| Hotline: 0983.970.780

Thạch Thất dẫn đầu Hà Nội về OCOP với 142 sản phẩm

Thứ Năm 19/10/2023 , 06:33 (GMT+7)

Sở hữu lợi thế 50 làng có nghề trong đó 10 làng nghề truyền thống được công nhận nên chương trình OCOP của huyện Thạch Thất đã nhanh chóng dẫn đầu Hà Nội.

Việc dẫn đầu này theo đúng nghĩa cả về lượng lẫn về chất. Cụ thể, tính đến nay huyện Thạch Thất đã có 142 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng, trong đó có 114 sản phẩm đạt 4 sao, 28 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP của địa phương này được các chuyên gia cũng như người tiêu dùng đánh giá cao về độ tinh xảo, chất lượng khác biệt như đồ gỗ trường kỷ, tủ, sập thờ của gia đình ông Nguyễn Trung Đức ở xã Canh Nậu; bưởi Diễn của gia đình bà Nguyễn Thị Ánh ở xã Phú Kim; rau hữu cơ mang thương hiệu Đại Ngàn của trang trại Hoa Viên ở xã Yên Bình; rau ăn lá, quả, củ khoai tây của HTX Nông nghiệp Hương Ngải (xã Hương Ngải)…

Bà Trương Kim Hoa, chủ trang trại Hoa Viên vốn là một cán bộ ngân hàng nhưng yêu nông nghiệp. Sau một thời gian bà đã tạo lập được một vùng sản xuất hữu cơ rộng mấy chục ha chuyên về rau, củ quả, thảo dược. Nhiều sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng OCOP, tiêu thụ mạnh ở các cửa hàng thực phẩm sạch với số lượng mỗi ngày lên tới cả tấn, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trực tiếp và gián tiếp.

Bà Nguyễn Thị Ánh, chủ vườn bưởi Diễn rộng 1ha ở xã Phú Kim từ lâu đã sản xuất theo hướng an toàn, mới đây còn tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP và đạt 3 sao. Nhờ đó mà trong khi thị trường bưởi Diễn gần đây có biểu hiện bão hòa, xuống giá nhưng quả bưởi của bà vẫn có giá bán cao, tạo thu  nhập trên 400 triệu đồng/năm, trong đó hơn nửa là lãi. Không chỉ thế, mà bà còn tích cực cùng các hộ nông dân khác thành lập tổ hợp tác để chuyển từ sản xuất cá thể sang tập thể, áp dụng VietGAP và xây dựng thương hiệu.

Ông Nguyễn Đỗ Ban, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hương Ngải chia sẻ trước đây đơn vị mình chỉ chuyên trồng khoai tây và giữ giống khoai tây. Mấy năm gần đây, HTX đã đa dạng hóa các sản phẩm như rau, củ, quả sản xuất theo mùa, đảm bảo an toàn, mạnh dạn tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP. Kết quả là sau khi được công nhận OCOP sản phẩm đã được các siêu thị và bếp ăn tập thể trên địa bàn và nội thành Hà Nội đặt hàng nhiều hơn, tạo thu nhập khá cho các thành viên của HTX.

Nghề mộc ở Thạch Thất. Ảnh: NNVN.

Nghề mộc ở Thạch Thất. Ảnh: NNVN.

Theo Trưởng phòng kinh tế huyện Thạch Thất, ông Trần Đức Thanh chương trình OCOP đã đóng góp một phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Năm 2023 ước thu nhập bình quân đạt 100 triệu đồng/người và huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt 120 triệu đồng/người. Thấy được hiệu quả rõ rệt của OCOP nên năm 2023 Thạch Thất phấn đấu có thêm 20-30 sản phẩm được chứng nhận, đồng thời tổ chức, đánh giá lại cho những sản phẩm OCOP đã đến hạn. Với nông sản huyện đẩy mạnh sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ. Với các sản phẩm làng nghề huyện khuyến khích các chủ thể đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, xây dựng thương hiệu cũng như các câu chuyện liên quan đến sự hình thành và phát triển.

Không chỉ thế, huyện còn tích cực phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội tổ chức tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn, tham gia các hội chợ, triển lãm. Qua đó, giúp các chủ thể OCOP biết cách xúc tiến thương mại, thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng để đáp ứng thị hiếu mỗi lúc một đa dạng của người tiêu dùng. Thạch Thất đặt ra kế hoạch đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu có 300 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao.

Những bộ đồ thờ rất tinh xảo. Ảnh: NNVN.

Những bộ đồ thờ rất tinh xảo. Ảnh: NNVN.

Theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối NTM TP thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chí, Thủ đô đang chiếm 22% sản phẩm OCOP của cả nước. Không chỉ mạnh về số lượng mà về chất lượng OCOP của Hà Nội cũng vượt trội với nhiều sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, nhiều sản phẩm tiềm năng 5 sao và một tỷ lệ lớn các sản phẩm 4 sao. Một hướng đi mới để gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP là tạo ra các tua du lịch trải nghiệm cơ sở sản xuất, thương mại cũng như trải nghiệm những nét văn hóa riêng biệt của những làng quê theo chuỗi giá trị.

Để trợ lực cho các chủ thể OCOP, Văn phòng Điều phối NTM thành phố Hà Nội đã liên tục tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, tham gia các triển lãm, trưng bày sản phẩm vùng miền, quảng bá các nông đặc sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội và các tỉnh, thành.

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.