| Hotline: 0983.970.780

Tây Nguyên cần lấy nông lâm nghiệp làm bệ đỡ phát triển kinh tế

Thứ Sáu 01/07/2022 , 15:25 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên lấy phát triển nông lâm nghiệp là bệ đỡ với các sản phẩm đặc thù, chất lượng để phát triển kinh tế.

Sáng 1/7 tại Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020; định hướng các nhiệm vụ và giải pháp nhằm xây dựng, phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị đã lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học về các quan điểm, định hướng phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Dương Giang.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Dương Giang.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên thời gian qua đạt kết quả khá toàn diện: Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 nghàn tỉ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002. GRDP bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt 7,98%, cao nhất trong các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng/người/năm, gấp 10,6 lần năm 2002. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ.

Công nghiệp phát triển nhanh, đạt tốc độ tăng trưởng 12,79%, cao hơn bình quân cả nước (11,54%). Đóng góp của khu vực công nghiệp tăng từ 11,58% năm 2002 lên 17,98% năm 2020. Công nghiệp tập trung vào thủy điện, chế biến nông sản, vật liệu xây dựng, khai khoáng.

Nông nghiệp trở thành vùng sản xuất nông sản lớn, nhiều mặt hàng chiến tỷ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2002 - 2020 đạt 5,5%, cao hơn bình quân cả nước và cao nhất trong các vùng kinh tế - xã hội.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng gần 2 lần, từ 1,4 tỷ USD năm 2010 lên 2,47 tỷ USD năm 2020. Tốc tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2002 - 2020 đạt 19%/năm, cao hơn bình quân cả nước và cao nhất các vùng.

Nông nghiệp Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất nông sản lớn, nhiều mặt hàng chiến tỷ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước. Ảnh: NNVN.

Nông nghiệp Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất nông sản lớn, nhiều mặt hàng chiến tỷ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước. Ảnh: NNVN.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm khá (từ 18,5% năm 2016 xuống 11% năm 2020); các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai hiệu quả, góp phần cải thiện căn bản đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Làm tốt công tác dân tộc, nâng cao ý thức đoàn kết, tính tự lực trong phát triển sản xuất, giảm nghèo.

Bên cạnh đó, còn một số hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức như: Phát triển kinh tế của vùng chưa bền vững, tăng trưởng kinh tế chậm lại trong giai đoạn 2011 - 2020 so với cả giai đoạn 2002 - 2020; quy mô GRDP của vùng thấp nhất trong các vùng kinh tế - xã hội. Các tỉnh Tây Nguyên chưa tự cân đối được ngân sách địa phương.

GRDP bình quân đầu người thấp nhất trong các vùng. Khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân tộc có xu hướng gia tăng. Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo cao.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ trướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những thành tích mà các tỉnh Tây Nguyên đạt được.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, Tây Nguyên vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng là do cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; đầu tư chưa tương xứng, thể chế chưa giải quyết hết những vướng mắc của Tây Nguyên; quy hoạch phát triển địa phương và vùng chưa được xây dựng, thực hiện kỹ lưỡng; tính tự lực, tự cường chưa được phát huy...

Nông nghiệp tại Tây Nguyên giai đoạn 2002 - 2020 đạt 5,5%, cao hơn bình quân cả nước và cao nhất trong các vùng kinh tế - xã hội. Ảnh: Quang Yên.

Nông nghiệp tại Tây Nguyên giai đoạn 2002 - 2020 đạt 5,5%, cao hơn bình quân cả nước và cao nhất trong các vùng kinh tế - xã hội. Ảnh: Quang Yên.

Theo Thủ tướng, phát triển Tây Nguyên phải đảm bảo nhanh, bền vững, hài hòa; lấy con người là mục tiêu, trung tâm, là động lực phát triển, lấy văn hóa là nền tảng; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu phát triển Tây Nguyên phải phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là điểm đến đặc sắc thu hút khách du lịch; hệ sinh thái được bảo tồn, an ninh nguồn nước được đảm bảo; an ninh chính trị ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện.

Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; xây dựng quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc dựa trên yếu tố đặc trưng là con người, văn hóa, truyền thống lịch sử, đất, nước và rừng của Tây Nguyên; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Ảnh: Quang Yên.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Ảnh: Quang Yên.

Cũng theo Thủ tướng, các địa phương phải nghiên cứu cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, đặc biệt chú trọng ngành nông, lâm nghiệp và du lịch. Lấy phát triển nông lâm nghiệp là bệ đỡ với các sản phẩm đặc thù, có chất lượng và giá trị cao; du lịch là đột phá gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển các điểm đến du lịch quốc gia và đô thị du lịch quốc tế.

Tập trung nâng cao tiềm lực phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, du lịch, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát huy nguồn lực đất đai trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với vị trí chiến lược của Tây Nguyên với cả nước; đảm bảo quỹ đất sản xuất cho người dân, trong đó có đồng bào di dân tự do; xử lý có hiệu quả quản lý đất đai các nông - lâm trường.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị; đề xuất ban hành Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xem thêm
Ông Lại Thế Nguyên nêu vấn đề 'căn cốt' để phát triển nông nghiệp Thanh Hóa

Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Mức sinh ở Việt Nam giảm 3 năm liên tiếp, dự báo tiếp tục giảm

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết 3 năm liên tiếp mức sinh ở Việt Nam giảm với tốc độ nhanh chóng, đây là mức thấp nhất trong lịch sử.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.