Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã tập trung vào các xu thế phát triển bền vững, tăng cường khả năng chống chịu, tạo giá trị gia tăng cao hơn, và chú trọng đến sức khỏe đất, sức khỏe nước cũng như nguyên tắc "Một sức khỏe".
Đây là nền tảng để nông nghiệp Việt Nam không chỉ phát triển từ nội tại mà còn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống lương thực - thực phẩm toàn cầu.
Bộ trưởng khẳng định: "Nền nông nghiệp Việt Nam không thể đứng đơn lẻ, mà cần tham gia vào các diễn đàn, học hỏi, tận dụng kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, cùng với các nhà tài trợ quốc tế để học tập, phát triển mô hình và giải pháp mới. Mục tiêu là tạo ra giá trị gia tăng mà không đánh đổi môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng".
Trong xu thế hiện nay, Việt Nam đang hướng tới phát triển nông nghiệp tích hợp, liên ngành, đa giá trị. Các dự án hợp tác quốc tế được ưu tiên phát triển theo hướng kết hợp như: trồng trọt với chăn nuôi, trồng trọt với thủy sản, hay phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ NN-PTNT kỳ vọng, các dự án từ USAID sẽ giúp Việt Nam rút ra bài học kinh nghiệm và lan tỏa các mô hình hiệu quả không chỉ ở khu vực dự án mà còn tới toàn ngành nông nghiệp.
Gợi nhắc về dự án tăng cường khả năng chống chịu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng đây là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, song cũng là nơi đầy tiềm năng để phát triển các mô hình nông nghiệp bền vững.
Trước lo ngại về sự chồng lấn giữa các dự án như "Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao" và dự án tăng cường khả năng chống chịu có sự tham gia của USAID, Bộ trưởng khẳng định, các dự án này sẽ hỗ trợ lẫn nhau và tạo điều kiện để ĐBSCL trở thành hình mẫu điển hình trong việc ứng phó biến đổi khí hậu. "Nếu thành công, chúng ta có thể biến ĐBSCL từ một khu vực dễ tổn thương thành nơi tiên phong trong các mô hình chống chịu biến đổi khí hậu", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Từ phía USAID, bà Aler Grubbs đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt là sự phối hợp hiệu quả với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT trong các dự án với USAID.
Đối với các dự án nông nghiệp, USAID tập trung vào bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và hỗ trợ phát triển cộng đồng bền vững. Bà Aler Grubbs cũng ghi nhận những kết quả đạt được trong Chương trình Quốc gia về chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES), với nguồn thu hàng năm khoảng 130 triệu USD. Chương trình này không chỉ giúp cải thiện sinh kế cho cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng tham gia vào công tác bảo về rừng và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.
USAID cũng quan tâm đến việc xây dựng quy chuẩn carbon và thương mại tín chỉ carbon, coi đây là hướng đi chiến lược trong thời gian tới.
Năm 2025 sẽ đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Nhân dịp này, USAID dự kiến sẽ khởi động các dự án mới và tổ chức các sự kiện nhằm thúc đẩy hợp tác song phương.
Hưởng ứng với ý kiến từ phía USAID, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng có thể lấy dự án tăng cường khả năng chống chịu tại ĐBSCL thành biểu tượng cho cột mốc hợp tác này.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để các dự án hợp tác đạt được hiệu quả bền vững, yếu tố then chốt là sự tham gia của người dân. "Nếu người dân còn đứng ngoài cuộc, dù các nhà tài trợ hay quản lý có vào cuộc thế nào, dự án vẫn sẽ gặp rủi ro”, Bộ trưởng nhìn nhận, đồng thời đề nghị USAID hỗ trợ trong đào tạo, nâng cao năng lực cho các “thủ lĩnh cộng đồng” để tăng cường sự tham gia của cộng đồng người dân cũng như giúp lan tỏa kết quả các dự án từ lực lượng cơ sở.