Phát biểu tại một cuộc họp khẩn trên truyền hình, ông Solskyi cho biết Ukraine, một trong những nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới thông thường sẽ xuất khẩu từ 4 đến 5 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng, nhưng hiện tại khối lượng đã giảm xuống chỉ còn chừng vài trăm nghìn tấn.
Ông Solskyi nói: "Tác động của cuộc khủng hoảng đối với thị trường toàn cầu là trực tiếp, kịch tính và rộng lớn và nó vẫn đang tiếp diễn. Tình hình chiến sự hàng ngày đang ngày càng trở nên khó khăn hơn".
Trước đó, vào hôm thứ Năm (24/3), người tiền nhiệm của ông Solskyi là ông Roman Leshchenko bất ngờ tuyên bố từ chức nhưng không đưa ra lý do.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Roman Leshchenko từ chức đúng một tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt toàn diện nhắm vào Ukraine. Theo các nguồn tin địa phương, chiến sự rơi trúng vào thời điểm nông dân Ukraine gieo cấy vụ xuân và khiến một trong những nhà sản xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới buộc phải ngừng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản.
Ngay sau đó, Quốc hội Ukraine đã họp bất thường tuyên bố các nhà lập pháp đã quyết định ủng hộ việc bổ nhiệm chính trị gia cấp cao, luật sư Mykola Solskyi thay thế ông Leshchenko với 294 phiếu thuận.
Việc đề bạt ông Solskyi được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy các chính sách cải cách mở cửa thị trường đất đai của Ukraine cũng như xóa bỏ những tồn tại trong lĩnh vực giao thương mua bán nông sản trong nước. Trong 2,5 năm qua, ông Mykola Solsky nắm giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban về chính sách nông nghiệp và đất đai tại Quốc hội Ukraine, có nhiều đóng góp trong việc thông qua đạo luật mở cửa thị trường đất đai.
Bất chấp những thách thức khó khăn trong thực tế do tình hình chiến sự có thể làm giảm đáng kể sản lượng mùa vụ năm 2022 và cản trở hoạt động xuất khẩu nông sản, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vẫn quyết tâm thực hiện các chính sách mới, mở ra các lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Trong diễn biến liên quan theo giới phân tích, cuộc xung đột Ukraine-Nga kéo dài khiến thế giới đang đứng trước bờ vực của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do tác động của khủng hoảng chuỗi cung ứng, đặc biệt là những hạn chế trong sản xuất phân bón.
Cách đây mấy ngày, giám đốc điều hành của một trong những tập đoàn sản xuất phân bón lớn nhất thế giới dự báo, cuộc xung đột ở Ukraine sẽ gây ra một cú sốc về nguồn cung và chi phí sản xuất lương thực toàn cầu bởi mùa màng là nền tảng của chuỗi cung ứng thực phẩm.
Trên thực tế một tháng qua đã xảy ra vô số những thách thức rõ ràng trong khâu vận chuyển lương thực và ngũ cốc trên khắp thế giới, những thách thức này sẽ trở nên tồi tệ hơn đáng kể do hậu quả của chiến tranh.
“Các chuỗi cung ứng thực phẩm của chúng ta sẽ bị phá sản nếu chúng ta không có một mạng lưới cung cấp an toàn về cả chất lượng và số lượng. Trong thực hành nông nghiệp hiện đại, cùng với ánh sáng mặt trời và nước, cây trồng cũng cần được cung cấp liên tục các chất dinh dưỡng. Các chất dinh dưỡng này được chuyển đến thực vật thông qua việc nông dân sử dụng phân bón”, một chuyên gia nói, đồng thời cho biết thêm: Để làm ra một bao phân bón thì cần rất nhiều sức lực, bắt đầu từ quá trình chuyển hóa hydro và nitơ thành amoniac, hay còn được gọi là quá trình Haber-Bosch, là một bước quan trọng trong quá trình sản xuất phân bón.
Theo một số nghiên cứu ước tính, quá trình này chiếm từ 1-2% tổng năng lượng được tạo ra trên quy mô toàn cầu. Do đó, chi phí sản xuất phân bón gốc nitơ liên quan trực tiếp đến giá cả nhiên liệu. Trong khi đó các thành phần tạo nên phân bón là một trong những chi phí biến đổi đáng chú ý nhất của sản xuất nông nghiệp.
Do đó người nông dân phải làm sao thiết lập mối quan hệ cân bằng giữa số tiền mà họ bỏ ra đầu tư mua phân bón và lợi nhuận họ nhận được sau khi thu hoạch.