| Hotline: 0983.970.780

Thách thức nào cho năm học mới?

Thứ Hai 05/09/2022 , 05:47 (GMT+7)

Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đổi mới giáo dục gặp nhiều thách thức

Hôm nay (5/9), hơn 23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học 2022-2023 với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo".

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn, trước thềm năm học mới, đại dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, tuy nhiên, thách thức của đại dịch vẫn còn nguyên với ngành giáo dục.

Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng ngành phải làm là tiếp tục củng cố kiến thức, bù đắp, hỗ trợ những học sinh chịu nhiều thiệt thòi trong đại dịch; đặc biệt đối với các em học sinh chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh, những em có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ mất vì dịch bệnh…

Empty

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: TL.

Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, lớp 8, lớp 11 và chuẩn bị biên soạn cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đổi mới giáo dục nói chung và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là nhiệm vụ lớn và nhiều thách thức. Do đó, cần phải đảm bảo về mặt thời gian, lượng công việc rất lớn trong khi các điều kiện đảm bảo chất lượng, điều kiện thực hiện còn rất khó khăn. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ về phổ cập đối với mầm non, xây dựng xã hội học tập; thực hiện lộ trình để tự chủ đại học bước vào giai đoạn mới, có chiều sâu, đạt tới các mục tiêu chất lượng giáo dục đại học ngày càng cao...

Toàn ngành GD-ĐT cũng cần tập trung thực hiện các mục tiêu chiến lược khác như chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo; quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng...

Empty

Ngày 5/9, hơn 23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học 2022-2023. Ảnh: Phạm Hiếu.

Để chuẩn bị cho tổ chức dạy học bắt buộc môn tiếng Anh, Tin học đối với lớp 3 từ năm học 2022-2023, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các địa phương rà soát, chuẩn bị đội ngũ, phương án triển khai 2 môn học bắt buộc này, bảo đảm khi vào năm học mới, tất cả học sinh lớp 3 đều được học tiếng Anh, Tin học theo đúng yêu cầu của Luật Giáo dục và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đối với lớp 10, lớp đầu tiên triển khai theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT, Bộ GD-ĐT đã có các chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để địa phương, nhà trường triển khai việc lựa chọn môn học; chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhất là đối với những môn học nghệ thuật lần đầu tiên được đưa vào tổ chức dạy và học.

Đổi mới giáo viên

Thời gian vừa qua, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương năm 2022, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp.

Ngày 18/7/2022, tại Quyết định số 72-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Empty

Các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026. Ảnh: TL.

Ngay sau khi có quyết định của Bộ Chính trị, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Bộ cũng đề nghị các địa phương tập trung các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng biên chế giáo viên như: thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng, trao đổi với các địa phương khác để phối hợp tuyển dụng theo các môn học đáp ứng yêu cầu…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026. Chủ động đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở nhu cầu giáo viên và có chính sách ưu tiên, thu hút trong tuyển dụng để bảo đảm nguồn tuyển dụng theo từng năm.

Từ góc độ đào tạo, Bộ GD-ĐT đã có nhiều cuộc làm việc với các trường sư phạm. Trong thời gian qua, hệ thống đào tạo sư phạm, cũng như các chính sách hỗ trợ trong đào tạo sư phạm đã có nhiều chuyển động tích cực, đầu vào của các trường sư phạm đang tốt hơn. Đây sẽ là một trong những giải pháp quan trọng cho vấn đề thiếu giáo viên.

Tuy nhiên, để các chính sách hỗ trợ trong đào tạo sư phạm thực sự phát huy hiệu quả, cần có thêm sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía các bộ, ngành và đặc biệt là từ phía các địa phương trong đặt hàng nhu cầu, tuyển dụng và sử dụng.

Empty

Đổi mới giáo dục nói chung và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là nhiệm vụ lớn và nhiều thách thức. Ảnh: Hữu Khoa.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, muốn đổi mới về phương pháp dạy và học, về kiểm tra, đánh giá, trước hết đội ngũ giáo viên phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực về cả kiến thức, kỹ năng sư phạm. Chỉ khi nào lực lượng giáo viên đổi mới, phát triển thì nhiệm vụ đổi mới giáo dục của toàn ngành mới được thực hiện tốt.

Bên cạnh đó, cần phải cung cấp thông tin rộng rãi để có được sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ của các bậc phụ huynh và toàn xã hội trong sự nghiệp đổi mới này. Nếu thiếu đi sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ từ phía phụ huynh cũng như xã hội thì việc đổi mới rất khó khăn. Do đó, để thực hiện thành công đổi mới, cần phải có giải pháp tổng thể, trong đó, sự nỗ lực, cố gắng và vai trò của các nhà giáo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Lễ khai giảng gọn nhẹ, linh hoạt

Ngày 29/8, Bộ GD-ĐT ban hành Công văn số 4185 về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022-2023.

Theo đó, đối với việc đón học sinh đầu cấp và tổ chức lễ khai giảng năm học mới, Bộ GD-ĐT đề nghị các Sở GD-ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động đón học sinh đầu cấp học; tổ chức cho học sinh tìm hiểu về truyền thống và các hoạt động của nhà trường; phổ biến nội quy, quy định của nhà trường; giới thiệu các hoạt động giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp học tập và rèn luyện ở trường, lớp.

Tổ chức khai giảng theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng - ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

Tại thủ đô Hà Nội, lễ khai giảng năm học mới 2022-2023 được tổ chức từ 7 giờ 30 sáng ngày 5/9/2022. Sở GD-ĐT Hà Nội đã lưu ý các nhà trường tổ chức lễ khai giảng gọn nhẹ, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh; cấp mầm non tổ chức khai giảng linh hoạt, sáng tạo; thời lượng tổ chức tối đa 60 phút. Kết thúc lễ khai giảng, các nhà trường tổ chức sinh hoạt đầu năm với nội dung thiết thực, ý nghĩa, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định.

Xem thêm
Thủ tướng thăm Lào, chủ trì kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam, thể hiện mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh Tuyên Quang tăng 4%

Năm 2024, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản của tỉnh Tuyên Quang ước đạt trên 11.252 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!