Giao lưu với nông dân sản xuất giỏi trong chương trình “Tết làm điều hay 2009 – Vì nông dân nghèo”
Mỗi năm trên sóng truyền hình Việt Nam có bao nhiêu chương trình ca nhạc được phát sóng trực tiếp? Câu hỏi ấy dẫu dành cho người suốt ngày dán mắt trước màn ảnh nhỏ vẫn không thể nào trả lời một cách chính xác.
Những chương trình ca nhạc nhộn nhịp ấy, có cái chỉ mang tính vui vẻ trẻ trung, nhưng cũng có cái mang ý nghĩa xã hội thiết thực. Chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ như vậy, khi xem chương trình “Tết làm điều hay 2009” do Đài truyền hình TPHCM thực hiện đêm 10/1/2009, phát sóng trực tiếp trên HTV9 và các đài Hà Nội, Quảng Ninh, Huế, Cần Thơ và Hậu Giang.
Sau hai đêm tổ chức nhận được sự ủng hộ của xã hội, chương trình “Tết làm điều hay 2009” chọn đối tượng thụ hưởng một cách rõ ràng hơn: Vì nông dân nghèo! Chính bởi lẽ đó, các đơn vị phối hợp là Hội nông dân TPHCM, Công ty Cát Tiên Sa và Công ty xây dựng Bình Phát đã chung tay xây dựng một buổi phát sóng gần gũi, chân tình và xúc động. Và kết quả thật đáng khích lệ, thu được 2,6 tỷ đồng, 300 chiếc tivi 21 inch cùng 67 triệu đồng từ tin nhắn của khán giả xem đài. Ngoài ra ba vật phẩm bán đấu giá từ thiện, chiếc điện thoại Motorola Aura nạm 50 viên kim cương được mua với giá 300 triệu đồng. Sim số đặc biệt 0934 888888 được mua với giá 250 triệu đồng và cây Mai đẹp nhất Hội Hoa xuân được mua với giá 250 triệu đồng.
Khi bắt đầu hình thành ý tưởng “Tết làm điều hay 2009 – Vì nông dân nghèo”, Hội nông dân TPHCM đã thống kế được tại đô thị sầm uất phương Nam vẫn còn 2066 hộ chưa có tivi. Cho nên, toàn bộ số tiền thu nhận từ chương trình ca nhạc phát sóng trực tiếp lần này đã cơ bản giúp nông dân nghèo TPHCM “xóa mù thông tin”.
Bên cạnh ý nghĩa mang lại cái Tết đầm ấm cho nông dân nghèo, “Tết làm điều hay 2009” cũng giúp cho chúng ta nhìn lại một điều rằng, những chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp phải cần những nét đặc thù riêng. Cũng là Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Hồng Ngọc, Thùy Lâm, Thanh Thảo, Thanh Thúy đấy, nhưng khi tất cả cùng cất lên tiếng ca ca ngợi đời sống cấy cày, ca ngợi vẻ đẹp dân dã thì công chúng có thêm tư duy thẩm mỹ về văn hóa nông thôn. Mặt khác, những người nông dân được mời lên giao lưu, tuy họ lúng túng và vụng về đấy, nhưng sự chất phác và lam lũ của họ đã đánh thức tình cảm “bầu bí thương nhau” trong lòng người dân thành phố.
Đài truyền hình TPHCM cũng như Đài truyền hình Việt Nam cần có nhiều hơn những chương trình tương tự “Tết làm điều hay 2009 – Vì nông dân nghèo”, để khán giả màn ảnh nhỏ tin cậy nhắc nhở nhau rằng, một xã hội tiến bộ không bao giờ bỏ rơi những người thiệt thòi hơn, chậm chân hơn!