| Hotline: 0983.970.780

Tri thức hóa nông dân: [Bài 1] Trang trại của ông nông dân 600 tỉ

Thứ Hai 18/07/2022 , 06:30 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Trang trại đó có thể làm toát mồ hôi hột cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng cho bất cứ ai đến tham quan bởi sự mênh mông cũng như độ hiện đại

LTS:

Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân ngày 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, “tri thức hóa nông dân” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp. Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh “Tri thức hoá nông dân” là yêu cầu bắt buộc. Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện chuyên đề “Tri thức hóa nông dân” trong bối cảnh ngành Nông nghiệp buộc phải thay đổi khi đang và sẽ phải tiếp cận những tư duy mới trong thời đại kinh tế tri thức. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Bỏ cái ghế nhiều người phải mơ ước

“Khởi nghiệp làm nông dân. Từ một nhân viên văn phòng, một kỹ sư, một thầy giáo 32 tuổi, em chọn nghề nông để khởi nghiệp. Nửa năm chưa làm ra tiền, bị người đời đã đành, đến bố mẹ đẻ, anh ruột, cũng chê trách, coi thường và sợ vì mình mà người đời cười chê: "Nó đi làm lương cao thế sao lại đi làm cái nghề mà thằng mù chữ nó cũng làm được?".

Có giải thích thì cũng không chịu nghe, mẹ đâu biết rằng nghề nào cũng phải học, con chọn làm nông nghiệp vì con chỉ sống một lần, con muốn sống những gì làm con đam mê. Con sẽ cố gắng để không làm ảnh hưởng kinh tế cho vợ con và gia đình. Con xin lỗi mà vì con mẹ phải suy nghĩ đến nhập viện”.

Chia sẻ đó của NMA trong một nhóm hội làm nông chỉ sau mấy ngày đã nhận được hơn 1.000 like, gần 800 lượt bình luận, đồng tình. Mang câu chuyện trên tôi kể cho ông Trần Huy Đường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Lang Biang Farm ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nghe thì ông cười bảo: “Hàng triệu gia đình nông thôn cũng cùng một suy nghĩ như thế. Xưa đúng là có chuyện không được học hành thì phải bám đít con trâu để làm nông nhưng giờ có câu: “Không thầy đố mày làm nên”.

Cán bộ khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đến thăm trang trại của ông Đường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cán bộ khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đến thăm trang trại của ông Đường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xưa nông dân làm nông để tự cung tự cấp, giờ là kinh tế nông nghiệp, tuy là nông dân nhưng tôi cũng  là chủ doanh nghiệp. Trong thời buổi cạnh tranh về chi phí, về chất lượng, mặt khác lao động không còn rẻ nữa mà chỉ dựa vào lấy công làm lãi thì không ăn thua. Làm nông phải có học. Học đủ thứ về quản trị doanh nghiệp, về quy luật kinh tế, về cây trồng, vật nuôi. Học để kiểm soát chứ làm mà không kiểm soát được thì đừng có làm...

Trước đó tôi làm viễn thông, lúc nghề đang hot, vào được cũng kinh khủng, ở vị trí trưởng phòng của Bưu điện tỉnh cũng nhiều người mơ. Tôi làm được việc, sống đàng hoàng nên lắm người quý chứ không phải vì mâu thuẫn mà ra đi đâu. Ngay trong đơn nghỉ việc của tôi, ông Giám đốc ký nhưng vẫn ghi một câu rằng bất cứ lúc nào có nhu cầu quay trở lại thì sẵn sàng tiếp nhận. Khi biết tôi xin nghỉ, nhiều người khuyên không nên, kể cả bố mẹ, vợ con, đồng nghiệp, bạn bè, một số còn bảo tôi là điên nữa…”.

Hệ thống giá trồng rau trong nhà kính của ông Đường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hệ thống giá trồng rau trong nhà kính của ông Đường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm 2003, ông Đường khởi nghiệp làm nông với 7ha, đến nay đã có 30ha đất mang tên mình, tổng tài sản cả trên mặt đất lẫn đất tôi tính khiêm tốn nhất cũng phải 500 - 600 tỉ, là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Lâm Đồng được chứng nhận đạt chuẩn nông nghiệp công nghệ cao. Ông đưa tôi đi lòng vòng mấy cái nhà màng thủy canh, khí canh, thổ canh…

Chân đã mỏi, người đã rịn mồ hôi (dù Đà Lạt nhiệt độ lúc nào cũng chỉ trên dưới 20oC) mà vẫn thấy mênh mông trước mắt. Nếu đi hết chắc mất nguyên buổi trong đó diện tích nhà màng chiếm đến gần ½. Chui vào một khu nhà rộng 6.000m2, cao đến 6m đang ồn ã tiếng máy mài, loang loáng ánh hồ quang máy hàn, ông giải thích nơi đây vừa sản xuất rau thủy canh vừa có thể lắp đặt những thiết bị cho tương lai, khi chuyển sang phần chế biến sâu, rau được phối nhiều loại đóng hộp ăn ngay hay chế biến thành thực phẩm chức năng, thành tinh bột. Đó là tương lai mà ngay từ bây giờ, khi làm quy hoạch ông đã phải tính đến.

Ông Đường tự tin ăn rau ngay tại nhà màng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Đường tự tin ăn rau ngay tại nhà màng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Làm gì cũng phải có giấc mơ

Ông tâm sự bằng chất giọng rổn rảng không thể trộn lẫn của người miền Trung rằng làm nông nghiệp

cũng như bất kỳ nghề khác, đầu tiên phải có giấc mơ: “Giấc mơ của tôi không đủ lớn đâu, cũng chỉ nho nhỏ thôi. Tích tụ đất, quy hoạch nó, luôn cập nhật, luôn thay đổi để tồn tại. Người ta đang hiểu quá đơn giản về công nghệ 4.0, về chuyển đổi số trong nông nghiệp. Không phải cứ lấy smart phone ra bấm bấm để điều khiển việc tưới, quạt mát, đóng mở van… là công nghệ 4.0, là chuyển đổi số đâu.

Chúng tôi đang sử dụng gồm: Công nghệ 1.0 như những công đoạn làm bằng tay ví dụ trồng cây, cắt hoa; Công nghệ 2.0 như cơ giới hóa tất cả những gì có thể gồm cắt cỏ, làm đất, vận chuyển, rải phân bón bằng máy, bằng xe tự hành; Công nghệ 3.0 như tự động hóa gồm hệ thống tưới của Israel vận hành đã gần 20 năm nay hay các hệ thống tưới mới của Tây Ban Nha, Việt Nam mới đây; Công nghệ 4.0 như quản trị doanh nghiệp bằng phần mềm chính là SAP của Đức để kết nối toàn bộ các phần mềm thành phần khác như tưới, chấm công, bán hàng… một cách tối ưu và tức thì từ A-Z.

Hoa chuẩn bị xuất bán. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hoa chuẩn bị xuất bán. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ví dụ như về bán hàng, giám đốc cần biết doanh thu, lượng khách hàng, sản lượng bán, giá bán… xưa phải chờ kế toán báo cáo theo tuần, tháng, quý, nhưng nay có thể biết ngay mà không cần phải chờ đợi. Cứ tối ưu được cái gì là tôi làm liền, mình bỏ tiền ra để làm chứ không phải để chơi nên cần phải tính toán kỹ hiệu quả”.

Làm hiện đại nhưng trang trại vẫn tận dụng những phụ phẩm để ủ thành phân bón, tạo ra một vòng tròn kinh tế khép kín, tuần hoàn. Chuyện đó không phải bây giờ mà ngay từ năm 2003 khi khởi nghiệp ông Đường đã có ý thức. Nó trở thành quy chế, công nhân khi làm việc ngoài đảm bảo vệ sinh, phần rác thải phải phân loại từ nguồn, cấm bỏ chung rác hữu cơ và vô cơ. Rác hữu cơ ấy được ủ thành phân cùng với vỏ cà phê, bã nấm mua từ các trang trại kế cận, mỗi năm giúp cho ông tiết kiệm được vài tỉ. Hoa, rau sinh trưởng tốt, màu sắc đẹp, chất lượng vượt trội là do có nền hữu cơ như thế.

“Trong kinh tế tuần hoàn, làm sao Bộ NN-PTNT phải khuyến khích cho bà con nông dân bằng những cơ chế, giải pháp và hỗ trợ để họ tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp”

ông Trần Huy Đường

Kiểm tra hoa trước khi xuất bán. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kiểm tra hoa trước khi xuất bán. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Đường bảo, thị trường cần cái gì, mình đáp ứng cái đó. Lúc đó, hoa không chỉ là hoa mà hoa còn là cảm xúc, hoa còn là thời trang nữa. Khi các shop phải nhập hoa cắt cành từ nước ngoài về bán thì ông nhập giống về để sản xuất các loại hoa giống mới, cao cấp như hoa baby mini, thủy tiên, đồng tiền tua, cúc mẫu đơn… Nhiều giống trong đó không những ông phải trả bản quyền ngay khi nhập mà phải trả bản quyền hàng năm, như thủy tiên mỗi gốc phải trả 1 euro trong 5 năm liền.

Nếu như hoa ông chủ yếu dành cho thị trường trong nước thì rau lại xuất khẩu số lượng lớn. Cùng là nhà kính trồng rau, chất lượng sạch như nhau nhưng trang trại lại phân ra khu xuất khẩu, khu trong nước. Tôi ngắt một lá rau xà lách loại xuất khẩu nhẩn nha bỏ vào miệng nhai thấy nó có vị khác biệt với lá rau xà lách dành cho thị trường nội địa bởi vì khác giống, ông giải thích: “Cùng là rau xuất khẩu nhưng đi Hàn Quốc, Singapore lại khác vì “gu” ăn rau của họ khác nhau và hoàn toàn khác thị trường Việt Nam. Cụ thể như người Hàn Quốc thích ăn xà lách thủy tinh vì hợp với món nướng, khi bày lên đĩa không bị cháy, không bị mềm. Ngược lại người Singapore thích loại xà lách mềm để dễ phối trộn với các rau khác cho món ăn nhanh. Trong nước thì người Việt thích rau phải cứng, phải giòn.

Vườn hoa trồng trong nhà màng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn hoa trồng trong nhà màng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nâng cao tri thức cho nông dân theo tôi phải kết hợp nhiều nguồn, nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất là bản thân phải chịu khó, lọ mọ. Thích ứng với thị trường, với khẩu vị người tiêu dùng, với biến đổi khí hậu, với công nghệ mới, biến cái người ta đã làm thành cái của mình nhưng không phải là copy một cách thô thiển.

Đam mê và luôn trăn trở, tôi tìm đủ mọi cách để học của cả người thành công lẫn người thất bại. Người thất bại đôi khi cho ta bài học quý giá hơn người thành công. Tôi hay đi đến những nơi làm thất bại, nghe họ tâm sự để mình không lặp lại thất bại đó nghĩa là không phải trả giá.

Bài học thất bại của chính tôi cũng nhiều lắm, ở tất cả các khâu nhưng nếu sản xuất có tâm, có trách nhiệm với xã hội thì đời sẽ trả công cho ta một cách xứng đáng. Như xưa tôi trồng lyly 12 giờ đêm ngày 28 Tết, bán ra Hà Nội, lúc đó họ chưa rành kỹ thuật bảo quản cũng như xem độ nở nên bảo hoa non quá. Mặc dù đã lấy tiền tôi vẫn cho hoa quay đầu về Sài Gòn bán, trả lại tiền, chấp nhận thua thiệt. Từ đó uy tín của mình được nâng lên. Mà đã làm ăn uy tín thì chẳng bao giờ đời nó phụ mình cả.

Vườn rau trồng đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn rau trồng đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cái gì cũng có “sóng”, có chu kỳ. Tôi thuộc top những người sản xuất sớm nhất, nhiều nhất hoa lan ở Đà Lạt nhưng khi thị trường thay đổi, hoa lan Trung Quốc tràn sang, thấy nguy cơ liền bỏ. Hoa lyly cũng thế, có một thời gian rất hot nhưng giờ đã không còn thuận lợi nữa rồi. Biết điểm dừng, biết “sóng” nên tôi không bị thiệt hại nhiều, trừ khi thiên tai, dịch bệnh như Covid 2 năm vừa qua phải cắt bỏ hoa làm phân bón, lỗ hàng chục tỉ. Hiện nay, mỗi năm lợi nhuận của tôi rơi vào khoảng 15 - 20% trên tổng doanh thu 40 - 50 tỉ”...

Không giấu nghề, giấu cách làm giàu, khi trang trại chính không thiết kế cho đón khách du lịch thì ông mở khu du lịch canh nông rộng 0,5ha trong đó có quán cà phê mang tên Green Box ở 85 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP Đà Lạt để trải nghiệm nông nghiệp miễn phí xem dâu tây, bí khổng lồ, phúc bồn tử, rau thủy canh. Gần như trong trang trại chính trồng cái gì thì ở đó ông trồng cái đó. Những đoàn có đăng ký ông sẵn sàng dành cả buổi, cả ngày để chia sẻ kinh nghiệm, chuyện khởi nghiệp. “Đến tuổi này tôi giờ đây không có gì để mất, chỉ cho đi mà thôi. Nếu người nước ngoài thỉnh thoảng đến phỏng vấn phải trả cho tôi cỡ 300 USD/giờ nhưng người Việt thì tôi hoàn toàn miễn phí”, ông Đường tâm sự.

“Lâm Đồng có cơ chế cho làm nhà kính khá thuận lợi, ngoài ra những người đi đầu thì có chính sách hỗ trợ làm VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ, các hội thảo, xúc tiến thương mại… là đã tạo điều kiện cho chúng tôi rồi”

ông Trần Huy Đường

Xe vào tận vườn để bốc rau. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xe vào tận vườn để bốc rau. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xem thêm
Câu chuyện thứ mười: Câu chuyện mật ong

Trong chuyến đi thăm một đất nước bên kia bán cầu, lần mò tìm những sản phẩm nông nghiệp để xem cách họ làm như thế nào, có khác gì mình không?

Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn

Từ khi đăng quang đến nay, Hoa hậu H’Hen Niê đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó có chương trình đưa ‘Thư viện thân thiện’ về nông thôn.

Doanh nghiệp vì cộng đồng 2024: Dấu ấn tự hào của Syngenta Việt Nam

Syngenta Việt Nam vừa được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” tại sự kiện Saigon Times CSR 2024 vì những đóng góp tích cực trên hành trình thúc đẩy nông nghiệp bền vững.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến ngành đánh bắt cá của Na Uy

Đánh bắt cá là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Na Uy. Ngành này đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi biến đổi khí hậu.