Giá lúa tăng 20%, nông dân Hà Tĩnh lãi 15 triệu đồng/ha/vụ. Kiên Giang vay Ngân hàng Thế giới 9,5 triệu USD đầu tư cống thủy lợi Kênh Cụt. Thả 'vốn mồi' 2 tỷ đồng để thu hút các chủ thể tham gia chuỗi liên kết. Đồng Nai bố trí 8,3 tỷ đồng thúc đẩy kinh tế tập thể.
Giá lúa tăng 20% nhưng nông dân Hà Tĩnh chỉ lãi 15 triệu đồng/ha/vụ
Thanh Nga sx
Mặc dù chưa bước vào giai đoạn cao điểm thu hoạch rộ lúa hè thu năm 2023 nhưng giá lúa thương lái thu mua tại Hà Tĩnh thời điểm này đã tăng gần 20% so với vụ hè thu năm 2022. Tại một số địa phương có diện tích lúa gieo cấy sớm, bố trí giống ngắn ngày, nông dân đang tất bật thu hoạch trong niềm vui được mùa, được giá. Qua khảo sát, hiện giá lúa tươi thu mua tại chân ruộng tăng bình quân 700 – 1.000 đồng/kg so vụ hè thu năm 2022. Trong đó giống chất lượng cao, gạo ngon thu mua với giá 6.500đ/kg, còn các giống đại trà thu mua với giá 6.200 đ/kg. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hà Tĩnh, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh này gieo cấy gần 45.000 ha lúa, hiện đã thu hoạch trên 2.200 ha, năng suất trung bình đạt từ 51 - 53 tạ/ha. Với giá lúa tươi đang được thu mua hiện nay sau khi trừ chi phí bà con thu lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng/ha.
Nhằm điều tiết hiệu quả nguồn nước phục vụ sản suất nông nghiệp và đáp ứng nguồn nước sinh hoạt phục vụ đời sống dân sinh. Tỉnh Kiên Giang đã đầu tư hàng chục công trình thủy lợi lớn nhỏ như : Cống Sông Kiên, Kênh Nhánh và Kinh Cụt… với kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tư – Giám đốc BQL dự án nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, dự án thủy lợi cống Kênh Cụt có tổng mức đầu tư hơn 262,8 tỷ đồng; trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới 9,5 triệu USD (hơn 206,8 tỷ đồng), vốn đối ứng địa phương hơn 56 tỷ đồng.
Công trình thủy lợi cống Kênh Cụt nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng kết hợp phát triển giao thông, đô thị cho khu vực thành phố Rạch Giá. Chức năng của công trình là chủ động kiểm soát nguồn nước, ngăn mặn xâm nhập, giữ và dẫn nước ngọt, tiêu úng, xổ chua, kiểm soát và thoát lũ, ngăn triều cường. đảm bảo ổn định sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản diện tích khoảng 30.000ha ở thành phố Rạch Giá và hai huyện Tân Hiệp, Châu Thành của tỉnh Kiên Giang.
Thả ‘vốn mồi’ 2 tỷ đồng để thu hút các chủ thể tham gia chuỗi liên kết
Trần Đức Trung sx
Ngày 6/9, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện hính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Ông Phạm Thụy Luân Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, Bình Phước hiện có 260 chuỗi liên kết tập trung tại các trang trại chăn nuôi gia công; điển hình là chuỗi liên kết Hồ tiêu với Công ty Nesdpice; chuỗi liên kết sản xuất hạt điều xuất khẩu.
5 năm qua, UBND tỉnh giao Sở NN- PTNT là đầu mối và chủ trì tổ chức triển khai thực hiện, kết quả: Đã tiếp nhận, phê duyệt 29 chuỗi cấp tỉnh, trong đó, hỗ trợ kinh phí cho 5 dự án/kế hoạch với tổng kinh phí thực hiện trên 28 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ gần 2 tỷ đồng, các chủ thể tham gia đối ứng trên 26 tỷ đồng.
Từ nay đến 2025 Bình Phước phấn đấu cấp huyện phê duyệt khoảng 35 chuỗi, cấp tỉnh khoảng 25 chuỗi.
Đồng Nai bố trí 8,3 tỷ đồng thúc đẩy phát triển HTX, tổ hợp
(Minh Sáng)
Theo đánh giá của UBND tỉnh Đồng Nai, việc phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh dù đã đạt những kết quả khả quan, nhưng vẫn tồn tại các hạn chế, như đa số HTX quy mô nhỏ, nguồn lực về con người, công nghệ, kỹ thuật còn yếu, chưa phát huy hết tiềm năng của địa phương. Do đó, Đồng Nai cần tiếp tục phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm sự cân đối trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương.
Theo đó, năm 2024 toàn tỉnh phấn đấu nâng tổng số lượng lên 522 HTX, trong đó thành lập thêm 35 HTX mới và 39 tổ hợp tác, đưa tổng số tổ hợp tác hoạt động lên 892 tổ. Để thực hiện được mục tiêu trên, Đồng Nai sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển; tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, HTX. Dự kiến, nguồn kinh phí cho các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX trong năm 2024 là gần 8,3 tỷ đồng.