| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 26/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 26/02/2015

Tết, và những con số

Trong 9 ngày Tết Ất Mùi, cả nước xảy ra 536 vụ TNGT, làm chết 317 người và trên 500 người bị thương.

So với Tết năm ngoái, số vụ TNGT giảm 40 vụ, nhưng số người chết lại tăng lên tới 35 người, trong đó có những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, xóa sổ cả một gia đình.

Đó là vụ TNGT xảy ra vào ngày 30 Tết (18/2/2015), tại địa bàn xã Trung Hòa (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) khi xe quân sự BKS TT 3529 đi lấn đường, đâm trực diện vào xe máy do anh Bùi Quý Thái điều khiển, đi ngược chiều.

 Trên xe máy chở cả một gia đình đang về quê ăn Tết, gồm anh Nguyễn Văn Sơn, chị Vương Thị Ngát (vợ anh Sơn), hai con của anh chị Sơn - Ngát là Nguyễn Văn Huy (8 tuổi) và Nguyễn Thị Nga (5 tuổi). Hậu quả hai cháu Huy, Nga chết tại chỗ, anh Thái, chị Ngát chết tại bệnh viện Phố Nối. Anh Sơn chết tại bệnh viện Việt - Đức.

Cũng trong 9 ngày Tết, đã có 6.200 người nhập viện vì thương tích do đánh nhau, trong đó 11 người đã chết sau khi vào viện. Đó là chưa kể những án mạng gây chết người tại nhà do đánh nhau. Nếu tính cả những án mạng đó, thì con số người chết sẽ còn nhiều hơn nữa.

Con số thứ nhất (về TNGT) nói lên sự thất bại của ngành GTVT trong việc kiềm chế TNGT dịp Tết. Năm nào trước Tết, ngành này cũng hạ quyết tâm kiềm chế TNGT, cũng hô hào đẩy mạnh việc tuyên truyền ý thức chấp hành Luật giao thông đến với toàn dân.

Nhưng hậu quả là người chết năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính trong 2 tháng, từ 15/12/2014 đến 15/2/2015, trên cả nước đã có trên 1.500 người chết vì TNGT.

Còn con số thứ hai nói lên sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Tết là dịp mà lẽ ra nhà nhà được hưởng niềm vui sum họp, là dịp người ta hỷ xả về tâm hồn, thì ngược lại, chỉ vì một chút thiếu kiềm chế trong lúc bia rượu, mà người ta sẵn sàng hạ nắm đấm hay vung dao vào nhau.

 6.200 người nhập viện vì đánh nhau, nghĩa là cơ quan điều tra phải lập 6.200 vụ án, trong đó có ít nhất 6.200 hung thủ bị điều tra. Rồi VKSND phải truy tố ít nhất cũng chừng ấy bị cáo ra trước Tòa. Và TAND các cấp trên cả nước phải mở cũng chừng ấy phiên tòa để xét xử.

 Quá trình tố tụng từ lúc điều tra cho đến lúc xét xử, gây tốn kém không biết bao nhiêu là tiền bạc. Và hậu quả là có không ít người sẽ phải vào tù. Nhiều nhà mất đi những lao động chính. Ngân sách Nhà nước phải chi không ít tiền bạc xây thêm nhà tù.

Dẫu biết tết Nguyên đán là phong tục bao đời của dân tộc. Nhưng nó cũng gây ra những lãng phí vô cùng lớn. Ít nhất là từ 15 tháng Chạp trở đi, mọi công chức viên chức trong các cơ quan đã tập trung vào cái Tết, khiến năng suất lao động giảm sút. Có những việc đáng lẽ giải quyết được ngay, nhưng người ta tặc lưỡi: “Để sau Tết”, khiến không biết bao nhiêu người phải chờ đợi.

Chỉ tính riêng việc đốt vàng mã trong dịp tết đã thiêu hàng ngàn tấn giấy, đủ vở viết cho cả triệu học sinh tiểu học. 

Rồi sau Tết, sự uể oải của không khí Tết khiến cho bộ máy, ít nhất cũng phải đến Rằm tháng Giêng, mới lấy lại được không khí và nhịp độ làm việc bình thường. Trong 9 ngày Tết, cả nước ngừng sản xuất, tập trung cho việc mua sắm, ăn chơi. Việc ngừng sản xuất đó, như có nhà khoa học tính toán, đã gây thiệt hại không dưới 1% GDP.

Những con số trên, thật đáng cho cả xã hội phải suy gẫm.