Mô hình xã nông thôn mới thông minh tại xã Trường Đông sẽ triển khai trên ba hợp phần: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, với mục tiêu tạo ra một môi trường sống hiện đại, thuận tiện cho người dân, đồng thời phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương trong thời kỳ chuyển đổi số.

Một góc trung tâm hành chính xã Trường Đông.
Đề án sẽ được thực hiện trong năm 2025, với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng, trong đó, vốn trung ương hơn 4,4 tỷ đồng còn lại là nguồn xã hội hóa giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách địa phương, đồng thời thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng. UBND xã Trường Đông sẽ là đơn vị chủ trì thực hiện Đề án, phối hợp với các cơ quan chuyên môn để triển khai các hạng mục công việc theo đúng kế hoạch và đảm bảo hiệu quả.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh, với việc triển khai Đề án này, xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng trong việc ứng dụng công nghệ vào phát triển nông thôn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh Tây Ninh. Mô hình thí điểm này sẽ tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của các xã khác trong tỉnh trong thời gian tới.

Mô hình thí điểm này sẽ tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển nông thôn mới của các xã khác của tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.
“Mục tiêu của Đề án là ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại xã Trường Đông, góp phần vào chiến lược phát triển nông thôn mới bền vững và đồng đều giữa khu vực nông thôn và thành thị”, ông Trương Tấn Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh.