| Hotline: 0983.970.780

Nơi từng là hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh nhất nước

Thứ Năm 07/09/2023 , 10:22 (GMT+7)

TP. Cần Thơ Lịch sử hình thành Nông trường sông Hậu ghi nhận những đóng góp tích cực trong công tác thủy lợi, biến vùng đất hoang hóa, trũng phèn thành trọng điểm của sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống thủy lợi điển hình

Đã từng được nghe kể rất nhiều câu chuyện về Nông trường sông Hậu, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến vùng đất này qua lời “rủ rê” của một đồng nghiệp. Từ trung tâm TP Cần Thơ chúng tôi xuôi theo Quốc lộ 91, qua khỏi địa phận quận Ô Môn vài kilomet, rẽ vào đường Trần Ngọc Hoằng. Đây cũng là tên của Anh hùng lao động, nguyên Giám đốc Nông trường sông Hậu.

Kênh KH6 là tuyến đường thủy độc đạo ở Nông trường sông Hậu phục vụ vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân. Ảnh: Kim Anh.

Kênh KH6 là tuyến đường thủy độc đạo ở Nông trường sông Hậu phục vụ vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân. Ảnh: Kim Anh.

Tuyến đường thảm nhựa phẳng lì, chạy song song là kênh KH6 dẫn nước trực tiếp từ sông Hậu, qua kênh Thơm Rơm vào tận ruộng vườn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là tuyến đường thủy độc đạo hình thành cách đây hàng chục năm đưa hàng nông thủy sản của người dân ở nông trường đi tiêu thụ.

Hệ thống thủy lợi của Nông trường sông Hậu đã hình thành lâu đời, có thể nói đây là một trong những hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, điển hình nhất cả nước vào những năm 1980. Đó là niềm tự hào mà ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường sông Hậu hay kể cho du khách khi ghé thăm nông trường.

Theo tài liệu ghi chép, quá trình hình thành và phát triển của Nông trường sông Hậu, vùng đất này thuộc huyện Ô Môn cũ, nay là huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Giai đoạn năm 1954, đất đai nơi đây phần lớn bị hoang hóa, trũng phèn, lung bàu. Nông dân chủ yếu trồng lúa, dựa vào địa hình tự nhiên ở các khu vực đất gò, cặp kênh rạch tự nhiên và các vùng bảo đảm an ninh. Việc đầu tư cải tạo đồng ruộng, làm thủy lợi còn nhiều hạn chế, do đó chỉ sản xuất được 1 vụ lúa mùa nổi trong năm, năng suất thấp, bình quân 1 ha đạt không quá 1,5 tấn.

Tháng 2/1976, thực hiện chủ trương quân đội tham gia sản xuất, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu giang và Quân khu 9 thống nhất quy hoạch và thành lập nông trường với diện tích tự nhiên gần 7.000 ha, trực thuộc Tỉnh đội Hậu Giang, lấy tên là “Quyết Thắng”. Sau hơn 3 năm, diện tích nông trường bị cắt một nửa để giao cho Tiểu đoàn Tây Đô quản lý và sản xuất. Đến năm 1984, UBND tỉnh Hậu Giang quyết định sáp nhập diện tích giao cho Tiểu đoàn Tây Đô vào Nông trường sông Hậu.

Ông Phú đặt dấu mốc từ thời điểm này, Nông trường sông Hậu bắt đầu hoạt động với phương thức liên kết, hợp tác với nông dân để khai mở đất, cải tạo đồng ruộng. Liên tục nhiều năm, nông trường tiến hành thi công hệ thống kênh cấp 2, cấp 3 và nội đồng nhằm nhanh chóng tháo chua, rửa phèn. Đồng thời, đưa máy móc vào cải tạo, múc kênh, san lấp, ủi thành khoảng đồng ruộng… nhờ đó sản xuất lúa trở nên thuận lợi hơn, năng suất lúa mùa đi vào ổn định, đạt 2,5 tấn/ha.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh lúa gạo tại Nông trường sông Hậu diễn ra khá sôi động khi vào vụ. Ảnh: Kim Anh.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh lúa gạo tại Nông trường sông Hậu diễn ra khá sôi động khi vào vụ. Ảnh: Kim Anh.

Khi hệ thống thủy lợi đã được đầu tư tương đối bài bản, người dân bắt đầu sản xuất thí điểm, tăng 2 vụ lúa/năm. Khoa học kỹ thuật, giống mới cũng bắt đầu được đưa vào đồng ruộng từ năm 1995. Khi đã tự tin với cách làm này, nông trường khuyến khích người dân chuyển đổi toàn bộ diện tích sản xuất lên lúa 2 vụ, năng suất đạt 9 - 10 tấn/năm, tổng sản lượng đạt 48.000 tấn, tăng gấp 7 lần so với năm 1984.

Song song đó, giai đoạn năm 1982 - 1983, tận dụng các bờ kênh xáng, hàng triệu cây tràm, bạch đàn được nông trường trồng lên, để tạo nguồn nguyên liệu phục vụ xây dựng, chế biến đồ gỗ gia dụng và vật liệu cho người dân xây dựng nhà ở.

Thời điểm năm 1979 - 1996, máy móc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của nông trường đã đạt trên 90%. Lĩnh vực điện khí hóa trong sinh hoạt và sản xuất được quan tâm và hoàn thành vào năm 2000 với 17,2 km đường dây trung thế và 33 km đường dây hạ thế phủ khắp nông trường.

Giai đoạn năm 1982 - 1983, tận dụng các bờ kênh xáng, hàng triệu cây tràm, bạch đàn được nông trường trồng lên. Ảnh: Kim Anh.

Giai đoạn năm 1982 - 1983, tận dụng các bờ kênh xáng, hàng triệu cây tràm, bạch đàn được nông trường trồng lên. Ảnh: Kim Anh.

“Nhờ hệ thống đê bao được khép kín nhiều lớp, do chính người dân và nông trường cùng chung tay đầu tư. Vì thế việc sản xuất của bà con ở Nông trường sông Hậu rất thuận lợi, không bị ảnh hưởng của lũ. Nhiều mô hình nông nghiệp lớn đã được hình thành và phát triển”, ông Phú khẳng định thành quả của việc đầu tư cho hệ thống thủy lợi của nông trường.

Những mô hình được ông Phú đề cập đến là những trang trại nuôi heo thịt quy mô 300 tấn/năm, heo giống 1.500 con. Mô hình lúa cá trên 4.500 ha đất sản xuất lúa, sản lượng cá thịt 1.500 tấn/năm. Ngoài ra, nông trường còn sản xuất cá bột, cá giống cung cấp cho các vùng lân cận.

Từ năm 1985, nơi đây cũng đã xây dựng được nhà máy chế biến chuối sấy xuất khẩu sang thị trường Liên Xô. Lĩnh vực chế biến cũng trở thành thế mạnh, hướng đi chủ lực của nông trường với quy mô 11 phân xưởng chế biến lương thực xuất khẩu; hệ thống kho 100 ngàn tấn; 7 phân xưởng chế biến các mặt hàng nông sản, sấy, muối, đóng hộp; 2 phân xưởng mộc gia dụng với công nghệ chế biến cao cấp phục vụ nội địa và xuất khẩu; 1 nhà máy chế biến thủy hải sản.

Nơi đây từng một thời là đầu mối xuất khẩu gạo trực tiếp và nhập khẩu phân bón hàng đầu cả nước.

Vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp mời gọi nhà đầu tư

Trải qua chặng đường 44 năm nhiều thăng trầm, đổi thay, đến nay, Nông trường sông Hậu đang quản lý, sử dụng trên 6.200 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, hơn 5.600 ha đã được giao khoán sử dụng đất cho 2.568 hộ dân thực hiện sản xuất nông nghiệp.

Nếu như trước đây, phần lớn diện tích tập trung sản xuất lúa, hiện người dân ở nông trường đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao như: Xoài, nhãn, mãng cầu, mít.

Ngoài ra, nông trường hiện có hơn 300ha nuôi trồng thủy sản, nhất là cá tra làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu. Đi dọc tuyến kênh KH6, không khó để bắt gặp những chiếc ghe đục, phương tiện chuyên dùng để vận chuyển cá tra thương phẩm từ ao nuôi đến nhà máy, đậu dọc kênh. Ghe này “rục rịch” lấy hàng xong, ghe khác từ đằng xa đã bắt đầu di chuyển tới, xếp hàng chờ đợi tới lượt.

Nông trường sông Hậu còn là khu vực cung cấp nguồn nguyên liệu cá tra phục vụ các nhà máy chế biến, xuất khẩu. Ảnh: Kim Anh.

Nông trường sông Hậu còn là khu vực cung cấp nguồn nguyên liệu cá tra phục vụ các nhà máy chế biến, xuất khẩu. Ảnh: Kim Anh.

Để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, nông trường đã xây dựng các bến nông sản, kho hàng dịch vụ, phục vụ tiêu thụ hàng nông sản. Đồng thời, nơi đây còn có hệ thống lò sấy lúa công nghệ mới, máy tách hạt làm tốt dịch vụ sau thu hoạch với khả năng sấy trên 6.000 tấn lúa và tách trên 3.000 tấn hạt.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, Nông trường sông Hậu bắt đầu triển khai đầu tư khu vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái với diện tích 14ha. Đến nay đã thực hiện xong giai đoạn 1 xây dựng cơ bản, trồng nhiều loại cây ăn trái, các loại cá, nuôi ong lấy mật, khu dịch vụ ẩm thực. Hướng đến kêu gọi các nhà đầu tư liên kết, hợp tác để phát triển lĩnh vực này.

Hiện nay người dân khoán đất tại Nông trường sông Hậu để chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, có cuộc sống ổn định. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay người dân khoán đất tại Nông trường sông Hậu để chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, có cuộc sống ổn định. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường sông Hậu một lần nữa khẳng định, nông trường từ một vùng đất đi lên từ ngày đầu khai mở, đất đai chưa được cải tạo, đến hôm nay đã trở thành vùng đất trù phú, hệ thống kênh mương thủy lợi, đường giao thông thuận tiện cho sản xuất nông nghiệp, lưu thông hàng hóa, đa dạng các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Nông trường sông Hậu đã vươn lên trở thành vùng nguyên liệu lớn, tập trung, tạo động lực để người dân cùng sản xuất và làm giàu trên mảnh đất này.

Năm 2004, UBND TP Cần Thơ đã có quyết định thành lập đơn vị hành chính xã Thới Hưng trên địa bàn Nông trường sông Hậu với 8 ấp trực thuộc. Các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, hệ thống điện, đường, trường, trạm trước đây do nông trường đầu tư và quản lý được bàn giao cho địa phương tiếp tục quản lý, sử dụng và đầu tư nâng cao. Mở ra giai đoạn phát triển mới, trên cùng một địa bàn, diện tích, địa giới hành chính vừa có sự quản lý của chính quyền địa phương và có sự quản lý của doanh nghiệp Nông trường sông Hậu.

Ngày 18/12/2020 xã Thới Hưng được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao. Xã đã vận động và thành lập được nhiều hợp tác xã có tiềm lực mạnh như hợp tác xã rượu mãng cầu Thới Hưng. Xây dựng thành công nhãn hiệu nhãn Thái Thanh, trà mãng cầu Kim Nhiên…

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

PHÚ THỌ Diễn đàn phổ biến bộ giống chè chất lượng cao và yêu cầu của thị trường trọng điểm, hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.