Mục tiêu khóa tập huấn là đào tạo giảng viên khuyến nông về phương pháp đào tạo và kỹ năng thực hành sản xuất rau an toàn đồng thời giúp học viên sử dụng thành thạo tài liệu tập huấn để tổ chức tập huấn, chỉ đạo sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại địa phương.
Tài liệu hay
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKNQG, từ năm 2018, TTKNQG và Quỹ phát triển nông nghiệp bền vững Syngenta đã ban hành cuốn sách hướng dẫn sản xuất rau an toàn, đây là tài liệu rất hiệu quả và liên tục được sử dụng trong các lớp tập huấn cho cán bộ khuyến nông khu vực để sản xuất rau thực sự an toàn, theo hướng hữu cơ.
Bộ tài liệu được xây dựng dựa vào các văn bản quy định về VietGAP của Bộ NN-PTNT. Tài liệu đã được thử nghiệm, biên tập phù hợp với thực tiễn sản xuất, năm 2020, tài liệu này được lựa chọn tập huấn cho 12 tỉnh miền núi phía Bắc, đây là các địa phương có rất nhiều lợi thế để sản xuất rau an toàn, nhiều cơ hội để tiếp cận và hướng tới sản xuất hữu cơ.
Tại khóa học này, học viên sẽ được nhận tài liệu để sử dụng lâu dài tại địa phương sau khi kết thúc khóa học.
Nói rõ hơn về tài liệu này, ông Nguyễn Viết Khoa, Trưởng phòng Đào tạo Huấn luyện, TTKNQG cho biết, cuốn sách đã được đổi mới trên 3 góc độ, thứ nhất là nội dung, chuyển từ quản lý sang hướng dẫn để các cán bộ khuyến nông có thể chuyển giao cho nông dân một cách hiệu quả.
Thứ hai, tài liệu đưa ra được những nội dung nâng cao nhận thức, giúp nông dân thay đổi thái độ từ đó có hành động sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm, đặc biệt cuốn sách còn có phần hướng dẫn cho cán bộ khuyến nông về các nội dung cần tương tác với nông dân ở hiện trường.
Thứ ba, nội dung và hình thức của tài liệu cũng được trình bày đơn giản, dễ hiểu mặc dù có tới 8 mô đun đào tạo và 1 mô đun hướng dẫn nhưng gói gọn, sử dụng nhiều hình ảnh để có thể được sử dụng rộng rãi.
Học tập và chia sẻ
Với phương châm đào tạo khuyến nông “học đi đôi với hành”, lớp tập huấn được các giảng viên truyền đạt chia sẻ thảo luận các nội dung về lý thuyết và dành nhiều thời gian học viên thực hành tại hiện trường.
Theo chương trình học viên sẽ thực hành 1/2 thời gian khóa học thực hành sản xuất rau an toàn theo VietGAP tại HTX Tiền Lệ, Tiền Yên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
“Hôm nay, TTKNQG mời đến những chuyên gia đầu ngành nhất về sản xuất rau an toàn. Đây là cơ hội lớn vì không dễ gì các cán bộ khuyến nông có điều kiện tiếp cận với những người trực tiếp nghiên cứu, làm công nghệ như vậy.
Mục tiêu của TTKNQG là làm sao để các cán bộ khuyến nông tiếp cận được, hiểu được công nghệ để trở thành các đầu tàu, hạt nhân, tiếp tục lan tỏa, phổ biến các công nghệ này đến thực tế sản xuất”, ông Lê Quốc Thanh cho biết.
Theo Giám đốc TTKNQG, các cán bộ khuyến nông ngày càng phải nâng cao năng lực và một trong những phương pháp hiệu quả là tham gia các lớp tập huấn như hôm nay, để tiếp cận với các công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, chuyên gia đầu ngành.
Chia sẻ thêm về lớp tập huấn này, ông Đào Xuân Cường, Giám đốc Quỹ Syngenta cho biết, đơn vị này xác định cần xây dựng một dự án sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở Việt Nam, sau đó có thể mở rộng sang cây ăn quả.
“Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt không chỉ giúp người nông dân nâng cao thu nhập mà còn mang đến an toàn cho sản phẩm, phục vụ cho tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.
Hiện nay, Việt Nam đã làm tốt được vấn đề an ninh lương thực nhưng an toàn trong lương thực, thực phẩm cũng rất quan trọng, đặc biệt là rau quả, mặt hàng rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không kiểm soát tốt dư lượng chất bảo vệ thực vật”, ông Đào Xuân Cường phân tích.
Đến nay, Quỹ Syngenta đã có 8 năm kinh nghiệm trong triển khai đảm bảo thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất rau tại Thanh Trì và Hoài Đức.
Từ đó, Quỹ đã cho ra đời 2 sản phẩm, đầu tiên là mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP tại Hoài Đức và Thanh Trì, thứ 2 là hợp tác với TTKNQG biên soạn, in ấn và chuyển giao cho 63 tỉnh thành tài liệu hướng dẫn. Trong đó, tài liệu đã phản ánh được những kiến thức cơ bản về VietGAP, kỹ thuật, chủ trương, chính sách.
“Chúng tôi hy vọng qua lớp tập huấn này, các cán bộ khuyến nông 12 tỉnh miền núi phía Bắc sẽ tìm hiểu kỹ tài liệu và sau đó tiếp tục đào tạo đội ngũ khuyến nông, nông dân địa phương trên cơ sở đã được học”, người đứng đầu Quỹ Syngenta chia sẻ thêm.
Trong những năm gần đây, công tác đào tạo huấn luyện khuyến nông đã được TTKNQG không ngừng được đổi mới cả về nội dung và phương pháp để đáp ứng ưu cầu mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác PPP để huy động nguồn lực đầu tư khuyến nông, trong đó đầu tư vào đào tạo chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân là một trong những nội dung ưu tiên.