| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hàng loạt vấn đề nóng ngành giáo dục

Chủ Nhật 04/09/2022 , 08:07 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Học sinh Trường tiểu học Lê Quý Đôn, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM trong ngày khai giảng đầu năm học mới sáng 3/9.

Học sinh Trường tiểu học Lê Quý Đôn, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM trong ngày khai giảng đầu năm học mới sáng 3/9.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Chỉ thị 14 ngày 31/8 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông.

Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, công tác đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên một số địa phương còn nhiều hạn chế. Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục chưa được chú trọng trong các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Mặt khác, tình trạng trường lớp học quá tải vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở các đô thị lớn và các khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như ở các vùng sâu, vùng xa. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chậm được giải quyết.

Để tăng cường điều kiện đảm bảo thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành trực thuộc tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Chính sách ưu tiên giáo viên, học sinh nghèo vùng sâu vùng xa

Bộ GD-ĐT chủ trì hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp với thực tiễn; bảo đảm nguyên tắc thuận lợi cho việc học của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới giáo dục. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra.

Nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo giáo viên, có chính sách khuyến khích học sinh giỏi vào ngành sư phạm, tạo môi trường, hệ sinh thái giáo dục phát triển lành mạnh, bình đẳng, sáng tạo, khuyến khích đổi mới sáng tạo phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng vùng miền. Nghiên cứu đề xuất chính sách ưu tiên cho giáo viên vùng sâu vùng xa, những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, bảo đảm hợp lý, không dàn trải.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì, chỉ đạo các địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương, tài liệu tham khảo theo đúng quy định. Có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số trước khi năm học mới bắt đầu.

Học sinh chăm chú đọc sách trong thư viện.

Học sinh chăm chú đọc sách trong thư viện.

Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội để tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em, học sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả, đặc biệt là phòng ngừa tai nạn thương tích, đuối nước, tăng cường giáo dục sức khoẻ tâm thần, tư vấn tâm lý học đường, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh.

Nghiên cứu, thí điểm, nhân rộng các cơ sở giáo dục tự chủ, tự chủ một phần nhằm giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục tại những vùng có điều kiện kinh tế thuận lợi.

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ hàng năm bảo đảm về số lượng và chất lượng; đồng thời có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Rà soát, tính toán nhu cầu giáo viên các cấp học, nhất là với các môn học mới để có phương án bố trí nguồn lực và đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên hằng năm của địa phương.

Bộ Nội vụ trên cơ sở đề xuất của Bộ GD&ĐT về số lượng thừa, thiếu giáo viên của từng trường, từng cấp học, môn học, thực hiện rà soát cơ chế, chính sách phân bổ biên chế giáo viên phù hợp hiệu quả; tuyển dụng theo lộ trình sát thực tiễn, trong đó ưu tiên những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT và các địa phương để xây dựng cơ chế, chính sách, phương án giải quyết, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các khó khăn trong giáo dục; ưu tiên các nguồn lực dành cho phát triển giáo dục và đào tạo, thực hiện đúng quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu".

Bố trí quỹ đất xây trường, lớp

Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp với thực tiễn; bảo đảm nguyên tắc thuận lợi cho việc học của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới giáo dục; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tổ chức sơ kết, đánh giá báo cáo Chính phủ kết quả việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục tại các địa phương.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp với thực tiễn, có các biện pháp, phương án cụ thể giải quyết vấn đề trường, lớp tại từng địa bàn, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, học sinh không để tình trạng gây bức xúc trong nhân dân; bảo đảm trẻ em mầm non, học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.

Đồng thời, tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp mầm non, phổ thông theo quy định, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em mầm non, học sinh phổ thông; thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non, phổ thông ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất; rà soát, kiểm tra các dự án khu đô thị mới, có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dành quỹ đất và xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch đã được phê duyệt...

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu đầu năm học; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc lựa chọn SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, quản lý, sử dụng sách tham khảo tại các cơ sở giáo dục. Có phương án hỗ trợ SGK cho các đối tượng học nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vùng xa, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới.

Chi tối thiểu 20% ngân sách địa phương cho giáo dục

Bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học các cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương; bảo đảm mức chi tối thiểu 20% ngân sách địa phương cho giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các cơ quan chức năng tại địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tổ chức hiệu quả việc tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm mục tiêu và tiến độ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.