| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 19/12/2012 , 09:26 (GMT+7)

09:26 - 19/12/2012

Tết buồn của nông dân!

Tết dương lịch đã cận kề, Tết Nguyên đán cũng không còn xa nhưng ước mong một cái tết đầy đủ, đầm ấm của nhiều bà con nông dân năm nay có lẽ khó thành hiện thực.

Tết dương lịch đã cận kề, Tết Nguyên đán cũng không còn xa nhưng ước mong một cái tết đầy đủ, đầm ấm của nhiều bà con nông dân năm nay có lẽ khó thành hiện thực.

Những tháng cuối năm, thời điểm mà lẽ ra việc buôn bán, thu mua các mặt hàng nông sản phải trở nên sôi động và nhộn nhịp nhất thì liên tiếp những thông tin “được mùa mất giá”, thậm chí là cả “mất mùa, mất giá” xuất hiện đã phủ một lớp u ám lên cuộc sống người nông dân.


Ảnh minh họa

Gần đây nhất là việc giá dưa hấu đột ngột lao dốc xuống mức “rẻ như cho” khi giá bán tại ruộng (tỉnh KonTum) chỉ còn 800-1.000 đồng/kg và giá bán tại Thủ đô Hà Nội cũng chỉ còn 5.000-7.000 đồng/kg, làm nản lòng bà con trồng dưa. Tại Lâm Đồng, giá cà chua cũng giảm mạnh chưa từng có, xuống tới mức thấp thảm hại 500 đồng/kg, giảm gần 90% so với một tháng trước đó bởi diện tích trồng và sản lượng của mặt hàng này tăng quá nhanh.

Nếu như dưa hấu, cà chua “được mùa, mất giá” đã đành thì nhiều mặt hàng khác lại đang đứng trước nguy cơ sẽ giảm sút về cả sản lượng lẫn giá cả.

Theo báo cáo của Bộ Công thương thì sản lượng xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông sản như cà phê, sắn, nhân điều, cao su, chè, gạo… đều tăng mạnh trong tháng 11 nhưng giá xuất khẩu vẫn tiếp tục tụt dốc. Riêng mặt hàng cao su còn giảm giá tới gần 1/3 trong tháng vừa qua.

Tuy nhiên, việc giá cả của các mặt hàng này giảm mạnh vẫn chưa phải là điều đáng lo ngại nhất. Nhiều chuyên gia đang lên tiếng cảnh báo về nguy cơ các mặt hàng nông sản xuất khẩu sẽ giảm sút cả về sản lượng lẫn giá cả bởi sức cạnh tranh và vị thế của các mặt hàng này trên thị trường thế giới yếu.

Nguyên nhân chủ yếu được đề cập là trong nhiều năm qua, Việt Nam quá chú trọng vào việc tăng sản lượng mà không có một chiến lược rõ ràng đối với xuất khẩu nông sản nói chung và từng ngành hàng cụ thể nói riêng. Điều này được minh chứng rõ ràng qua việc người dân đổ xô trồng cùng một loại nông sản khi được mùa năm trước vẫn diễn ra tràn lan. Hậu quả tất yếu của việc làm tự phát này là tình trạng “được mùa, mất giá” trên diện rộng trong năm sau đó, đẩy nhiều gia đình vào cảnh nợ nần bết bát.

Dường như chúng ta đang ra rả quá nhiều thông điệp, nào là “bảo vệ, phát triển tiềm năng vốn có”, “xây dựng chính sách phát triển toàn diện”… Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là các biện pháp cụ thể để hiện thực hóa các thông điệp này lại chưa được phổ biện rộng rãi cho người nông dân chân lấm tay bùn làm theo, đảm bảo đời sống họ.

Bởi vậy người nông dân năm nay có lẽ chỉ mong một cái tết không đói chứ khó lòng mà hy vọng sự đầy đủ, đầm ấm như nhiều năm trước.

Quả thực, đối với một đất nước mà nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo với hơn 60% dân số làm việc và kiếm sống trong ngành này thì đây là một tin buồn cận kề ngày tết đến.