| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên dẫn đầu cả nước hoàn thành Chương trình 135

Thứ Sáu 04/06/2021 , 11:44 (GMT+7)

Thái Nguyên hiện có 51 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên 384.000 người, chiếm khoảng 29,87% dân số toàn tỉnh.

Phát triển toàn diện

Bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên từng không ít lần khẳng định trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền về việc chăm lo đời sống đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Mong muốn của người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên phải phân bổ, san sẻ nguồn lực nhằm thu ngắn khoảng cách về kinh tế xã hội giữa các đơn vị hành chính của tỉnh. Và để thực sự xứng đáng trung tâm vùng Việt Bắc, Thái Nguyên cần phát triển toàn diện chứ không chỉ tập trung vào công nghiệp, đô thị hay miền xuôi.

Đồng bào dân tộc Dao (Bản Cao Biền, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai) đi bầu cử ngày 23/05/2021. Ảnh: ĐT.

Đồng bào dân tộc Dao (Bản Cao Biền, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai) đi bầu cử ngày 23/05/2021. Ảnh: ĐT.

Trong 5 năm qua, thông qua các chương trình, tỉnh Thái Nguyên đã huy động được trên 6.000 tỷ đồng đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó, nổi bật là chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua cấp vốn, giống, phương tiện và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Nhờ vậy, người dân vùng DTTS và miền núi có kế sinh nhai bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Hiện, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn mạnh dạn tìm hướng phát triển sản xuất kinh doanh, thử nghiệm các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, có nơi còn tham gia giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong vùng.

Người Mông xóm Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ phát triển trồng cỏ và nuôi nhốt trâu bò. Ảnh: VV.

Người Mông xóm Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ phát triển trồng cỏ và nuôi nhốt trâu bò. Ảnh: VV.

Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong giai đoạn vừa qua, cùng với nhiều các chính sách của Trung ương đang được triển khai, Ban Dân tộc tỉnh cũng tham mưu tỉnh Thái Nguyên ban hành các chính sách đặc thù, các dự án chuyên đề như: Chương trình Phát triển kinh tế, xã hội vùng An toàn khu, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020. Đề án Phát triển kinh tế, xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông.

Bên cạnh đó là Chính sách hỗ trợ muối i-ốt, phòng chống biếu cổ, thiểu năng trí tuệ cho người dân vùng dân tộc và miền núi. Dự án xóa các xóm bản thiếu điện, trắng điện lưới quốc gia. Dự án xóa phòng học tạm vùng đặc biệt khó khăn… Các chính sách dân tộc trên được tổ chức thực hiện hiệu quả, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh

Một trong những chương trình mang lại dấu ấn tích cực trong thực hiện chính sách dân tộc ở Thái Nguyên phải kể đến “Chương trình phát triển kinh tế, xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi” (còn gọi là Chương trình 135).

Sau hơn 20 năm đồng hành với đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình 135 đã mang đến sự đổi thay tích cực cho các xã, xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh. Chương trình có ảnh hưởng không những đến phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa mà còn góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Kết quả, tính riêng số vốn thực hiện từ năm 2013 - 2020 là trên 783 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đầu tư xây dựng trên 800 công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sinh hoạt,...

Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên giảm nhanh, từ 19,22% năm 2016 xuống còn 6,17% vào cuối năm 2019, giảm bình quân trên 3,2%/năm. Công tác giảm nghèo đã góp phần quan trọng đưa Thái Nguyên tăng 3 bậc, xếp thứ 2 trong 11 tỉnh miền núi vùng Đông Bắc có tỷ lệ hộ nghèo thấp.

Ứng dụng công nghệ cao vào trồng rau quả tại vùng đồng bào dân tộc Tày, xóm Phỉnh, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Ảnh: ĐT.

Ứng dụng công nghệ cao vào trồng rau quả tại vùng đồng bào dân tộc Tày, xóm Phỉnh, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Ảnh: ĐT.

Đề án 2037, đề án đặc thù của tỉnh Thái Nguyên về phát triển kinh tế, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống cũng đem lại hiệu quả cao. Theo đó, 26 xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống được hỗ trợ phát triển sản xuất như giống cây, phân bón trồng ngô lai diện tích trên 3.000ha, được vay vốn trên 7,3 tỷ đồng và hỗ trợ gần 1,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để đồng bào trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò.

Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tự đồng bào nơi đây cũng rất tích cực xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế. Đồng bào DTTS ở nhiều địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đã đi đầu trong việc tìm tòi những phương pháp, cách làm mới nhằm khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu của vùng, tích cực lao động sản xuất, thực hiện và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, cây con giống Nhà nước hỗ trợ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Bà con mạnh dạn tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất. Xoá bỏ những tập quán canh tác lạc hậu, tạo ra những mô hình điển hình trong thực tiễn. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số những năm gần đây giảm nhanh bình quân từ 3 - 4%/năm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, những kết quả đó đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

Cây ngô lai trở thành vùng sản xuất hàng hoá tại nhiều bản Mông thuộc tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: ĐT.

Cây ngô lai trở thành vùng sản xuất hàng hoá tại nhiều bản Mông thuộc tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: ĐT.

Cũng theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Thái Nam, trong giai đoạn 2016 - 2020, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân tộc trên địa bàn Thái Nguyên có nhiều đổi mới. Các chương trình, chính sách của Trung ương được lồng ghép với các chương trình, chính sách của địa phương có trọng tâm, trọng điểm.

Kết thúc giai đoạn 2013 - 2020, Thái Nguyên có 12 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Trong đó, năm 2018 huyện Võ Nhai đủ điều kiện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo (huyện 30a). Năm 2019, Thái Nguyên trở thành tỉnh dẫn đầu toàn quốc về hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 với 19/63 xã, 75/94 xóm đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu.

Đến hết năm 2020, tỉnh có 77/112 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đưa tỷ lệ các xã đạt chuẩn nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh cao gấp ba lần bình quân chung của vùng dân tộc thiểu số và miền núi toàn quốc. Trong đó, có 9 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn Nông thôn mới.

Hiện, Thái Nguyên tiếp tục nằm trong Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ. Đồng bào sẽ được hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ các kiến thức khoa học kĩ thuật áp dụng vào sản xuất nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi xóm bản để đạt mục tiêu của Chương trình đặt ra đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Xem thêm
Quốc hội thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi

Với 407/451 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 84,97% tổng số đại biểu Quốc hội, Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Lần đầu công bố Kịch bản nguồn nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình

Trong Kịch bản nguồn nước (lần đầu) lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) khuyến cáo việc sử dụng hợp lý nguồn nước trong và sau thời kỳ đổ ải.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.