Ngày 7/7 vừa qua, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, địa phương tiếp giáp tỉnh Thái Nguyên đã thông báo ca bệnh bạch hầu.
Theo đó, ngày 9/7, trước nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đã ban hành công văn hỏa tốc gửi các cơ sở y tế, bệnh viện trong toàn tỉnh yêu cầu chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm ca bệnh bạch hầu.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp diễn biến nặng và tử vong; đảm bảo đầy đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh bạch hầu và các dịch bệnh khác.
Các đơn vị y tế cơ sở phải báo cáo ngay khi có ca nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu; đồng thời, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây chéo, không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; củng cố đội cấp cứu cơ động trực thường trú 24/24 giờ, sẵn sàng cấp cứu và hỗ trợ cho tuyến dưới hoặc đơn vị khác khi có yêu cầu.
Các đơn vị y tế dự phòng phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu; tuyên truyền, vận động người dân khi có các dấu hiệu nghi nhiễm bệnh bạch hầu hoặc các dịch bệnh truyền nhiễm khác cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu tại các điểm nóng, khu vực có nguy cơ cao, xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát trên địa bàn; rà soát các đối tượng chưa tiêm phòng vắc xin bạch hầu để tổ chức tiêm chủng.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, sau khi 1 ca tử vong do bệnh bạch hầu ở Nghệ An, tỉnh Bắc Giang cũng ghi nhận đã có ca bệnh bạch hầu. Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị 2 tỉnh Nghệ An và Bắc Giang giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca nghi mắc bệnh bạch hầu.
Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính ở cổ họng và đường hô hấp trên (mũi, xoang cạnh mũi, đường mũi và hầu họng) do vi khuẩn gây ra. Vi khuẩn có thể lây lan mạnh qua đường hô hấp và bùng phát thành dịch, đồng thời được xếp vào nhóm nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong cao trong vòng 6-10 ngày, nếu không được điều trị kịp thời.