| Hotline: 0983.970.780

Thành quả và nhiệm vụ đột phá cho năm 2022

Thứ Tư 15/12/2021 , 07:51 (GMT+7)

Năm 2022, trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hậu Giang phấn đấu giữ vững các thành quả đã đạt được và đặt ra nhiều mục tiêu nhiệm vụ đột phá.

Trên 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và tình hình kinh phí còn khó khăn ở những ngày đầu năm nhưng xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả phấn khởi, đáng khích lệ. Theo Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hậu Giang, đến nay, UBND tỉnh đã công nhận 2 xã đạt chuẩn NTM (Đông Phước, huyện Châu Thành và Tân Long, huyện Phụng Hiệp.

Lũy kế, số xã đạt chuẩn NTM được công nhận là 34/51 xã. Ước thực hiện đến cuối năm là 36/51 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 70,59%) tăng 4 xã so với cuối năm 2020 và đạt 100% kế hoạch năm 2021, đạt 200% so với Nghị quyết HĐND tỉnh.

Cảnh quang môi trường sạch đẹp tại các xã NTM. Ảnh: MĐ.

Cảnh quang môi trường sạch đẹp tại các xã NTM. Ảnh: MĐ.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã giữ vững thành quả xây dựng NTM trong năm qua. Không dừng ở đó, tại các xã đã được công nhận NTM, các địa phương cũng tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí, nâng cao đời sống nhân dân. Đến thời điểm này, UBND tỉnh cũng đã công nhận thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đó là các xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh) và Trường Long Tây (huyện Châu Thành A), nâng số xã đạt chuẩn NTM nâng trên toàn tỉnh là 5 xã.

Từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh Hậu Giang sẽ công nhận thêm 2 xã. Mục tiêu cuối năm, toàn tỉnh có 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, tăng 4 xã so với cuối năm 2020 và đạt 100% kế hoạch năm 2021, đạt 100% so với Nghị quyết HĐND tỉnh).

Đến nay, số tiêu chí bình quân/xã đạt 16,9 tiêu chí/xã. Dự kiến cuối năm đạt 17,7 tiêu chí/xã. Bên cạnh đó, UBND tỉnh có kế hoạch công nhận ấp Ba Ngàn A, xã Đại Thành, TP. Ngã Bảy là ấp đạt chuẩn ấp NTM kiểu mẫu

Bên cạnh xây dựng NTM, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP cũng đã mang lại nhiều kết quả tích cực, ấn tượng. Các sản phẩm OCOP đã phát huy tính hiệu quả từ thương hiệu của chương trình, mang lại thu nhập ổn định cho đời sống của một bộ phận nông hộ tham gia. Từ đó, tạo nên sự bền vững trong xây dựng NTM của địa phương.

Hiện tỉnh Hậu Giang đã có 66 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm 32 sản phẩm đạt 4 sao và 34 sản phẩm đạt 3 sao. Cuối năm nay, tỉnh Hậu Giang phấn đấu công nhận ít nhất 19 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao. Lũy kế số sản phẩm công nhận trong năm 2021 là 40 sản phẩm. Đồng thời, hoàn thiện 2 hồ sơ dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của trung ương. Đó là sản phẩm chanh không hạt và bưởi năm roi của HTX trái cây sinh học OCOP.

Đạt được những kết quả đáng khích lệ, phấn khởi như trên bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ - UBND tỉnh còn có sự nỗ lực phấn đấu quyết tâm của các địa phương, nhất là các địa phương có xã phấn đấu hoàn thành NTM và NTM nâng cao trong năm 2021. Ông Huỳnh Thành Hữu, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hậu Giang đánh giá:

“Các địa phương đã tranh thủ thực hiện các tiêu chí mềm như: Cảnh quang môi trường, bảo hiểm y tế, an ninh trật tự và tích cực vận động người dân tham gia các phần việc của hộ gia đình. Dù khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, nguồn vốn chưa phân bổ nhưng ngành vẫn cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch. Người dân rất hài lòng rất cao về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đối với các xã được công nhận”.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, tỉnh cũng ghi nhận các hạn chế để từ đó rút kinh nghiệm, định hướng lại cách làm trong thời gian tới. Cũng theo ông Huỳnh Thành Hữu, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, giám sát NTM ít diễn ra.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tập huấn đến nay vẫn chưa được thực hiện. Đồng thời, nguồn vốn NTM năm 2021 từ trung ương chưa được phân bổ gây khó khăn cho các địa phương. Đặc biệt là trong thực hiện các tiêu chí cứng. Cùng với đó, công tác phối hợp báo cáo của các sở, ngành, địa phương chưa được thường xuyên, chậm tiến độ. Còn đối với các xã đã đạt chuẩn NTM các năm trước thì việc kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên…

Đến nay, tỉnh Hậu Giang đã có 66 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh. Ảnh: TL.

Đến nay, tỉnh Hậu Giang đã có 66 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh. Ảnh: TL.

Năm 2022: Phấn đấu thêm 3 xã về đích NTM, 3 xã NTM nâng cao

Bước sang năm 2022, được dự báo có những thách thức khó lường từ dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Ông Huỳnh Thành Hữu, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hậu Giang cho biết: “Tỉnh tiếp tục thực hiện theo chỉ tiêu quy định của Trung ương giao. Trong đó, chú trọng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa và cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và chất lượng sống của dân cư nông thôn. Đồng thời, tiếp tục giữ vững và nâng chất đối với các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và huyện đạt chuẩn NTM, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM”.

Văn phòng sẽ chủ động phối hợp các huyện xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ thực hiện tiêu chí của các xã. Ưu tiên cho các xã nằm trong kế hoạch đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đặc biệt, chú trọng đến các tiêu chí số 10 về thu nhập, số 11 về hộ nghèo, số 13 về tổ chức sản xuất và số 17 về môi trường. Nhất là cố gắng phấn đấu hoàn thành công nhận các xã NTM, nâng cao, kiểu mẫu theo kế hoạch trước quý IV.

Bên cạnh đó, Văn phòng sẽ chủ động phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố phát triển các sản phẩm OCOP tiềm năng ở nhóm sản phẩm về dịch vụ du lịch cộng đồng và nhóm hàng thủ công mỹ nghệ.

Trong năm 2022, UBND tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu công nhận thêm 3 xã NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 39 xã đạt 76,47%; công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao lên 10 xã; công nhận mới 1 xã NTM kiểu mẫu. Số tiêu chí NTM bình quân toàn tỉnh đạt 17,9 tiêu chí/xã. Tỉnh cũng có kế hoạch công nhận thêm 30 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao, nâng tổng số sản phẩm toàn tỉnh lên 116 sản phẩm. Cùng với đó, phấn đấu 2 hồ sơ đăng ký dự thi sản phẩm OCOP trung ương.

Đa dạng các hình thức tuyên truyền

Để thực hiện tốt những mục tiêu đó, trong đó có nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đột phát, UBND tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp thực hiện. Cũng theo ông Huỳnh Thành Hữu, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng NTM đến cơ sở.

Nhất là, đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, trên trang, cổng thông tin điện tử và các hình thức tổ chức (hội nghị, hội thảo, hội thi,…).

 Bên cạnh đó, tỉnh cũng phát động phong trào thi đua “Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn Minh” và phong trào “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”.

Song song với quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, tỉnh cũng sẽ thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp để đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thường xuyên, liên tục, thông suốt và hiệu quả.

 Mặc khác, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trên cơ sở tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương OCOP theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, để chương trình trở thành động lực kinh tế trọng tâm ở nông thôn.

 Tỉnh cũng xác định kinh tế hợp tác là một thành phần kinh tế quan trọng vực dậy kinh tế khu vực nông thôn. Do đó, tỉnh chú trọng phát triển kinh tế hợp tác, HTX nhanh về số lượng, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Cuối cùng, lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế thông qua các chương trình, dự án về nông nghiệp, nông thôn. Nhất là, nguồn vốn Trung ương phân bổ cho Chương trình và ngân sách địa phương để tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn theo chuẩn NTM, NTM nâng cao ở các xã.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.