Tết Trung Thu không quá rộn ràng như Tết Nguyên đán. Tết Trung Thu luôn mang một sắc thái riêng của lễ hội “nhân nguyệt lưỡng đoàn viên”. Và đáng nói hơn, Tết Trung Thu là cái tết tưng bừng cho trẻ thơ.
Ai lớn lên cũng có những Tết Trung thu cho riêng mình. Cái riêng đó, có thể là chiếc đèn kéo quân bố làm khi ta còn bé cỏn. Đôi lúc là chiếc đèn cánh bướm nhiều màu sắc được chị nhường cho; hay chiếc đèn cá chép dán bằng giấy bóng kiếng sang trọng của bạn hàng xóm. Và cũng có thể là chiếc đèn ngôi sao năm cánh do chính đôi tay vụng về của mình làm bằng những vật liệu thô mộc thuở còn tiểu học.
Đó là ký ức của những năm tháng tuổi thơ quê mùa mà lòng vui vô tận. Hồi ấy, hầu như trò gì cũng tự chế. Từ những chiếc lồng nuôi dế bằng tre, ống thụt bắn pháo, cù quay, chạng ná, khăng, đến côn đoản khúc bằng tầm vông, tất tần tật, đều có sẵn vật liệu trong vườn.
Khi bầu trời đêm ba mươi của tháng cô hồn phủ xuống, Tân Phú như vùng bồn địa tối thui. Thể nào người lớn cũng nhắc, “sắp tới Trung thu rồi”. Và chờ có vậy, sáng mai, khi bố mẹ vào đồng, bọn con trai chúng tôi sẽ rủ nhau ra vườn, chọn gốc tre nào đẹp nhất, phập nhẹ mấy đường dao, là ít phút sau đã có những thanh tre đều tăm tắp.
Cứ một chiếc đèn, sẽ cần 10 thanh tre dài, xếp lồng lên nhau thành hai cặp hình sao 5 góc. Dùng 5 đoạn kẽm ngắn, buộc chốt 5 đầu lại, rồi chọn tiếp 5 que ngắn độ chừng hơn một ngón tay người lớn, chống giữa 2 mặt của ngôi sao, là thành hình. Lấy một đoạn kẽm dài, quấn quanh chiếc đũa, tạo thành đế nến lò xo, rồi cố định vô một trong 5 que ngắn là xong phần khung xương.
Tới phần khéo tay, để dành cho phái yếu. Tụi con gái cứ thế tranh nhau dán hồ lên bề mặt các thanh tre, dùng giấy màu dành cho môn thủ công học trò, mà phân ra từng mảng, cắt dán cho năm cánh có đủ năm màu sắc khác nhau. Thế rồi, đem ra phơi nắng cho chúng căng phồng lên là tối về có thể xếp vào hàng, rồng rắn theo nhau, rước đèn đi quanh xóm.
Mấy đứa con trai hiếu động, ưa phá đám thì chẻ dọc lon sữa Ông Thọ, dùng tăm xe, chế thành chiếc đèn ống lon như bánh xe xoay tròn với cán tre cầm tay đẩy, thế là cứ lựa đứa con gái nào mình thích, là lủi vào cắt ngang mặt, chạy xuyên rẹt phá toang hàng ngũ, có khi làm tắt cả nến, khiến đứa nào yếu bóng vía cũng có thể khóc ré lên được. Cái thú vui dân dã đó, thế mà ấn dấu thiêng liêng lạ lùng. Đến nỗi sau này, dù ngồi giữa biết bao phố lồng đèn choáng ngợp, lòng vẫn không nguôi nhớ về ánh nến huyền ảo nơi chiếc đèn thô mộc đó.
Có một độ về Đà Lạt làm án, ngay trúng Tết Trung Thu, người bạn dắt vô một không gian đèn. Vô tình gặp lại ngôi sao năm cánh dán bằng giấy màu học sinh, lọt giữa muôn trùng xanh đỏ tím, lòng bỗng bùng lên niềm xốn xang thuở cũ. Đêm đó, kể chuyện xưa, vui quá mà uống nhiều, rồi cả nhóm thiếp đi bên đống than hồng giữa căn lều nhỏ trong vườn rau nhà bạn.
Sáng ra, khi mặt trời chưa kịp chiếu xuống trũng rêu xanh rì bên vách đất, mùi khoai nướng đã nhẹ nhẹ bốc lên, ghi vào tâm khảm một ký ức trong veo, đẹp như cỏ phún giữa sương non của miền lãnh nguyên dày hoài niệm.