Theo Ban Quản lý (BQL) Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, vào cuối tháng 11/2023, Đội Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng Suối Bà Chiêm thuộc BQL đã phát hiện tàu hút cát không số hiệu (không rõ doanh nghiệp) tại khu vực giáp ranh với Tiểu khu 58, gây sạt lở đất. Tại thời điểm này, mực nước hồ Dầu Tiếng dâng cao nên việc xác định mức độ sạt lở như độ sâu, diện tích… rất khó khăn.
Ngày 1/3/2024, BQL đã tổ chức kiểm tra thực tế và đo đạc tại khu vực khoảnh 8, 9, 10, Tiểu khu 58. Kết quả, toàn bộ diện tích đất sạt lở nằm ngoài ranh giới đất do BQL quản lý, chỗ sạt lở gần ranh giới rừng phòng hộ nhất là 10m, chỗ sạt lở xa nhất là 55m.
Ông Phạm Chí Trung - Trưởng BQL Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, BQL vừa có báo cáo gửi Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh. Theo đó, vụ việc tàu hút cát tại khu vực khoảnh 8, 9, 10, Tiểu khu 58 gây sạt lở đất đã được lực lượng bảo vệ rừng tuần tra, phát hiện từ cuối tháng 11/2023.
Tuy nhiên, do đây là thời điểm cuối năm, Đội Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng Suối Bà Chiêm tập trung thực hiện công tác kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục lâm sinh, chuẩn bị cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô nên công tác tuần tra, kiểm tra khu vực này chưa được thường xuyên; việc nắm bắt thông tin, báo cáo của BQL chưa kịp thời.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, trước đây từng có sự chồng lấn trong việc xác định ranh giữa đất bán ngập thuộc hồ Dầu Tiếng và đất rừng phòng hộ; nay đã có sự phân định ranh tương đối rõ ràng trên bản đồ. Khu vực bị sạt lở hiện nay nằm trên vùng đất bán ngập chưa thuộc BQL Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng quản lý, tuy nhiên, đã có ảnh hưởng tới một số cây trong thảm thực vật mọc tại khu vực này, về lâu dài có thể ảnh hưởng tới rừng.
“Rừng phòng hộ là rừng trên cạn, tàu bơm hút cát hoạt động dưới nước và có tiến vào gần bờ. Vấn đề ở đây là tàu không số hiệu, bơm hút cát ngoài phạm vi được cấp phép, cơ quan chức năng đã xác định hoạt động trên là trái phép, hậu quả của việc này là gây sạt lở đất và ảnh hưởng đến một số cây mọc tự nhiên trên thảm thực vật như đã nêu. Về phân định chức năng, Sở NN-PTNT không quản lý các tàu khai thác cát. Nhưng trên thực tế, tàu hút cát đã tiến vào gần bờ nên sắp tới, Sở sẽ phối hợp chính quyền địa phương quản lý thật tốt địa bàn được giao”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.
Với vai trò là chủ hồ, ông Trần Quang Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Miền Nam cho biết, Công ty đã thành lập tổ công tác, chủ động kiểm tra, giám sát, phối hợp các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý những tàu khai thác cát trái phép, bảo đảm trật tự và an toàn công trình thuỷ lợi quan trọng cấp đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia.
Thời gian tới, kiến nghị chính quyền địa phương các tỉnh giáp ranh khu vực trên tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp theo quy chế phối hợp đã ký kết, nhằm lập lại trật tự về khai thác khoáng sản tại đoạn sông Sài Gòn qua địa bàn các tỉnh liên quan.