Anh N.Đ.T. (32 tuổi) bị tai nạn giao thông nghiêm trọng trong đêm 22/8 và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh. Sau đó, được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), nhưng do chấn thương quá nặng, anh T. đã không qua khỏi và được chẩn đoán chết não.
Nén đau thương, gia đình anh đã đưa ra quyết định dũng cảm và đầy nhân văn, hiến tạng của anh T. để mang lại sự sống cho những người khác, như ý nguyện của anh lúc còn sống.
Chiều 24/8, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiến hành ca đại phẫu lấy đa tạng từ người cho chết não. Trong đó, hai quả thận được ghép cho một người đàn ông bị suy thận từ năm 2012 và một người phụ nữ suy thận phải lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; giác mạc được ghép cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Đặc biệt, trái tim được các y bác sĩ vận chuyển từ Hà Nội và TP.HCM để ghép cho nam bệnh nhân 37 tuổi tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, dưới sự điều phối nguồn tạng từ Trung tâm Điều phối tạng quốc gia.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, bệnh viện đã cử đoàn công tác gồm phẫu thuật viên, các chuyên gia y tế và nhân viên công tác xã hội ra Hà Nội để vận chuyển trái tim về TP.HCM một cách nhanh nhất. Nhằm đảm bảo thời gian thiếu máu nóng của trái tim được rút ngắn tối đa, trái tim có thể được ghép vào người nhận trong điều kiện tốt nhất.
Trái tim của chàng trai 32 tuổi, rời phòng mổ số 2, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) lúc 20 giờ ngày 24/8, được bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng cảnh sát giao thông TP.HCM và Hà Nội, cùng sự hỗ trợ của hàng trăm y bác sĩ, nhân viên y tế, sự phối hợp của nhiều cơ quan ban ngành trong hành trình xuyên Việt, đưa trái tim an toàn về tới Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để ghép cho người bệnh.
"May mắn là bệnh nhân L.A.H đăng ký vào danh sách chờ nhận tạng của Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia, nên khi có nguồn tạng hiến phù hợp, đã được Trung tâm điều phối", PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM nói.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho các y bác sĩ lúc này là người bệnh có áp lực động mạch phổi khá cao, có thể dẫn đến suy tim sau mổ, khiến quá trình hồi sức gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, người bệnh có nhóm máu Rh âm tính, một trường hợp rất hiếm gặp, gây thách thức lớn trong việc xác định các kháng thể bất thường và chuẩn bị máu phù hợp cho ca mổ.
Với sự nỗ lực và phối hợp nhịp nhàng của y bác sĩ, 3 giờ sáng ngày 25/8, trái tim của chàng trai 32 tuổi ấy đã bắt đầu nhịp đập đầu tiên trong lồng ngực của anh L.A.H (37 tuổi, ngụ Gia Lai, mắc bệnh cơ tim giãn, với chức năng tim rất kém).
Sau cuộc mổ, tình trạng huyết động của người bệnh tương đối ổn định và tiếp tục được theo dõi sát sao, đặc biệt là trong ba ngày đầu sau mổ. Hy vọng rằng qua được 3 ngày này ổn thỏa, tình trạng của người bệnh sẽ tiến triển tốt.
“Thay mặt gia đình, chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến gia đình người hiến tạng ở Hà Nội. Gia đình chúng tôi sẽ không thể nào quên ơn này. Cám ơn ê kíp bác sĩ và các lực lượng chức năng đã hỗ trợ điều trị, cứu em tôi mở ra một cuộc đời", ông L.A.K, anh trai của bệnh nhân L.A.H - người nhận trái tim, xúc động bày tỏ.
Tính đến nay, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã thực hiện thành công 48 ca ghép thận và 53 ca ghép gan. Cùng với sự thành công của ca ghép tim đầu tiên này, mở ra cơ hội có thêm 1 địa chỉ cứu sống thêm nhiều cuộc đời mới không may mắc bệnh suy tim.