| Hotline: 0983.970.780

Tri thức hóa nông dân: [Bài 2] Trang trại trồng cây lơ lửng trên mặt đất

Thứ Ba 19/07/2022 , 06:25 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Đến tận trưa mà anh Dũng vẫn chưa về, bụng đói cồn cào, tôi liền vặt mấy cây rau trồng thủy canh ăn luôn tại vườn. Ôi chao, nó giòn rụm, ngon và mát…

Làm nông chân không chạm đất

Có đến 6 loại xà lách cho mùi vị khác nhau như thế tại trang trại Trường Phúc của anh Tô Quang Dũng tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Tôi ăn rau xà lách trừ bữa hồi lâu thì chủ vườn cũng về, trên một chiếc xe bán tải cỡ lớn, đặc trưng của dân làm nông trại ở vùng lắm đồi, nhiều núi. Dáng anh cao lớn nhưng đen gầy, mỗi bước đi hai chân như hai gọng kìm bám chặt vào mặt đất nom rất vững, hỏi ra thì đúng là thợ cơ khí.

Anh Dũng thu hoạch rau. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Dũng thu hoạch rau. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Di dân từ miền Trung vào, lúc trẻ, anh được bố mẹ định hướng đi học nghề để không phải cày cục xin việc, không phải lo đói. Nghề cơ khí hồi đó đang sống được nên anh tưởng cứ theo miết mãi. Một lần đi thăm xưởng của người bạn ở TP.HCM, anh choáng váng khi thấy hàng trăm, hàng ngàn máy CNC tự động, cài đặt xong thậm chí thợ chỉ việc đi uống cà phê là xong. Khi thấy tay người khó bắt kịp với tay máy, nếu cứ theo đuổi nghề cơ khí như thế thì cả vốn và lực đều không đủ nên anh tính xoay qua làm nông.

Năm 2009, anh thuê đất, vừa làm, vừa học kinh nghiệm từ các lớp hội thảo, các chuyên gia và những người đi trước. Hễ nghe thấy ở đâu có hội thảo hay là bằng giá nào anh cũng tìm đến, gần thì đi xe máy, xa thì đi máy bay, thậm chí sang tận Malaysia 2 lần để học tại một trang trại demo. Anh tiếp cận công nghệ trồng rau thủy canh từ đó, thuộc vào top những người tiên phong ở Lâm Đồng khi lập trang trại năm 2014.

Anh tâm sự: “Lúc đó vấn đề an toàn thực phẩm của Việt Nam đang nổi cộm, hàng ngày đều phát hiện những ổ thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc làm người tiêu dùng mất niềm tin. Mô hình sản xuất rau thủy canh rất phù hợp với Lâm Đồng, cây trồng cách ly hoàn toàn với mặt đất nên không bị nhiễm các loại khuẩn như E.coli, canh tác không phải cày bừa đất, xoay vòng được liên tục nên tôi thích. Trước tôi trồng xà lách trên đất, mỗi năm chỉ được 7 - 8 lứa nhưng khi trồng rau thủy canh được 10 - 11 lứa...

Đóng gói chuẩn bị xuất hàng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đóng gói chuẩn bị xuất hàng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từ một người ở ngành xa lạ đi làm nông, sản xuất rồi bán cho thương lái nên tôi không có mối. Thứ 

Mỗi năm, chỉ tính riêng thị trường Hàn Quốc anh Dũng đã xuất đi trung bình 200 tấn rau xà lách các loại, thu được 300.000 - 400.000 USD.

nữa, tôi muốn chủ động, chứ đi mua vật tư, phân bón đều với giá cao nhưng sản xuất ra mới tìm chỗ này, chỗ kia để bán, đưa sản phẩm cho người khác quyết định giá thì bị động quá. Đã làm nông nghiệp là phải theo chuỗi giá trị nên năm 2009 tôi khởi nghiệp thì năm 2011 đã lấy chứng nhận VietGAP, chào hàng ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội. Đầu tiên là quy nhỏ, cung cấp cho các hệ thống minimart, khi mở rộng mới tiếp cận đến các siêu thị lớn.

Làm ăn với siêu thị lớn, hàng không thể nào gián đoạn được, sản lượng cũng phải đều đặn, nếu không sẽ mất khách. Bài toán lúc đó là sản xuất nông nghiệp cũng phải giống như mọi hàng hóa công nghiệp khác, liên tục, không đứt gãy. Muốn có sản phẩm hàng ngày thì phải có quy trình sản xuất tốt, giống tốt, tổ chức tốt. Như trang trại mỗi ngày xuất 5.000 - 6.000 cây rau thì tôi phải tính toán bao nhiêu ngày xuống giống và xuống giống bao nhiêu, bao nhiêu ngày sẽ thu hoạch, bán cho ai, ở đâu... Tất cả đều phải có kế hoạch”.

Hệ thống nhà màng của anh Dũng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hệ thống nhà màng của anh Dũng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trang trại của anh rộng hơn 3ha, trong đó 2,7ha sản xuất trong nhà kính gồm 2ha thủy canh, tổng suất đầu tư từ năm 2014 tới nay khoảng 13 - 14 tỉ đồng. Trong hệ thống thủy canh hồi lưu, nước và dinh dưỡng được cấp vào đầu cao chảy xuống đầu thấp, thu hồi rồi dẫn lại vào bể.

Cây trồng không lấy đi bất cứ thứ gì của đất mà chỉ sử dụng phân bón hòa tan của Israel và Na Uy gồm 15 - 16 nguyên tố đa, trung, vi lượng. Nhiều người nói rau thủy canh mùi vị, độ đậm đà thua với rau trồng dưới đất? Tôi hỏi, anh Dũng đáp: "Rau thủy canh giòn, còn độ đậm đà thì không ai cầm cây xà lách ăn không mà thường ăn kèm các loại rau gia vị khác, hay chấm nước sốt, nước mắm nên tôi không thấy nhạt”.

Cú sốc để đời  

Bản chất của nông nghiệp là rủi ro, kể cả trong nhà màng, nhà lưới. Cũng như nuôi tôm, khi đầu tư trồng rau thủy canh 2 - 3 năm đầu rất dễ làm vì môi trường đang sạch, cứ thả ly xuống là cây sống, chỉ việc chờ thu hoạch, thậm chí không cần vệ sinh. Khi đầu tư thủy canh, anh Dũng cứ nghĩ thế là vận hành chứ không tính sau nhiều năm sử dụng, hệ thống bị nhiễm khuẩn sâu bên trong đường ống, rất khó xử lý. Nguy hiểm của nhiễm khuẩn trong thủy canh là bị ở một điểm nó sẽ hoàn lưu đến cả vườn.

Lò hấp nhiệt anh Dũng tự chế để diệt khuẩn các dụng cụ trồng rau thủy canh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lò hấp nhiệt anh Dũng tự chế để diệt khuẩn các dụng cụ trồng rau thủy canh. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Mỗi hạt giống 400 đồng, tiền công, giá thể 1.000 đồng, quy mô 200.000 cái ly trồng như vậy mỗi lứa rau 35 ngày hư hại mất 80 - 90% mà kéo dài triền miên. Năm 2018, tôi đã bị thiệt hại vài tỉ đồng như vậy.

Sau khi nghiên cứu một số tài liệu, tôi gửi bệnh phẩm về cho các trường đại học nhờ phân tích nguyên nhân, cũng như nhờ các anh, chị ở Phòng NN-PTNT huyện hỗ trợ, kết nối với các phòng lab. Chỉ lúc đó mới đánh trúng đích. Thay vì sử dụng hóa chất để diệt khuẩn, diệt nấm, tôi sử dụng bằng nhiệt, có những hệ thống tự mình chế như nồi hấp. Ly được rửa, đưa vào nồi hấp rồi mới đổ giá thể vào để cấy cây. Cách này rất rẻ tiền mà lại hiệu quả. Trước đây, hệ thống máy bơm phục vụ cho cả trại thì bây giờ tôi chia nhỏ ra từng khu vực 1.000m2, thu hoạch rau theo kiểu cuốn chiếu rồi vệ sinh xong mới tiếp tục trồng”, anh Dũng cho biết.

Cho giá thể vào ly. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cho giá thể vào ly. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trang trại có 12 lao động, trong đó có farm trưởng, tổ trưởng tổ kỹ thuật. Mỗi ngày nơi đây xuất bán 6.500 - 7.000 cây, mỗi năm cho doanh thu 1ha 6.5 tỉ đồng, tương đương 13 tỉ đồng/2ha, trong đó lợi nhuận đạt 25%. Tùy thời điểm, từ tháng 8 đến tháng 1 năm sau, lượng xuất khẩu chiếm 70 - 80%, chủ yếu là đi Hàn Quốc vì lúc đó thời điểm mùa hè của nước này nhiệt độ cao, mùa đông của nước này toàn băng giá khó trồng trọt.

Anh Dũng cho biết, hiện đang liên kết với 30 hộ dân trồng theo kiểu thổ canh với tổng diện tích trên 20ha để đa dạng hóa sản phẩm vì Trường Phúc chỉ trồng xà lách nhưng hộ khác lại trồng dưa chuột, cà rốt, cà chua, hành tây… Anh thú thực, số hộ tham gia ban đầu còn lớn hơn thế nhiều nhưng trong quá trình làm, 30 - 40% đã bỏ cuộc. Thứ nhất là bởi trồng một loại cây liên tục nhiều năm sẽ sinh ra bệnh nên dân phải chuyển cây trồng mới để đổi đất. Thứ hai là bởi khi đồng hành, phải chấp nhận nội quy đề ra, cùng áp dụng VietGAP nên dân ngại.

“Canh tác trên đất thường khó kiểm soát dịch bệnh hơn là canh tác thủy canh. Toàn bộ diện tích của trang trại tôi được phủ bạt địa chất, vừa sạch cỏ, vừa có thể giữ độ ẩm, tơi xốp, chứ không đổ bê tông để sau này muốn cải tạo lại rất khó phục hồi.

Cây con trồng trong ly. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cây con trồng trong ly. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhà màng ở đây được thiết kế có nhà chờ và cửa 2 lớp để phòng trừ côn trùng. Sản xuất trong đó tiết kiệm được 70 - 80% lượng phân bón, thuốc BVTV, nếu sử dụng bẫy dính côn trùng thì gần như không phải dùng thuốc. Tuy nhiên, cũng có mặt trái khi phát triển nhà màng, nhà kính ồ ạt như ở Đà Lạt vài năm gần đây gây ngập cục bộ, trong đó có tác nhân nhà màng không ngấm được nước mưa, có bao nhiêu tuôn ra sông ra suối hết và hiệu ứng nhà kính làm nhiệt độ tăng lên”, anh Dũng giải thích.

Sản xuất nông nghiệp giờ quyết định ăn thua ở khâu làm thị trường. Anh Dũng theo dõi thị trường hàng ngày, thường xuyên trao đổi với khách để xem thói quen tiêu dùng thay đổi ra sao. Cho tôi xem một đoạn tin nhắn bằng tiếng Anh với khách hàng Hàn Quốc, anh kể vừa rồi do biến động giá cả thị trường, trong đó có chi phí phân bón và logistic tăng rất cao, mình có đàm phán với khách Hàn Quốc để tăng giá bán.

Năm 2020 xuất đi 2,3 USD/kg, năm 2021 xuất đi 2,45 USD/kg, năm nay anh đang báo giá 3,2 USD/kg nhưng khách hàng chưa chấp nhận mà trả 2,6 USD, tuy nhiên giá ấy khó cân đối được.

Ngày làm ở trang trại, tối tuần 2 buổi anh Dũng lên trung tâm tiếng Anh để học. Liên tục trong gần 2 năm, cả gia đình gồm vợ chồng, con cái của anh đều học tiếng Anh như vậy để có thể giao thương quốc tế.

Sau thời gian, cây rau xà lách đã lớn như thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sau thời gian, cây rau xà lách đã lớn như thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Mục đích chính của tôi vẫn là học để nâng cao giá trị cho sản phẩm thôi. Ví dụ như 1 bao phân cách đây 10 năm giá 200.000 đồng, giờ trên 1,5 triệu đồng; 1 cây bắp cải 10 năm trước bán 10.000 đồng, giờ bán ở chợ vẫn 10.000 đồng thì lợi nhuận không còn. Nếu nông dân không chịu cập nhật kiến thức để nâng cao giá trị cho sản phẩm thì rõ ràng không thể tồn tại được.

Bởi thế, phải luôn luôn sẵn sàng tâm thế để học, học hàng giờ, học hàng ngày. Hiện tôi là Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ OCOP của huyện Lạc Dương gồm 19 thành viên, trong đó có nhiều nông dân dân trí thức như anh Bình Nguyên - chủ nhiệm Câu lạc nộ, là tiến sĩ sinh học, đang dạy tại Đại học Đà Lạt. Ngoài ra, tôi còn chơi với nhiều anh chị có trình độ khác ở ngoài câu lạc bộ. Chúng tôi cùng nhau chia sẻ những kiến thức mình học được vào luôn trong sản xuất và thương mại”, anh Dũng chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thùy, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng kể có những lúc chị bụng chửa vượt mặt vẫn phải chạy xe máy đến huyện Cát Tiên, xa 200km để tập huấn cho bà con về kỹ thuật thâm canh điều, lúa cũng như các chương trình 30A xóa đói giảm nghèo.

Những huyện vùng sâu như Cát Tiên, Đạ Tẻ, Đam Rông… xe khách có khi ngày 1 - 2 chuyến, từ huyện về xã lại không có phương tiện đi nên hầu như cán bộ khuyến nông đều phải đi xe máy để chủ động cho công việc. Mất chừng 7 - 8 năm như thế. Giờ đường tốt hơn nên họ thường đi xe đò nhưng vẫn còn nhiều vất vả.

Xem thêm
Câu chuyện thứ chín: Cái hộp nước 'biết nói'

Hộp nước uống thì chắc chắn không có gì lạ, chúng ta vẫn trông thấy đâu đó hằng ngày. Nhưng có một cái hộp bằng giấy thân thiện môi trường khá lạ và ấn tượng, nhãn hiệu Elix.

Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn

Từ khi đăng quang đến nay, Hoa hậu H’Hen Niê đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó có chương trình đưa ‘Thư viện thân thiện’ về nông thôn.

Doanh nghiệp vì cộng đồng 2024: Dấu ấn tự hào của Syngenta Việt Nam

Syngenta Việt Nam vừa được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” tại sự kiện Saigon Times CSR 2024 vì những đóng góp tích cực trên hành trình thúc đẩy nông nghiệp bền vững.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 4] Cơ hội còn nhiều ở thị trường carbon bắt buộc hơn 900 tỷ USD

Thị trường carbon quốc tế đang rất sôi động, với giá trị ước tính có thể lên tới gần 1.000 tỷ USD, đòi hỏi Việt Nam cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ.