Giữa tháng 8/2022, Tổng cục Lâm nghiệp dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN-PTNT về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, đồng thời xin ý kiến rộng rãi của các Bộ, ban, ngành, hiệp hội liên quan.
Tại Hội thảo Góp ý cho Dự thảo của Thông tư về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản ngày 16/9, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa cho biết, mục tiêu hàng đầu của thông tư mới là tạo sự thông thoáng cho việc quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Bên cạnh đó, thông tư mới cần đảm bảo hài hòa với các quy định của quốc tế.
"Dự thảo thông tư mới gồm 7 chương 40 điều và 3 phụ lục, trọng tâm là quản lý sản phẩm gỗ khai thác theo chuỗi. Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn từ Bộ NN-PTNT, ngành lâm nghiệp chủ trương quản lý chặt gỗ rừng tự nhiên, gỗ nhập khẩu, đồng thời khuyến khích xây dựng thương hiệu để truy xuất, quản lý gỗ bền vững", ông Nghĩa nói.
Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan kêu gọi sự thay đổi về tư duy ứng xử với các hiệp hội ngành hàng. Trong đó, cơ quan quản lý cần coi doanh nghiệp là đối tác đồng hành để cùng kiến tạo nên không gian phát triển chung cho toàn ngành nông nghiệp.
Điều ấy tiếp tục được Phó Tổng cục trưởng Bùi Chính Nghĩa nhắc lại khi xây dựng Dự thảo Thông tư mới. Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, ông Nghĩa hư sẽ tiếp thu ý kiến một cách rộng rãi, coi khâu phối hợp là yếu tố mang tính đột phá, góp phần giúp ngành gỗ phát triển bền vững.
Là đơn vị chủ trì xây dựng Dự thảo, Cục Kiểm lâm giới thiệu một số điểm mới trong Thông tư thay thế Thông tư 27. Đó là, thực vật rừng ngoài gỗ sẽ không bao gồm củi. Việc đo tính củi nếu đủ quy cách thì đo đếm như gỗ, bằng không sẽ đo theo đơn vị ste để đổi ra m3.
Việc xác định khối lượng cây thân gỗ phải được tính khi còn cả gốc, rễ, thân, cành lá. Thông tư cũng sẽ phân chia cụ thể các quy định dựa trên 3 loại rừng hiện nay gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, thay vì chia thành rừng trồng và rừng tự nhiên như trước.
Các loại gỗ có nguy cơ rủi ro cũng được chỉ rõ là: Gỗ khai thác từ rừng tự nhiên trong nước, gỗ nhập khẩu không thuộc vùng địa lý tích cực hoặc gỗ thuộc loại rủi ro theo quy định của Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và Phụ lục CITES khai thác từ tự nhiên...
Dựa trên định hướng này, TS. Tô Xuân Phúc, Cố vấn Forest Trend kiến nghị 2 vấn đề chính trong Dự thảo Thông tư sửa đổi.
Về xác minh nguồn gốc gỗ, ông Phúc cho rằng chính quyền địa phương cần xác nhận tính hợp pháp của chủ hộ dựa trên các diện tích đất trồng trong ngắn hạn. Trong dài hạn, cơ quan quản lý cần thực hiện cấp sổ, điều chỉnh sai sót giữa sổ và thực địa, và hợp pháp hóa những diện tích canh tác lâu năm.
"Đây không chỉ đơn thuần là việc của chủ rừng, mà còn là minh bạch hóa nguồn đầu vào cho một ngành xuất khẩu tỷ USD", ông Phúc chia sẻ.
Ý kiến thứ hai của ông Phúc, là việc sửa đổi chính sách thuế. Theo chuyên gia này, nhiều bên tham gia chuỗi sản xuất gỗ là các hộ nhỏ lẻ, hoạt động phi chính thức có doanh thu thấp hơn 1 tỷ đồng/năm, nhưng hiện họ phải chịu mức thuế khoán 1%. Ông Phúc cho rằng, con số này nên về 0% để tạo động lực sản xuất cho người dân.