| Hotline: 0983.970.780

Tạo đa giá trị cho các hồ thủy lợi

Thứ Bảy 07/10/2023 , 08:52 (GMT+7)

Đồng Nai Nhiều năm nay, Đồng Nai đã tận dụng các hồ thủy lợi tạo đa giá trị kinh tế - xã hội, phù hợp với định hướng khai thác mặt hồ của UBND tỉnh.

Định hướng của UBND tỉnh Đồng Nai là sẽ khai thác đa giá trị từ các hồ thủy lợi, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế từng vùng. Ảnh: Lê Bình.

Định hướng của UBND tỉnh Đồng Nai là sẽ khai thác đa giá trị từ các hồ thủy lợi, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế từng vùng. Ảnh: Lê Bình.

Khi phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam có mặt tại hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom) cũng là lúc Đội nuôi trồng thủy sản Sông Mây (thuộc Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai) đang tất bật kéo lưới, lựa những con cá đủ tiêu chuẩn thu hoạch. Số cá này sẽ phục vụ bữa ăn của nhiều đơn vị quân đội trên địa bàn và một phần cho nhiệm vụ phát triển kinh tế.

Thượng úy Lê Minh Tấn, Đội trưởng Đội nuôi trồng thủy sản cho biết, hiện đơn vị đang thuê mặt hồ Sông Mây từ Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai với diện tích 196 ha. Với diện tích hồ lớn, việc nuôi cá khá thuận tiện nên các đơn vị đóng quân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nguồn thực phẩm cá tươi sống hàng ngày, cải thiện bữa ăn.

“Mỗi năm đội thu hoạch khoảng 260 tấn cá, trong đó, việc cung cấp cá cho các bếp ăn chiếm khoảng 60%. Số còn lại chúng tôi bán cho các thương lái tại chợ Bình Điền, nâng cao thu nhập cho đơn vị”, Thượng úy Lê Minh Tấn chia sẻ.

Đội nuôi trồng thủy sản Sông Mây đang thu hoạch cá, chuẩn bị bàn giao cho các bếp ăn thuộc Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Lê Bình.

Đội nuôi trồng thủy sản Sông Mây đang thu hoạch cá, chuẩn bị bàn giao cho các bếp ăn thuộc Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Lê Bình.

Ngoài ra, Đội nuôi trồng thủy sản còn cải tạo, chỉnh trang một số khu vực của hồ thủy lợi để kinh doanh dịch vụ câu cá, thu hút khách thập phương đến giải trí trong ngày nghỉ.

Còn tại hồ thủy lợi Đa Tôn (xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú), đàn cá của HTX Dịch vụ kinh doanh Nuôi trồng thủy sản Đa Tôn cũng sắp vào đợt cho thu hoạch. Với diện tích thuê mặt hồ 210ha, mỗi năm HTX này cung cấp ra thị trường khoảng hơn 200 tấn cá chép, cá mè, cá trôi và cá trắm.

Anh Trần Thanh Hoài, Giám đốc HTX cho biết: “Hiện việc nuôi cá của HTX tại hồ Đa Tôn đã đạt được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Chúng tôi dự kiến mở rộng các dịch vụ tại hồ Đa Tôn về du lịch, ẩm thực nhằm thu hút khách trong và ngoài tỉnh về vui chơi, nghỉ dưỡng tại đây”.

Không chỉ có diện tích mặt hồ lớn, Đa Tôn cũng có vị trí đắc địa và phong cảnh mộng mơ. Những năm gần đây, UBND huyện Tân Phú đã thúc đẩy sự phát triển du lịch địa phương bằng cách xây dựng các tuyến đường kết nối hồ Đa Tôn với các địa danh khác như Vườn quốc gia Cát Tiên, đường ra quốc lộ 20… Ngoài ra, hồ Đa Tôn cũng nằm gần “điểm rơi” của đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

“Chúng tôi đã mời gọi các nhà đầu tư cùng khai thác, phát triển du lịch tại hồ Đa Tôn. Không chỉ phục vụ nuôi thủy sản mà còn hướng đến các thú vui, thưởng ngoạn, ẩm thực và nghỉ dưỡng tại khu du lịch lòng hồ. Điều này giúp địa phương thu hút được lượng lớn khách du lịch trong tương lai, kéo theo những ngành kinh tế khác cùng phát triển”, ông Bùi Trường Sơn, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn chia sẻ.

Đồng Nai kỳ vọng mỗi hồ thủy lợi sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến giải trí, thưởng thức ẩm thực, nghỉ dưỡng. Ảnh: Lê Bình.

Đồng Nai kỳ vọng mỗi hồ thủy lợi sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến giải trí, thưởng thức ẩm thực, nghỉ dưỡng. Ảnh: Lê Bình.

Tại huyện Cẩm Mỹ, trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, UBND huyện cũng đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai cho chủ trương lập quy hoạch phân khu phục vụ mời gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại 2 hồ Cầu Mới và Sông Ray. Đây là 2 hồ điều tiết nước lớn, có lợi thế về cảnh quan, khí hậu nhưng chưa được khai thác du lịch. Nếu được chấp thuận và đi vào khai thác, tương lai huyện Cẩm Mỹ sẽ có 2 hồ du lịch sinh thái kết hợp gần cửa ngõ sân bay Long Thành.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và thủy lợi Đồng Nai cho hay, chủ trương của tỉnh là khai thác tối đa giá trị của các hồ thủy lợi. Ngoài mục tiêu chính là cung cấp nước phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt thì có thể mở rộng các lợi ích mà các hồ chứa nước mang lại. Chi cục cũng đã tham mưu cho Sở NN-PTNT tỉnh trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt các chính sách nhằm thu hút đầu tư cho các hồ chứa nước trong mảng đầu tư, phát triển du lịch.

“Các hồ nước thủy lợi phải là không gian sinh thái an toàn và sạch sẽ, có cây xanh, hành lang bảo vệ. Ngoài cung cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, hồ thủy lợi còn là điểm đến du lịch sinh thái”, ông Lĩnh nói.

Đồng Nai hiện có 18 hồ thủy lợi với dung tích hơn 107,2 triệu mét khối. Theo Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai Võ Văn Phi: "UBND tỉnh đang xây dựng chiến lược phát triển nguồn nước để đáp ứng nhu cầu phát triển tương lai. Theo đó, hồ thủy lợi không chỉ cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt mà còn là điểm đến du lịch, không gian sinh thái. Nếu khai thác tốt các hồ chứa nước sẽ giúp thúc đẩy phát triển du lịch mang tính đột phá, từ đó kinh tế sẽ phát triển theo".

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.