nam đòi chơi “ngang cơ” với các nước phát triển về giống là cách nhìn không thực tế. Tại sao một số nước có nền nông nghiệp phát triển, quản lý tốt dịch hại mình không miễn thị thực PRA như miễn visa như bên du lịch? Thủ tục xin cấp giấy phép nhập khẩu giống cây trồng phải cung cấp hợp đồng thương mại để làm gì? (Nếu ký hợp đồng thương mại trước mà không cấp phép thì bị phạt hợp đồng ai chịu?).
Vấn đề rác thải nông nghiệp:
Rác thải hữu cơ phải là vấn đề xã hội nhưng trước hết là của Bộ Nông nghiệp và PTNT, nông dân, trang trại, phải là phân loại, chế biến (không thể đốt bỏ, chôn lấp, không đẩy nguồn phân bón này trở thành độc hại ra môi trường). Đưa việc phân loại và dùng rác hữu cơ làm phân hữu cơ là tiêu chuẩn bắt buộc trong nông thôn mới; trong việc công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, trong các tiêu chí bảo vệ môi trường...
Về đào tạo nghề cho nông dân:
Nông nghiệp là một nghề, nông dân phải có chứng chỉ, tôi rất đồng tình với ý kiến Bộ trưởng từng phát biểu. Đào tạo cho nông dân như thế nào? Cung cấp kiến thức cho nông dân như thế nào? Nhà trường đào tạo nặng lý thuyết, thiếu đào tạo kỹ năng, thiếu liên kết với doanh nghiệp và không thể nào đào tạo tập trung hết nông dân được. Phải có chương trình đào tạo online cho nông dân theo dạng livestream. Phải có hàng trăm, hàng ngàn clip hướng dẫn cho từng chi tiết công việc, cho từng quy trình cho nông dân. Phải cấp chứng chỉ qua mạng. Phải có trung tâm chuyên gia tư vấn online.
Hành vi của lãnh đạo:
Tôi mong muốn Bộ trưởng tiếp tục sát thực tế nhiều hơn nữa, hiểu được hơi thở của người nông dân. Tôi rất ấn tượng cách Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi kiểm tra bệnh viện, bác Nguyễn Bá Thanh ngày xưa ở Đà Nẵng, uống cà phê với doanh nghiệp của Bộ trưởng ở Đồng Tháp... Mạng xã hội cũng là nơi để Bộ trưởng có thể lấy thông tin, Bộ trưởng vi hành!
Bộ trưởng nên đẩy mạnh vấn đề hội thảo online cho toàn ngành nông nghiệp, giảm thiểu hội thảo offline. Chúng tôi sẽ rất hạnh phúc khi được hội thảo với Bộ trưởng qua online. Chương trình hội thảo cũng cần được cải tiến, dành nhiều thời gian cho hỏi, trả lời, chia sẻ.
Đất nông nghiệp:
Quốc hội đang thảo luận đất lúa liên quan an ninh lương thực. Không nên tự trói mình. Cần tính toán kỹ bài toán an ninh lương thực cho Việt Nam. Nếu vùng nào giữ đất lúa thì phải có chính sách đặc biệt cho người nông dân, phải vì chính sách đó mà họ tự giữ đất lúa. Vấn đề nhức nhối hiện nay là người nông dân không góp đất cho cánh đồng mẫu lớn, cho HTX, cho liên doanh liên kết mà giữ đất, chia nhỏ đất nông nghiệp bán, chuyển đổi sang đất thổ cư, sang kinh doanh bất động sản. Phải đánh thuế đất nông nghiệp bỏ hoang. Luật Đất đai sửa đổi cần được đưa lên mạng xã hội góp ý vì có quá nhiều bất cập.
Bài toán xuất nhập khẩu với Trung Quốc:
Đương nhiên trong nhiều năm nữa xuất khẩu nông sản chính vẫn là Trung Quốc. Tôi không muốn nói hàng rào nọ, hàng rào kia nhưng rõ ràng cần có giải pháp, có bài, chứ không cứ mãi để người nông dân tự bơi, cả xã hội thì đi tìm cách giải cứu. Thiết nghĩ cần có chiến lược riêng cho hàng nông sản Việt xuất sang thị trường Trung Quốc và chiều ngược lại.
Chiến lược, lộ trình:
Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có chiến lược cho cả ngành nông nghiệp. Từng địa phương cũng phải lập chiến lược, Sở NN-PTNT từng tỉnh phải công bố quy hoạch, chiến lược nông nghiệp cho nông dân ở chính địa phương mình biết. Không thể làm nông nghiệp tự phát mãi được. Thiết nghĩ ngành hoa Việt Nam cũng rất cần có một chiến lược. Cần làm OCOP quyết liệt hơn.
Tiêu chuẩn quy chuẩn:
Người tiêu dùng Việt quá dễ tính, kiểu gì cũng bán được. Thiết nghĩ phải thay đổi, đã sản xuất hàng hóa thì phải có tiêu chuẩn, có quy cách, có chất lượng, có dán nhãn. Từng doanh nghiệp phải công bố, từng nhà vườn phải công bố, từng vùng trồng phải công bố, chuỗi liên kết phải công bố, còn Nhà nước trợ giúp, hướng dẫn tạo ra các bộ tiêu chuẩn. Làm sao trở thành phong trào vấn đề này? Đặc biệt phải làm bộ tiêu chuẩn giống trước.
Các đề tài khoa học:
Tôi tiếp xúc với nhiều nhà khoa học, họ chỉ khoe năm nay có được bao nhiêu dự án, bao nhiêu đề tài mà kết quả bao nhiêu đề tài được ứng dụng, bao nhiêu thương mại được thì không quan tâm. Bởi vậy tôi đề xuất: Đề tài nên lấy yêu cầu từ nông dân, doanh nghiệp. Nhiều dự án, đề tài cần rất nhiều pha, chứ không 1 năm, 2 năm như hiện nay. Thủ tục thanh quyết toán cần có cơ chế riêng. Cần có cơ chế đấu thầu dự án. Cần đưa kết quả dự án lên mạng xã hội.
Công khai minh bạch:
Những vấn đề gì có thể minh bạch được thì nên minh bạch, thậm chí có những vấn đề thiết thực có thể chủ động gửi thông tin đến từng smatphone của nông dân để cả nền nông nghiệp cùng theo một hướng. Tôi biết tổng thống Putin có địa chỉ trên mạng xã hội để giao lưu, hàng năm có thông điệp, có trả lời chất vấn trực tiếp giới truyền thông. Tuyệt vời là Bộ trưởng đã công bố địa chỉ email, tuy nhiên nên có địa chỉ riêng trên mạng xã hội (đây là cách vi hành thời công nghệ số - tất nhiên phải có bộ phận chuyên môn sàng lọc thông tin). Bộ trưởng nên có ban cố vấn trong đó cần có nhiều doanh nhân nông nghiệp, nông dân sống chết với nông nghiệp...
Mong cuối mỗi năm Bộ trưởng có buổi tiếp xúc báo chí.
Chúc Bộ trưởng sức khỏe, chèo lái thành công con thuyền nông nghiệp Việt Nam.