| Hotline: 0983.970.780

TH – doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho bò sữa tốt nhất Việt Nam

Thứ Hai 24/10/2022 , 15:01 (GMT+7)

Cùng với giải thưởng Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gia súc nhai lại tốt nhất, TH còn được trao giải Trang trại chăn nuôi bò sữa tốt nhất năm 2021-2022.

TH tiên phong trong ngành chăn nuôi Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ cao nhằm xây dựng khẩu phần phối chế hoàn chỉnh (TMR – Total Mixed Ration) cho đàn bò, nhằm tính toán kỹ lưỡng về khối lượng và kiểm soát nghiêm ngặt hàm lượng dinh dưỡng.

Giữa tháng 10/2022, Tập đoàn TH nhận “cú đúp” giải thưởng cao nhất trong ngành chăn nuôi do Bộ NN-PTNT trao tặng, trong đó có giải thưởng “Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gia súc nhai lại tốt nhất” năm 2021-2022.

Tham gia vào ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa từ năm 2009, TH được đánh giá đặc biệt thành công, xây dựng thương hiệu TH true MILK và làm nên cuộc cách mạng sữa tươi sạch tại Việt Nam. Dự án ứng dụng công nghệ đầu cuối thế giới kết hợp khoa học quản trị, tạo năng suất, chất lượng quốc tế ngay trên đồng đất Việt Nam.

TH vận hành quy trình sản xuất khép kín từ đồng cỏ đến ly sữa, bao gồm vùng nguyên liệu, trang trại bò sữa, nhà máy chế biến sữa và hệ thống phân phối. Trong đó, sản xuất thức ăn cho bò sữa là khâu trung gian quan trọng trong chuỗi quy trình khép kín làm nên chất lượng đẳng cấp quốc tế của TH true MILK.

Những kỷ lục của nhà máy thức ăn cho gia súc nhai lại tốt nhất Việt Nam

Mỗi năm hai dịp, vào vụ thu hoạch ngô sinh khối, xe tải chở ngô tươi của nông dân Nghĩa Đàn - Nghệ An xếp hàng dài khoảng 2 cây số trên lối dẫn vào hai trung tâm thức ăn của công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH - thuộc Tập đoàn TH. Nơi đây ủ chua nguyên liệu thức ăn thô xanh và phối trộn thức ăn hoàn chỉnh cho gần 70.000 cá thể bò của dòng sữa tươi sạch TH true MILK.

Toàn cảnh một trung tâm thức ăn cho bò sữa của Tập đoàn TH tại Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Toàn cảnh một trung tâm thức ăn cho bò sữa của Tập đoàn TH tại Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Lượng ngô thu mua từ nông dân địa phương thoạt nghe có vẻ nhiều nhưng mới chỉ chiếm một phần trong tổng khối lượng nguyên liệu thô xanh làm thức ăn cho bò sữa TH. Theo thống kê của chính quyền huyện, Tập đoàn TH thu mua liên kết khoảng 130-150 nghìn tấn ngô sinh khối/năm, còn lại doanh nghiệp này tự trồng trên diện tích 8.100 ha của mình hơn 300 nghìn tấn. Mỗi ngày, Trung tâm Thức ăn ủ chua khoảng 2.000 tấn, ngày cao điểm lên đến hơn 3.000 tấn.

“Từ năm 2021 chúng tôi đã lập kỷ lục về khối lượng và tốc độ thu hoạch. Với trung bình mỗi xe tải chở 10 tấn cỏ, chỉ trong 20 ngày thu hoạch trong một vụ, chúng tôi có tổng số 2.800 chuyến xe vận chuyển cỏ về cho nhà bếp của bò. Nếu nối dài các xe lại với nhau thì tổng chiều dài sẽ khoảng 25km” - anh Nguyễn Lê Thăng, Phó Tổng giám đốc Agitech, công ty phụ trách canh tác nông nghiệp của Tập đoàn, phác ra một hình dung ấn tượng.

TH trồng ngô nguyên liệu thức ăn bò sữa trên những cánh đồng lớn được tưới tự động và thu hoạch bằng máy móc công nghệ cao, năng suất lớn.

TH trồng ngô nguyên liệu thức ăn bò sữa trên những cánh đồng lớn được tưới tự động và thu hoạch bằng máy móc công nghệ cao, năng suất lớn.

Nguyên liệu thô xanh từ hàng trăm ha trồng ngô, 2.300 ha trồng cỏ mombasa (được xem là đồng cỏ mombasa tập trung lớn nhất thế giới, góp phần xác lập kỷ lục Cụm trang trại tập trung công nghệ cao khép kín lớn nhất thế giới của TH năm 2020), chưa kể hàng nghìn ha cỏ mulato 2, hướng dương, cây họ đậu, cao lương và các loại cỏ khác được làm héo đến một mức độ nhất định trên đồng trước khi tập kết về Trung tâm Thức ăn.

Tại đây, ngay sau khi tiếp nhận nguyên liệu, 30 hố ủ chua khổng lồ với sức chứa 4.000-7.000 tấn/hố được huy động hết công suất. Mỗi hố đầy ngô, cỏ cao như những quả đồi, ba bốn chiếc xe chuyên dụng chạy lên chạy xuống từ chân lên “đỉnh đồi”, đổ cỏ, trộn men vi sinh rồi đằm, nén cho nguyên liệu chặt cứng lại, như có thể xắn ra thành từng khúc (Bởi vậy, khi cỏ ngô “chín”, để lấy ra cho bò ăn, anh em kỹ thuật gọi là đi “đào”, chứ không gọi là đi “lấy” hay đi “xúc”).

Ngô được cắt nghiền trước khi đưa vào ủ chua.

Ngô được cắt nghiền trước khi đưa vào ủ chua.

Các hố ủ thức ăn thô xanh to như những quả đồi.

Các hố ủ thức ăn thô xanh to như những quả đồi.

“Chúng tôi sử dụng công nghệ ủ chua hiện đại nhất của Israel. Các chuyên gia Israel được Tập đoàn thuê sang tận đây hướng dẫn, cùng làm trong nhiều năm, đến khi kỹ thuật viên người Việt có thể thực hiện nhuần nhuyễn. Với ngô, cần ủ khoảng 30 ngày, cỏ cần 45 ngày, lúc này thức ăn có mùi chua dễ chịu và hàm lượng dinh dưỡng đạt cao nhất, phù hợp nhất với gia súc nhai lại” - Anh Nguyễn Hải Thanh, nhân viên điều phối ủ chua của Trung tâm Thức ăn giải thích.

Cũng theo anh Hải Thanh, mặc dù sản xuất hàng nghìn tấn thức ăn nhưng mỗi ca làm việc ở Trung tâm chỉ cần 25 nhân viên bao gồm cả người điều khiển các loại xe chở nguyên liệu và một ekip thao tác trên máy tính.

Trung tâm theo dõi và điều khiển phối trộn thức ăn.

Trung tâm theo dõi và điều khiển phối trộn thức ăn.

Dàn máy móc và phòng lab hiện đại nhất

Hiện Tập đoàn TH có 2 Trung tâm Thức ăn (Feed Center) và một nhà máy sản xuất cám tinh (Feed Mill) tại Nghĩa Đàn – Nghệ An, được trang bị phòng lab hiện đại để phân tích chất lượng nguyên liệu và thức ăn hoàn chỉnh.

Trong xây dựng khẩu phần ăn cho bò sữa và kiểm soát chất lượng sữa, TH đầu tư dàn máy móc, dây chuyền hiện đại nhất thế giới. Trong số này tại Nhà máy cám có máy NIRS DS 2500F - máy phân tích quang phổ cận hồng ngoại (Near – infrared), với phạm vi quét rộng từ 850-2500nm.

Dòng máy đời cao này cho ra kết quả ổn định và đáng tin cậy khi đo các mẫu thức ăn chăn nuôi và thức ăn thô xanh ngay tại thời điểm quét mẫu nên có thể biết chính xác các thành phần, hàm lượng dinh dưỡng và chất lượng nguyên liệu trong khẩu phần ăn của bò. TH không cần gửi mẫu đi kiểm nghiệm ở một phòng lab xa xôi nào, để rồi nhiều ngày sau mới nhận được kết quả, dẫn tới khẩu phần, công thức ăn cho bò bị điều chỉnh liên tục.

Nhà máy sản xuất cám tinh được trang bị phòng lab hiện đại để phân tích chất lượng nguyên liệu và thức ăn hoàn chỉnh.

Nhà máy sản xuất cám tinh được trang bị phòng lab hiện đại để phân tích chất lượng nguyên liệu và thức ăn hoàn chỉnh.

Lý do là, như chị Vy Thu Hằng - Giám đốc Thức ăn và Dinh dưỡng Tập đoàn TH  cho biết, TH đã kết hợp với phòng lab Dairy One của Mỹ 8 năm qua, lưu trữ toàn bộ dữ liệu phục vụ tiến trình xây dựng các khẩu phần ăn cân bằng dinh dưỡng. Nhờ vậy, dòng sữa tươi sạch từ trang trại TH luôn đồng nhất và đảm bảo chất lượng tuyệt đối.

Sự chính xác được tuân thủ đến trên 99%

Ngay từ khi bắt đầu dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa với tổng đầu tư 1,2 tỷ USD tại Nghệ An, TH đã tiên phong trong ngành chăn nuôi Việt Nam trong việc xây dựng khẩu phần phối chế hoàn chỉnh (TMR – Total Mixed Ration) cho đàn bò, nhằm tính toán kỹ lưỡng về khối lượng và kiểm soát nghiêm ngặt hàm lượng dinh dưỡng.

TH ứng dụng công nghệ lập khẩu phần, phối trộn chế biến và cung cấp thức ăn cho bò sữa hoàn toàn tự động bằng vi tính 100% dưới sự tư vấn và điều hành bởi các chuyên gia dinh dưỡng Israel trên công nghệ phần mềm NDS Professional (Nutritional Dynamic System) – phần mềm lập khẩu phần thức ăn và 1-ONE – phần mềm điều hành phối trộn và rải thức ăn.

Công thức được xây dựng cho từng nhóm bò dựa theo nhu cầu sinh trưởng và phát triển của từng giai đoạn: bò đang cho sữa, bò cạn sữa, bò tơ, bê,… Mỗi công thức phối trộn 12-16 loại nguyên liệu. Ngoài các loại nguyên liệu thô xanh, thức ăn cho bò còn được trộn với các loại cám tinh và một thứ nguyên liệu đặc biệt chỉ bò sữa TH mới có, đó là rỉ mật – các phụ phẩm tận dụng từ nhà máy mía đường NASU – một đơn vị trực thuộc Tập đoàn TH.

Vị Giám đốc Thức ăn và Dinh dưỡng đã có hơn 10 năm gắn bó với đàn bò sữa TH tiết lộ bí quyết tuân thủ 4 công thức tại doanh nghiệp sản xuất thức ăn cho gia súc nhai lại tốt nhất Việt Nam. Một, công thức cân bằng được xây dựng trên máy tính. Hai, công thức phối trộn. Ba, công thức rải thức ăn đến trước miệng bò. Và thứ tư, quan trọng nhất là bò ăn tỷ lệ bao nhiêu và tiêu hóa ra sao.

Rải thức ăn cho bò tại chuồng được thực hiện trên máy rải thức ăn hoàn chỉnh – TMR có màn hình điều khiển gắn hệ thống định vị kết nối với phần mềm 1-ONE.

Rải thức ăn cho bò tại chuồng được thực hiện trên máy rải thức ăn hoàn chỉnh – TMR có màn hình điều khiển gắn hệ thống định vị kết nối với phần mềm 1-ONE.

“Công thức lý thuyết không quá khó, người chăn nuôi nếu không có phần mềm lập khẩu phần riêng thì có thể lên mạng, tìm kiếm các công thức thức ăn cho bò sữa Mỹ và tải về sử dụng. Vậy thì điểm quan trọng ở đây là phối trộn thực tế đạt độ chính xác bao nhiêu % so với lý thuyết. Ở TH chúng tôi tự tin độ chính xác đạt trên 99%” - chị Vy Thu Hằng khẳng định.

Các chuyên gia về thức ăn bò sữa ở TH rút ra được rằng, chẳng hạn, cùng một loại cỏ trồng ở các vùng địa lý khác nhau thì cho ra chất lượng khác nhau. Cùng cỏ đó và đồng đất đó nhưng trồng vào các mùa khác nhau khi đo đạc sẽ thấy chỉ tiêu chất lượng khác nhau. Cùng một cánh đồng nhưng cỏ cắt ở 40 ngày tuổi khác hẳn cỏ cắt ở 50 ngày tuổi.

Theo chị Thu Hằng, ví dụ trong công thức nói là sử dụng cỏ voi, nhưng bạn dùng cỏ voi thân còn ngậm nước hay loại đã lên thân mía rồi là hai chuyện hoàn toàn khác nhau - thậm chí có thể nói chúng là hai nguyên liệu khác nhau. “Trải qua nhiều năm phân tích, thực nghiệm trên quy mô sản xuất lớn  đồng thời sử dụng hệ thống phân tích quang phổ cận hồng ngoại ngay tại phòng lab hiện đại, chúng tôi tự tin có thể thu thập chính xác chỉ số của từng nguyên liệu trước khi lên công thức. Ngay khi một nguyên liệu được thu hoạch về hay một hố ủ chua được mở ra, chúng tôi đã có được thông tin về hàm lượng dinh dưỡng của nó, từ đó sẽ cân bằng lại công thức cám tinh cho phù hợp, đảm bảo bò luôn được ăn công thức đúng nhất với nhu cầu của chúng”.

Đối với loài gia súc nhai lại như bò sữa, sự ổn định trong thành phần thức ăn và sự cân bằng dinh dưỡng là rất quan trọng, giúp hạn chế các bệnh đáng ngại như lệch dạ cỏ, tiêu hóa không đồng đều, từ đó ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng, sản lượng sữa.

Với nguyên tắc về rải thức ăn, chuyên gia TH kiểm soát toàn bộ quy trình bằng hệ thống phần mềm thống nhất từ khâu lên khẩu phần, phối trộn đến rải tại các ô chuồng theo mã số của từng cá thể, đảm bảo luôn rải đúng công thức, rải đủ số lượng đồng thời máy tính ghi nhận lượng ăn thực tế của bò sau đó. Bò TH được ăn 3 bữa một ngày, xe rải thức ăn không được đến sớm quá 2 phút và muộn quá 3 phút so với lịch đã đề ra mỗi ngày. Bởi bò ăn xong nghỉ ngơi để đi vắt sữa và lúc nào các bạn đi vắt sữa về thì cũng có thức ăn tươi mới đợi sẵn.

Mỗi ngày, bộ phận thú y lại đánh giá sức ăn, chất lượng sữa và xem xét cả chất thải của bò để chẩn đoán tình hình sức khỏe cho đàn bò, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp. Bò ăn và tiêu hóa ra sao sẽ được phản ánh ngay trong chất lượng và sản lượng sữa. Còn tiêu chuẩn thức ăn thì đã được chuẩn hóa từ khâu chế biến. “Đó là lý do thức ăn chiếm tới 70% chi phí và nó quyết định sự thành bại của một dự án chăn nuôi bò sữa, nhất là một dự án tập trung với quy mô lớn như của TH tại Nghĩa Đàn, Nghệ An” - chị Thu Hằng giải thích.

VIETSTOCK 2022 được chủ trì bởi Cục Chăn nuôi – Bộ NN-PTNT nhằm vinh danh những doanh nghiệp, tổ chức có nhiều đóng góp tích cực và ý nghĩa cho sự phát triển chung của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Giải thưởng Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gia súc nhai lại tốt nhất được trao cho doanh nghiệp đạt các tiêu chí như: Thuộc top 10 doanh nghiệp có sản lượng thức ăn chăn nuôi gia súc nhai lại lớn nhất năm 2021; Sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến & thân thiện môi trường; Ứng dụng công nghệ TMR. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tuân thủ tốt các quy định của pháp luật Việt Nam, thực hiện nghĩa vụ hỗ trợ cộng đồng, có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi.

Cùng với giải thưởng Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gia súc nhai lại tốt nhất, TH còn được trao giải Trang trại chăn nuôi bò sữa tốt nhất năm 2021-2022.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm