Không để những hạn chế, khó khăn cản bước
Xác định Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” là chương trình phát triển kinh tế trọng tâm, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, 2 năm qua, các cấp, các ngành của thị xã Long Mỹ đã vào cuộc mạnh mẽ, người dân đồng lòng ủng hộ, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tích cực tham gia.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ những hạn chế, vướng mắc. Điều đáng mừng là những hạn chế, vướng mắc này đã được các cấp, các ngành và doanh nghiệp tập trung tháo gỡ. Nhờ đó, chương trình xây dựng sản phẩm OCOP của thị xã đã đạt kết quả quan trọng bước đầu.
Ở thị xã Long Mỹ trong quá trình triển khai chương trình cũng đã cho thấy những bất cập, hạn chế, cũng như các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đó là, sản phẩm đặc trưng của các địa phương nhiều, nhưng sản xuất chủ yếu vẫn mang tính tự phát, theo phương thức thủ công. Chất lượng, quy cách mẫu mã sản phẩm hạn chế, thiếu sức cạnh tranh. Nhận thức của người sản xuất về việc tham gia chương trình OCOP, dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều chủ thể chưa hiểu được ý nghĩa và lợi ích của việc xây dựng và phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP.
Không để những hạn chế, khó khăn nói trên cản bước, phường Bình Thạnh đã tổ chức khảo sát, đánh giá để chọn ra những sản phẩm có tiềm năng. Sau đó chủ động liên hệ để tuyên truyền cho các chủ thể hiểu được vai trò, ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của chương trình này, từ đó khơi dậy ý chí tự tin, sáng tạo của người dân và cộng đồng khi tham gia OCOP. Nhờ vậy mà Bình Thạnh là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất của thị xã Long Mỹ.
Ông Võ Hoàng Kiếm - Chủ tịch UBND phường Bình Thạnh chia sẻ: Với lợi thế về điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp, năm 2021 phường Bình Thạnh đã có 5 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh. Để làm được việc này, chúng tôi đã đồng hành cùng các chủ thể hoàn tất các thủ tục cần thiết trước khi đưa ra hội đồng đánh giá”.
10 sản phẩm OCOP cấp tỉnh
Đến nay, toàn thị xã đã có 10 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 2 sản phẩm đạt 4 sao là gạo sạch Liên Hưng (giống lúa OM 5451) và gạo sạch Liên Hưng (giống lúa Đài thơm 8), có 8 sản phẩm đạt 3 sao là kẹo đậu phộng Tân Mỹ, bánh hạnh nhân Tân Mỹ, mứt mãng cầu, chả cá thát lát nguyên chất; cá thát lát tẩm gia vị; cá thát lát rút xương và chả cá thát lát cuộn.
Cơ sở thu mua và chế biến cá thát lát ở khu vực Bình Hoà, phường Vĩnh Tường là đơn vị đầu tiên có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh với sản phẩm cá thát lát tẩm gia vị. Là thương hiệu đã quen thuộc với người dân thị xã Long Mỹ hơn 10 năm qua, trong những năm gần đây cơ sở đã trở mình mạnh mẽ bằng việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ vậy mà món cá thát lát tẩm gia vị của cơ sở anh được công nhân sản phẩm OCOP 3 sao.
Anh Võ Đình Chiến - chủ Cơ sở thu mua và chế biến cá thát lát phấn khởi nói: “Nếu như trước khi chưa được công nhận sản phẩm OCOP thì bình quân mỗi tháng cơ sở chỉ tiêu thụ khoảng 200-300kg cá thát lát, còn bây giờ thì số lượng tăng lên gấp 2 lần và dự kiến vào dịp tết này sản lượng tăng gấp 3 lần so với thời điểm bình thường”
Nhận thấy việc tham gia vào chương trình OCOP sẽ là cơ sở để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn nhằm từng bước đổi mới và hoàn thiện sản phẩm, nhất là về bao bì, mẫu mã, chị Nguyễn Thị Phương Hà, chủ cơ sở nuôi và chế biến cá thát lát Ngọc Như Ý, cũng đã tích cực tham gia. Thời gian qua, chị từng bước hoàn thiện nâng cao chất lượng một số sản phẩm như: cá thát lát tẩm gia vị, cá thát lát rút xương, chả cá thát lát nguyên chất và chả cá thát lát cuộn...
Điều đáng phấn khởi là vào đầu tháng 12 vừa qua cơ sở có 4 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao là chả cá thát lát nguyên chất; cá thát lát tẩm gia vị; cá thát lát rút xương và chả cá thát lát cuộn. Khi được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, sản phẩm chế biến từ cá thát lát của cơ sở chị ngày càng có sức hút trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng chọn lựa.
Chị Hà phấn khởi nói: “Thời gian qua sản phẩm của cơ sở tôi đã có mặt ở một số tỉnh thành miền Bắc và miền Trung. Sau khi được cán bộ chuyên môn huyện hướng dẫn, định hướng tham gia chương trình OCOP, tôi nhận thấy đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường như mong muốn của mình. Tôi đã tham gia và được hỗ trợ nhiều mặt thủ tục, giấy tờ, kiểm nghiệm,… Đến nay, sản phẩm của tôi đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP và hy vọng sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP sản phẩm của cơ sở sẽ có mặt ở khắp mọi miền đất nước”
Nếu như năm 2020, thị xã Long Mỹ chỉ mới có duy nhất 1 sản phẩm đạt chuẩn OCOP thì năm 2021 này, thị xã Long Mỹ có thêm 9 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Như vậy, sau thời gian chăm bồi và thực hiện nhiều công việc liên quan cho những sản phẩm tiềm năng thì thị xã đã có 10 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh. Tới đây địa phương tiếp tục vận động người dân đẩy mạnh sản xuất nông sản sạch nhằm tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và theo định hướng của Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra.
Ông Trịnh Minh Tình – Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ cho biết: “Thời gian tới, phòng sẽ cùng các đơn vị liên quan đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm đã được công nhận. Xây dựng điểm giới thiệu, bán hàng, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, thị xã tiếp tục lựa chọn những sản phẩm tiềm năng vượt trội để tiến lên trở thành thương hiệu OCOP tiếp theo. Với những giải pháp đồng bộ, mong muốn rằng sản phẩm của người dân làm ra được nâng tầm chất lượng, vừa tăng thu nhập cho người sản xuất và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển”
Bằng những giải pháp cụ thể, sự quyết tâm của ngành chức năng và người dân, thị xã Long Mỹ đã hoàn thành mục tiêu Chương trình OCOP đề ra. Việc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Tỉnh Hậu Giang đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình OCOP theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, để chương trình trở thành động lực kinh tế trọng tâm ở nông thôn. Phát triển vùng sản xuất chuyên canh. Đẩy mạnh thâm canh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới giống cây trồng, tiếp tục phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức chú trọng thực hiện xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đạt từ 3-5 sao.