| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Điểm sáng Ao Cống

Thứ Hai 15/11/2021 , 14:49 (GMT+7)

Xóm Ao Cống, xã Phú Đô (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) là xóm miền núi với 100% số hộ là dân tộc Sán Chay.

Ao Cống trở thành điểm sáng xây dựng NTM của Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ao Cống trở thành điểm sáng xây dựng NTM của Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Vũng lõm

Đoàn kết đồng lòng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, Ao Cống là điểm sáng của Thái Nguyên trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trước đây và phong trào xây dựng Nông thôn mới hiện nay.

Ông Trần Quốc Hoa, 70 tuổi, đã có hơn 40 năm tuổi Đảng, Bí thư Chi bộ xóm Ao Cống tự hào cho biết, xóm có 66 hộ dân với trên 282 nhân khẩu đều là người dân tộc Sán Chay (trước đây là Sán Chí). Giữ vững danh hiệu “Làng Văn hoá tiêu biểu cấp tỉnh” suốt hơn 20 năm qua, xóm đã nhận được hơn 100 Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó có Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng cho cán bộ, nhân dân xóm vì đã có nhiều thành tích trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá giai đoạn 2000 - 2010.

Người dân xóm Ao Cống hôm nay đã được thụ hưởng chất lượng cuộc sống cao, tiện nghi tốt. Ảnh Đồng Văn Thưởng

Người dân xóm Ao Cống hôm nay đã được thụ hưởng chất lượng cuộc sống cao, tiện nghi tốt. Ảnh Đồng Văn Thưởng

Theo lời ông Bí thư chi Bộ kiêm trưởng Ban công tác mặt trận xóm Ao Cống, thì đến đầu những năm 1990, xóm còn nghèo và lạc hậu lắm. Bà con nặng về những hủ tục rườm rà trong cưới xin, ma chay, lễ hội. Đến năm 1998, khi phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được triển khai xuống cơ sở, cùng với sự vận động của các cấp chính quyền, bà con trong xóm đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa thiết thực của phong trào.

Là một xóm núi thuần nông, chủ yếu sản xuất chè, trồng lúa, trồng rừng và chăn nuôi quy mô hộ gia đình, toàn xóm hiện có trên 15ha lúa nhưng hầu hết là ruộng thụt, ruộng bậc thang sản xuất kém hiệu quả. Vì thế, những năm vừa qua nhân dân đã chuyển đổi một phần sang trồng chè cành cho thu nhập cao hơn. Cây chè là “cây mũi nhọn”, là nguồn thu nhập chủ lực phục vụ thiết thực cho đời sống nhân dân của xóm, hiện tổng diện tích trên 20 ha, chủ yếu là chè cành giống mới, năng suất búp tươi bình quân 01 tấn/ha/năm.

Thay đổi diện mạo

Từ một làng quê nghèo, đến nay không ít gia đình ở Ao Cống đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Xóm chỉ còn duy nhất 01 hộ nghèo do ốm đau bệnh tật. Hầu hết các có nhà xây kiên cố và bán kiên cố, có đồ dùng sinh hoạt đắt tiền và đầu tư máy móc, phương tiện để phục vụ sản xuất và chăn nuôi. Tỷ lệ hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm là 100%. Suốt gần 20 năm liên tục, xóm không có người sinh con thứ 3.

Có thể khẳng định rằng để trở thành điểm sáng trong vùng đồng bào dân tộc, miền núi như ngày hôm nay, bí quyết và cũng đồng thời là sức mạnh của xóm chính là sự đoàn kết, đồng lòng cả trong xóa đói giảm nghèo lẫn chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Ở tuổi thất thập, ông Trần Quốc Hoa phấn khởi trước những đổi thay tích cực ở làng quê của mình. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ở tuổi thất thập, ông Trần Quốc Hoa phấn khởi trước những đổi thay tích cực ở làng quê của mình. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ông Trần Quốc Hoa tự hào nói xóm tuy có nhiều dòng họ như họ Trần, họ Phùng, họ Lâm, họ Bế, họ Đặng, họ Sầm… nhưng tất cả các gia đình của các dòng họ đều coi nhau như anh em ruột thịt. Nhà nào có việc lớn thì cả xóm chung tay gánh vác. Gia đình có người ốm đau thì cả xóm thăm hỏi, động viên. Các chị em trong thời gian sinh con được Chi hội phụ nữ tổ chức hái chè giúp. Cho đến nay, ông Hoa chưa chứng kiến trường hợp nào xích mích đánh chửi nhau. Cũng chưa có trường hợp trộm cắp hoặc lấn chiếm tranh chấp đất đai. Ngược lại, các hộ gia đình đều tích cực tham gia hiến đất cho các công trình công cộng và đóng góp kinh phí, công sức cho các hoạt động chung. Như, đóng góp trên 2.000 m2 đất làm đường giao thông, trên 20 triệu đồng và 200 ngày công tu sửa đường giao thông do xóm quản lý, đóng góp gần 7 triệu đồng nâng cấp hệ thống chiếu sáng công cộng, quỹ khuyến học khuyến tài…

Bà con không chỉ chia sẻ tình làng nghĩa xóm mà còn bảo ban nhau cùng làm ăn, phát triển sản xuất, nuôi dạy con cái. Trên cơ sở đó, Ao Cống cũng là xóm tiêu biểu của huyện, của tỉnh về hoạt động khuyến học, khuyến tài. Tạo điều kiện cho con em đến lớp đến trường, cha mẹ càng tích cực học tập. Các lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi, phổ biến khoa học kỹ thuật được người dân háo hức đón đợi và tham gia đầy đủ. Nhờ vậy đã áp dụng vào sản xuất, các hộ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa nhiều loại giống ngắn ngày có năng suất cao, ổn định vào gieo trồng như các giống lúa lai, lúa thuần. Ngoài ra, bà con còn cải tạo diện tích chè trung du bằng các giống chè cành mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Nhiều hộ dân đã biết mạnh dạn đầu tư vào phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình gia trại.

Cuộc sống sung túc, người dân Ao Cống cũng có nhiều ngày hội hơn ở những nơi khác. Ngoài Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, xóm còn có các lễ hội vào các ngày: Mồng Hai tết âm lịch, 2/2, 2/6. Vào mỗi dịp này cả xóm đều làm vệ sinh đường làng ngõ xóm, góp xôi, gà làm cỗ cúng tại đền thờ của xóm rồi cùng vui liên hoan văn nghệ, thể thao.

Từ những hoạt động này, bà con đã thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, xóm làng văn minh. Cũng từ đây, thế hệ cháu con của đồng bào ở Ao Cống sẽ tiếp thu, bảo tồn những mỹ tục của ông cha một cách thật tự nhiên.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Huyện Châu Đức có thêm 12 sản phẩm OCOP

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Mới đây, huyện Châu Đức đã công bố và trao quyết định công nhận cho 12 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Đây là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương.