Theo Sở NN-PTNT Bình Định, từ đầu năm đến nay, tình trạng sử dụng xung điện, xiếc máy, chất nổ, giã cào… để khai thác thủy sản trên các đầm phá, vùng ven biển diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.
Nhiều phương tiện đánh bắt thủy sản ven bờ những nghề cấm vẫn đang tồn tại |
Chi cục Thủy sản Bình Định đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức 35 chuyến tuần tra, ngăn chặn trạng sử dụng xung điện, xiếc máy để khai thác thủy sản trên các đầm Thị Nại, Đề Gi, Trà Ổ và các vùng biển ven bờ. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 28 trường hợp vi phạm.
Ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, ca thán: “Số vụ vi phạm các nghề cấm trong khai thác tại các đầm phá và vùng ven biển có chiều hướng gia tăng trở lại. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp. Khi phát hiện lực lượng chức năng tuần tra, các đối tượng liền vứt dụng cụ kích điện xuống biển để phi tang. Lại có một số trường hợp chống đối lại lực lượng chức năng. Trong khi đó lực lượng chức năng vừa thiếu vừa yếu, thiếu trang bị và công cụ hỗ trợ”.
Đáng quan ngại hơn, nạn xung điện, xiếc máy trên đầm Thị Nại, đầm Đề Gi, đầm Trà Ổ đang có chiều hướng gia tăng. Tại các thôn Đức Phổ 1, Đức Phổ 2, xã Cát Minh và thôn Ngãi An, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), có lúc có hàng chục ghe máy giơ cao gọng xiếc ngay giữa ban ngày trên đầm Đề Gi nhưng không thấy cơ quan chức năng xử lý.
Còn tại khu vực đầm Thị Nại và đầm Trà Ổ, theo thống kê, hiện còn 63 phương tiện hành nghề cấm vẫn đêm đêm lén lút hoạt động XĐXM; trong đó, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) có 30 phương tiện; các xã Mỹ Lợi, Mỹ Đức, Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ) có 33 phương tiện.
Về vấn nạn đầm Thị Nại bị xâm hại, ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết: Để ngăn chặn hoạt động XĐXM trên đầm Thị Nại, trong thời gian qua, huyện đã tổ chức nhiều đợt ra quân truy quét, nhưng do mặt đầm rộng, trải dài trên địa bàn nhiều xã, nên việc truy quét gặp khó khăn. Hơn nữa, giá mỗi bộ xung điện, xiếc máy từ 5 - 7 triệu đồng, trong khi chỉ một đêm hoạt động các đối tượng kiếm được từ 300 - 500 ngàn đồng; nếu “trúng đậm” chỉ sau vài đêm là thu hồi vốn.
Tình trạng này không chỉ “nóng” trên đầm Thị Nại mà còn đang là vấn nạn của nhiều khu vực khác. Ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ cho hay, vừa qua nhóm hạt nhân bảo vệ nguồn lợi thủy sản thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu trong lúc bắt giữ một chiếc ghe từ xã Mỹ Thắng sang đầm Trà Ổ đánh bắt thủy sản bằng xung điện, xiếc máy thì bị 14 đối tượng khác đến bao vây, tấn công. Các đối tượng này dùng sào chống ghe đánh ông Trương Văn Quý và ông Bùi Xuân Bộ bị thương tích ở mắt và tay. Tuy nhiên, đến nay vụ việc này vẫn chưa được xử lý nghiêm minh.
Thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn Bình Định hiện có 1.205 hộ gia đình ngư dân đang sử dụng 85.057 chiếc lưới lồng để khai thác thủ sản khiến trên 40% lượng thủy sản còn non bị đánh bắt cạn kiệt, tác động xấu đến các hệ sinh thái và môi trường thực vật thủy sinh... |