Triển khai từ năm 2016, Dự án MD-ICRSL do Ngân hàng Thế giới thực hiện, đã hỗ trợ hơn 1 triệu nông dân vùng ĐBSCL chuyển đổi sinh kế thích ứng với khí hậu và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Thông qua dự án, 8 tỉnh thành vùng ĐBSCL, tại 3 vùng sinh thái gồm: vùng lũ (An Giang, Đồng Tháp), vùng cửa sông (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng) và vùng bán đảo (Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu) được đầu tư tăng cường công tác giám sát. Đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở vùng thượng nguồn, nuôi trồng thủy sản bền vững và cải thiện sinh kế cho người dân ở khu vực ven biển.
Tại tỉnh Đồng Tháp, vài năm trở lại đây, bà con nông dân đã bắt đầu chuyển hướng sản xuất, những phương thức canh tác thông minh, bền vững dần hé lộ. Anh Huỳnh Văn Kiểm ở xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự đã xây dựng hẳn một quy trình riêng cho mô hình sinh kế 2 vụ lúa, 1 vụ cá, với tiêu chuẩn lúa sạch, cá sạch. Trên quy mô diện tích 10ha đất trồng lúa, tất cả đều được anh sử dụng phân bón hữu cơ, nhằm đảm bảo đầu ra an toàn.
Còn tại HTX Nông nghiệp số 3 ở xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự, ông Lê Hoàng Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX, cũng là một trong những hộ dân nhận thức được giá trị của việc phát triển sản phẩm an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu từ khi tham gia dự án MD-ICRSL. Nếu như ban đầu ông chỉ đặt mục tiêu “dành” được chứng nhận VietGAP thì bây giờ là thẳng tiến đến sản xuất lúa hữu cơ.
Theo Ban Quản lý tiểu dự án ICRSL tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2021, đơn vị đã thực hiện 12 mô hình với 5 loại hình sinh kế tại 4 huyện, thành phố với tổng diện tích 115 ha. Trong đó, mô hình 2 lúa - 1 cá, mang lại bình quân lợi nhuận đạt trên 57 triệu đồng/ha/năm.
So với ngoài mô hình, lợi nhuận tăng hơn 15 triệu đồng/ha/năm. Đây là mô hình phổ biến nhất trong vùng dự án, với nền sản xuất cơ bản 2 vụ lúa, nông dân sẽ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng, bảo đảm ATTP, được chứng nhận VietGAP để liên kết tốt trong tiêu thụ. Bên cạnh đó, bà con nông dân có thể nuôi hoặc trữ cá tự nhiên vào mùa lũ để có thêm thu nhập, tạo điều kiện trữ lũ, thoát lũ theo mục tiêu dự án.
Tại vùng bán đảo Cà Mau, nông dân được khuyến khích thử nghiệm các mô hình sinh kế dựa vào tự nhiên. Có thể kể đến như nuôi thủy sản kết hợp vọp, ốc len, sò huyết hoặc nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn. Các nhà khoa học thuộc dự án đã hướng dẫn nông dân phương pháp nuôi tôm sạch, sử dụng tài nguyên hiệu quả, cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm.
Để nông dân duy trì những thực hành tốt ngay cả khi dự án kết thúc, Ngân hàng Thế giới đã đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho quá trình nhân rộng các mô hình một cách bền vững. Phần lớn nguồn vốn trong tổng mức đầu tư 387 triệu USD của dự án được sử dụng để xây mới và nâng cấp các công trình thủy lợi và hạ tầng kỹ thuật đã xuống cấp.
Ở vùng thượng nguồn, dự án đã cải tạo 61 km bờ bao và xây dựng 15 cống qua đê để nâng cao hiệu quả quản lý lũ. Dọc 27 km bờ biển ở vùng bán đảo, dự án cũng đã xây dựng nhiều công trình đê biển, đê chắn sóng và vành đai rừng ngập mặn.
Bà Nguyễn Hoàng Ái Phương, chuyên gia môi trường và Chủ nhiệm dự án của Ngân hàng Thế giới đánh giá, điểm khác biệt của những giải pháp công trình trong dự án ICRSL là cách tiếp cận “không hối tiếc”, có tính đến những yếu tố bất định của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, dự án đã thiết lập hơn 50 trạm quan trắc, cung cấp thông tin cập nhật theo thời gian thực về tài nguyên nước, phục vụ việc vận hành mạng lưới hạ tầng, quản lý tài nguyên nước trong vùng.