| Hotline: 0983.970.780

Tây Ninh hỗ trợ 70% kinh phí sửa chữa công trình thủy lợi nội đồng

Thứ Tư 06/09/2023 , 09:11 (GMT+7)

Tỉnh Tây Ninh sẽ hỗ trợ đến 70% chi phí sửa kênh mương, cống thoát nước, cống tiêu… và người dân tự bỏ ra 30% để hiện đại hóa hệ thống thủy lợi nội đồng.

Trên địa bàn huyện Dương Minh Châu có 71 tuyến kênh mương nội đồng với tổng chiều dài trên 33km. Trong đó, các tuyến chưa được kiên cố hóa hơn 12km, chiếm 37%.

Một số khu vực thuộc các xã Suối Đá, Bàu Năng, Phan… thường xuyên thiếu nước vào mùa khô. Nơi nào có thể khoan giếng thì nông dân trồng mãng cầu, sắn, mía có thể cầm cự được. Còn vùng có đá ngầm, không thể khoan lấy nước thì họ đành chịu thiệt.

Tây Ninh vẫn còn khoảng 30% tuyến kênh nội đồng chưa được kiên cố hóa, cỏ mọc um tùm khiến việc cung cấp nước bị cản trở. Ảnh: Lê Bình.

Tây Ninh vẫn còn khoảng 30% tuyến kênh nội đồng chưa được kiên cố hóa, cỏ mọc um tùm khiến việc cung cấp nước bị cản trở. Ảnh: Lê Bình.

“Vào mùa khô thì cây cối ở đây héo, rồi chết khô hết luôn. Mình đào nước rồi nhưng mạch nước ngầm ở đây có mấy đâu, cũng chỉ được vài bữa. Giờ chỉ có đi mua nước về tưới để cây không chết chứ biết sao giờ. Mong chính quyền sớm đưa nước về để bà con nông dân đỡ khổ. Nếu vùng này mà có nguồn nước thì dân giàu lâu rồi”, ông Nguyễn Văn Thu, nông dân tại xã Phan chia sẻ.

Còn tại huyện Châu Thành, hệ thống thủy lợi chỉ mới được đầu tư cấp N4, N5. Sau thời gian dài sử dụng, những tuyến kênh nội đồng tại đây đã xuống cấp. Chưa kể, do đặc tính là kênh đất nên thường bị hư hỏng, hao hụt nước canh tác trong vùng tưới.

Mỗi đợt tưới cây là ông Trương Văn Vinh (ngụ xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành) phải chờ nhiều ngày mới có thể lấy đủ nước phục vụ tưới. Điều này không chỉ tốn thời gian mà còn bất cập cho bà con nông dân tại đây. “Mình phải chờ người ta lấy nước vào ruộng của họ rồi mới đến ruộng của mình. Chưa kể, tình trạng bể bờ khi lấy nước cũng thường xuyên xảy ra, phải đắp bờ mới lấy nước được tiếp. Mong các cấp quan tâm tới bà con nông dân chứ như thế này mất công và thời gian quá”, ông Vinh giãi bày.

Hơn nữa, chỉ xã Hòa Thành và xã Ninh Điền là có trạm bơm, còn lại các xã khác chưa có hệ thống kênh thủy lợi để tưới. Ông Phan Đình Giản, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành cho biết, huyện đã kiến nghị tỉnh bố trí ngân sách hỗ trợ đầu tư thêm trạm bơm để mở rộng vùng tưới, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tình trạng nhiều tuyến kênh nội đồng chưa được kiên cố hóa cũng khá phổ biến ở nhiều xã của huyện Tân Biên, huyện Bến Cầu, huyện Gò Dầu, huyện Dương Minh Châu.

Để lấy nước sang ruộng của mình, người nông dân phải đành xẻ bờ, san nước từ các ruộng khác do không thể lấy nước từ kênh nội đồng. Ảnh: Lê Bình.

Để lấy nước sang ruộng của mình, người nông dân phải đành xẻ bờ, san nước từ các ruộng khác do không thể lấy nước từ kênh nội đồng. Ảnh: Lê Bình.

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, tỉnh có hệ thống kênh cấp một, cấp hai và nội đồng dài gần 500 km. Tuy nhiên, thế mạnh đó cũng chính là thách thức của ngành Nông nghiệp Tây Ninh trong đầu tư, duy tu và quản lý.

Thống kê của Chi cục Thủy lợi Tây Ninh cho hay, còn khoảng 30% chiều dài kênh nội đồng của tỉnh chưa được kiên cố hóa. Điều này khiến các tuyến kênh thường xuyên bị sạt lở, hao hụt nước do thấm xuống lòng đất và đe dọa mùa màng. Do đó, đây chính là nhiệm vụ hàng đầu của Sở NN-PTNT từ nay cho tới năm 2030 nhằm cải thiện nguồn nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hiện, công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kênh mương toàn tỉnh được giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh phụ trách. Phần lớn kinh phí duy tu, bảo dưỡng dựa vào nguồn ngân sách nhà nước. Đo đó, việc nâng cấp, sửa chữa và đầu tư mới các tuyến kênh nội đồng cần được bố trí kinh phí đầu tư theo từng giai đoạn cụ thể.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn cho công tác thủy lợi, Sở đã xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND thông qua Nghị quyết về việc hỗ trợ hệ thống thủy lợi nhỏ, kênh nội đồng và tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

“Cụ thể chúng tôi đề xuất phương án: Nhà nước sẽ hỗ trợ đến 70% chi phí sửa kênh mương, cống thoát nước, cống tiêu… và người dân tự bỏ ra 30%. Nhà nước và nhân dân cùng làm thì sẽ đẩy nhanh được tiến độ kiên cố hóa kênh mương. Như vậy thì lợi ích của người dân mới được đảm bảo và hiệu quả kinh tế được nâng cao hơn”, ông Xuân chia sẻ.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp Tây Ninh cũng sẽ chú trọng đến các tổ thủy lợi cộng đồng để cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ điều tiết nước, cũng như phụ giúp công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến kênh. Đây chính là lực lượng từ dân, do dân và vì dân nên sẽ là cầu nối hữu hiệu nhất để “khơi thông” những vướng mắc trong vấn đề thủy lợi tại mỗi địa phương.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.