| Hotline: 0983.970.780

Cách làm đặc biệt vượt qua 'bão' dịch

Thứ Năm 11/11/2021 , 16:27 (GMT+7)

Dịch Covid-19 mặc dù ảnh hưởng nhiều lĩnh vực nông lâm nghiệp tại Thái Nguyên, nhưng với chàng kỹ sư nông nghiệp trẻ, đây lại là cơ hội để thực hiện đam mê.

Với cách làm đặc biệt, anh Nguyễn Anh Tuấn đã hiện thực hóa được đam mê của mình. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Với cách làm đặc biệt, anh Nguyễn Anh Tuấn đã hiện thực hóa được đam mê của mình. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Cây đặc biệt, cách làm đặc biệt

Đầu năm 2020, giữa lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát thì anh Nguyễn Anh Tuấn (SN 1985, Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đại Từ) quyết định đầu tư hàng tỷ đồng để phát triển sản xuất. Anh Tuấn đầu tư 1 tỷ đồng mua 5.000 mét vuông đất tại xóm gốc Quéo (xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ). Tiếp đó, anh đầu tư xấp xỉ thêm 1 tỷ đồng để xây dựng nhà lưới, thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Lý giải về thời điểm quyết định đầu tư, anh Tuấn cho biết, khởi điểm là xuất phát từ đam mê việc tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Khi còn là sinh viên, Tuấn được học tập, nghiên cứu và trải nghiệm rất nhiều những mô hình sản xuất trong nhà lưới với hệ thống chăm sóc cây trồng thông minh. Vậy nhưng, khi bước vào thực tế công việc thì hầu hết phương thức sản xuất hiện tại vẫn còn thủ công, hàm lượng chất xám quá ít. Mặt khác, khi quyết định đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì anh đã chọn lựa được những cây trồng đặc hiệu.

Đó không phải là những loại cây trồng mới nhưng lại đáp ứng được tính hiếm do phân bố theo khu vực. Việc sản xuất trong môi trường đặc biệt sẽ giúp những cây trồng đặc trưng ở các vùng miền khác sinh trưởng và phát triển tốt tại chính quê hương mình. Đặc biệt là khi dịch bệnh làm chuỗi cung ứng bị đứt gãy, việc phân phối hàng hóa nông sản gặp khó thì những sản phẩm đặc trưng vùng miền được sản xuất ngay tại địa bàn sẽ là thế mạnh lớn. Nghĩ vậy, Tuấn càng quyết tâm thực hiện. Cây trồng được Tuấn chọn lựa là dưa lưới, nho các loại và dâu tây.

Hiệu quả đặc biệt

Trên diện tích 5.000 mét vuông, Tuấn cho xây dựng nhà lưới với diện tích 3.000 mét vuông. Phần còn lại được sử dụng cho khuôn viên và một góc nhỏ để anh thử sức với đam mê nghiên cứu về rau thủy canh, khí canh cũng như chế phẩm sinh học cho cây trồng.

Trên diện tích 1.500 mét vuông nhà lưới, Tuấn cho trồng nho 2 vụ/năm với các giống gồm nho Ngón tay đen (Mỹ), Hạ Đen (Nhật Bản), Nho đỏ Ninh Thuận và Nho 126 (Việt Nam). 1.500 mét vuông nhà lưới còn lại, anh cho trồng 2 vụ dưa lưới, giống dưa Nhật Bản. Thời gian từ tháng 11 đến tháng 02 năm sau, khi dưa lưới đã thu hoạch xong, anh cho trồng dây tây, giống New Zealand và Hana (Nhật Bản).

Khu vườn của anh Tuấn thu hút được nhiều người đến tham quan, học tập. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Khu vườn của anh Tuấn thu hút được nhiều người đến tham quan, học tập. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Do nhà lưới được đầu tư đồng bộ, chuẩn quy cách nên việc vận hành đã mang lại hiệu quả cao. Với công nghệ Israel được áp dụng, cây trồng của Tuấn sinh trưởng và phát triển tốt. Những thời điểm hết giãn cách do dịch Covid-19, vườn cây của anh trở thành điểm thăm quan, trải nghiệm của rất nhiều người. Cũng nhờ vậy mà các sản phẩm luôn được bán với giá cao mà vẫn không có đủ để bán cho khách hàng thân thuộc.

Qua các vụ thu hoạch, dưa lưới được bán với giá 50.000 đồng/kg, nho được bán với giá 100.000 đồng/kg. Hạch toán, vụ sản xuất đầu tiên đã mang lại cho anh số lãi hơn 100 triệu đồng.

Hiện tại, anh Tuấn đang cho trồng vụ dâu tây đầu tiên tại nhà lưới. Dù diện tích tới cả nửa ha song nhà lưới chỉ có duy nhất một lao động.

Anh Tuấn cho biết, những thời điểm phải thụ phấn cho cây, thời điểm thu hoạch rộ thì anh mới phải thuê thêm lao động để chăm sóc, thu hái. Còn lao động thường xuyên chỉ là bảo vệ, giám sát thôi. Công việc vận hành nhà lưới phải do đích thân anh thực hiện mới đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Có thể nói, mô hình sản xuất của anh Tuấn không chỉ đáp ứng đam mê cho cá nhân anh mà đem lại hiệu quả thiết thực. Mô hình đã biến một khu đất trống trước đây thành khu vườn nhiều người muốn đến thăm. Đây chính là mô hình sống động cho việc khắc phục khó khăn do dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp.

Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đại Từ, cho biết, mô hình của anh Tuấn đã đi đúng hướng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Thái Nguyên, từ đó gợi mở giải pháp trong việc chọn lựa phương thức tổ chức sản xuất hiệu quả trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19.

Hiện tại, Phòng chức năng và chính quyền huyện Đại Từ sẽ tạo cơ chế để hỗ trợ, góp phần đưa mô hình trở thành điểm nhân diện rộng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.