| Hotline: 0983.970.780

Tàu cá nằm bờ, nhà máy chế biến đói nguyên liệu

Thứ Tư 15/09/2021 , 06:23 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Do dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ phải ngưng hoạt động, khiến các nhà máy chế biến đói nguyên liệu, phải tạm dừng hoạt động.

Ngư dân nằm bờ do ảnh hưởng dịch Covid-19

Hơn 2 tháng nay, 5 tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Lê Văn Tèo ở phường Xương Huân, TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã phải nằm bờ do thời gian qua TP Nha Trang thực hiện giãn cách xã hội.

Nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ ở Khánh Hòa nằm bờ tại vùng nước trước cảng Hòn Rớ. Ảnh: KS.

Nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ ở Khánh Hòa nằm bờ tại vùng nước trước cảng Hòn Rớ. Ảnh: KS.

Ngư dân Tèo cho biết, do tàu nằm bờ lâu ngày nên đời sống của ngư dân gặp nhiều khó khăn, bởi thu nhập chủ yếu dựa vào nghề biển để kiếm sống. Với các chủ tàu, thời điểm này càng khó khăn hơn, dù không có thu nhập song phải lo tiền trả nợ, một mặt còn phải lo cho các thuyền viên ứng tiền để trang trai cuộc sống. Nếu chủ tàu không giúp các bạn thuyền thì sau dịch sẽ khó kiếm được lao động đi đánh bắt.

Thời gian qua, tình cảnh chung rất nhiều tàu cá của tỉnh Khánh Hòa không thể vươn khơi do phải thực hiện giãn cách xã hội. Như 32 tàu của Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng, TP Nha Trang đã nằm bờ vài tháng nay.

Ngư dân Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng, TP Nha Trang cho biết, trước khó khăn do tàu nằm bờ không có thu nhập, vừa qua ông và nhiều ngư dân đã làm đơn gửi lên cơ quan chức năng xem xét để được hưởng chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, ông cũng như nhiều ngư dân hi vọng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi, chính quyền sớm tạo điều kiện để ngư dân bám biển trở lại, ổn định cuộc sống. Đặc biệt hiện vụ đánh bắt cá ngừ đại dương đang sắp vào mùa.

 Theo ông Lữ Thanh Phong, Trưởng phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa), số tàu cá hoạt động vùng khơi trong thời gian qua chỉ khoảng 40 - 80 tàu (trong tổng số 746 tàu cá đánh bắt xa bờ toàn tỉnh). Tổng sản lượng hải sản khai thác 8 tháng năm 2021 toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 56.260 tấn, giảm 6,7 % so với cùng kỳ năm 2020.

Thời gian qua, cảng cá Hòn Rớ đã phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: KS.

Thời gian qua, cảng cá Hòn Rớ đã phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó thời gian qua, hoạt động thu mua thủy hải sản cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi Khánh Hòa chỉ có cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang) được chỉ định xác nhận nguồn gốc thuỷ sản theo quyết định của Bộ NN-PTNT. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 nên phải tạm dừng hoạt động cảng cá Hòn Rớ để phòng, chống dịch, khiến việc thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp tại cảng cũng tạm ngưng.

Trước tình hình đó, các tàu cá xa bờ trong tỉnh đã được hướng dẫn thay đổi lộ trình về cảng cá Đá Bạc (TP Cam Ranh) hoặc các cảng cá khác để lên cá, nên các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không thực hiện được xác nhận nguồn gốc thuỷ sản.

Theo một doanh nghiệp thu mua cá ở cảng cá Đá Bạc, thời gian qua, ngoài cá ngừ đại dương vẫn duy trì thu mua ở mức 110 - 120 ngàn đồng/kg, còn lại giá các loại cá khác đều giảm 20 - 30% so với bình thường.

Trong khi đó, các chủ tàu cho biết, chi phí cho mỗi chuyến biển ngày càng tăng cao, cụ thể tàu câu cá ngừ đại dương tăng 15%, tàu lưới rê khơi tăng 25% so với các chuyến biển trước. Do đó, nhiều tàu cá không đủ kinh phí để duy trì chuyến biển đã tạm ngưng hoạt động khai thác, nằm bờ hoặc chờ chuyển nhượng. Từ đó việc thu mua nguyên liệu chế biến của các doanh nghiệp và tiêu thụ nội địa cũng giảm theo.

Theo ghi nhận chúng tôi, tại vùng nước trước cảng Hòn Rớ hiện rất nhiều tàu cá nằm bờ. Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban quản lý cảng Hòn Rớ, có hơn 200 tàu hoạt động nghề câu cá ngừ đại dương, lưới rê trong tỉnh không thể vươn khơi đánh bắt, do thời gian qua phải thực hiện giãn cách, phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19.

Nhiều nhà máy chế biến ngưng hoạt động

Theo thống kê, toàn tỉnh Khánh Hòa có 149 cơ sở sản xuất chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa và 57 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu được Bộ NN-PTNT cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành.

Các nhà máy chế biến thủy hải sản ở Khánh Hòa đa số phải dừng hoạt động, số còn hoạt động thì chỉ cầm chừng do thiếu nguyên liệu. Ảnh: ĐT.

Các nhà máy chế biến thủy hải sản ở Khánh Hòa đa số phải dừng hoạt động, số còn hoạt động thì chỉ cầm chừng do thiếu nguyên liệu. Ảnh: ĐT.

Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, hiện nhiều nhà máy chế biến trên địa bàn phải tạm ngưng hoạt động, bởi một phần thiếu nguyên liệu và việc áp dụng biện pháp “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” đã đấy chi phí sản xuất tăng cao.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng không có lao động để làm. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến thủy sản chủ yếu duy trì hoạt động cầm chừng hoặc giải quyết các đơn hàng cũ đã ký từ trước là chính.

Ông Huỳnh Đắc Trí, Giám đốc Công ty TNHH T&H Nha Trang, một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản cũng xác nhận thông tin trên và cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nhất đến chuỗi cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến do các tàu cá không thể vươn khơi đánh bắt.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển lưu thông hàng hóa, tìm xe chở hàng cũng khó khăn. Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” nên đẩy chi phí tăng từ 20 - 30% so với trước đây. Thêm vào đó, cước tàu biển vận chuyển hàng hóa cũng tăng mạnh, trước đây 1 container đi Châu Âu và Mỹ tầm khoảng 2.000 - 2.500 USD, giờ tăng lên tới 12.000 -13.000 USD.

“Hiện thị trường xuất khẩu thủy sản sang Mỹ và Châu Âu… vẫn ổn định. Khách hàng đặt rất nhiều nhưng các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải ngưng hoạt động, không có đủ nguyên liệu để giao. Như các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp ở Suối Dầu theo tôi được biết phải khoảng 70 - 80% tạm ngưng hoạt động”, ông Trí chia sẻ.

Chế biến cá ngừ đại dương của Công ty TNHH T&H Nha Trang. Ảnh: ĐT.

Chế biến cá ngừ đại dương của Công ty TNHH T&H Nha Trang. Ảnh: ĐT.

Đối với Công ty TNHH T&H Nha Trang, suốt thời gian qua vẫn duy trì hoạt động “3 tại chỗ” nhờ chủ động nguyên liệu thu mua trong nước, cùng với nguyên liệu đông lạnh được nhập khẩu từ trước. Tuy nhiên, hiện công ty này cũng chỉ duy trì hoạt động khoảng 40 - 50% công suất so với bình thường.

Để tháo gỡ, đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu thủy sản, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho rằng, cần khẩn trương ưu tiên tiêm vacxin cho lao động trong ngành thủy sản (khai thác, chế biến, nuôi trồng, dịch vụ…) để đảm bảo an toàn tham gia hoạt động sản xuất. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông hàng hóa và có chính sách tín dụng giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Đối với tỉnh Khánh Hòa, cần sớm xem xét có phương án phù hợp để các cảng cá và các doanh nghiệp (chế biến, thu mua…) sớm trở lại hoạt động sản xuất.

Phú Yên: Nỗ lực không để đứt gãy cung - cầu thủy sản

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện toàn tỉnh thường xuyên có trên 313/655 tàu khai thác vùng khơi. Số tàu khơi tạm thời không khai thác vì đang lên đà sửa chữa, chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo.

Ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng tàu cá Phú Yên vẫn bám biển khai thác nhiều hơn so với cùng kỳ. Ảnh: Kim Sơ.

Ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng tàu cá Phú Yên vẫn bám biển khai thác nhiều hơn so với cùng kỳ. Ảnh: Kim Sơ.

Việc tàu cá nằm bờ nhiều để sửa chữa vào các tháng 6, 7, 8 năm nào cũng diễn ra vì các tháng này gió Tây Nam mạnh, khai thác không hiệu quả. Nhìn chung, tuy ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng tàu cá Phú Yên vẫn bám biển khai thác nhiều hơn so với cùng kỳ. Đặc biệt năm nay Phú Yên được mùa cá nục nên chuỗi cung ứng được duy trì và kịp thời đưa trên 3.666 tấn thủy sản các loại đến người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, để duy trì chuỗi khai thác – cung ứng thủy sản, hiện ngành nông nghiệp phối hợp các lực lượng của BCH Bộ đội Biên phòng, Công an, chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa bảo vệ 4 cảng cá loại II của tỉnh là “vùng xanh”.

Cùng với đó, tổ chức xét nghiệm, tiêm vacxin cho công chức, viên chức, người lao động thường xuyên làm việc tại các cảng cá, các tài xế vận chuyển thủy sản, các thuyền viên tàu đánh bắt hải sản...

Từ đó giúp ngư dân có thể tiếp tục ra khơi trong bối cảnh dịch bệnh nhằm đảo bảo nguồn cung hải sản đánh bắt trong thời gian tới. Về lâu dài, tỉnh sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư kho lạnh tại cảng cá, nhà máy chế biến để bảo quản, dự trữ thủy sản khi có các sự cố tương tự như dịch bệnh Covid-19 nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho nhu cầu trong nước cũng như chế biến, xuất khẩu.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.