| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên ước thu ngân sách năm 2023 đạt 20.000 tỷ đồng

Thứ Tư 06/12/2023 , 18:50 (GMT+7)

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế Thái Nguyên ước đạt 5,01%, thu ngân sách đang nỗ lực cố gắng để đạt mốc 20.000 tỷ đồng, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra.

Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV. Ảnh: Quang Linh.

Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV. Ảnh: Quang Linh.

Ngày 6/12, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV khai mạc Kỳ họp thứ 16. Đây là kỳ họp thường kỳ cuối năm, dự kiến sẽ xem xét, thông qua 52 nội dung, trong đó có nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đảm bảo an sinh xã hội.

Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhận định, trong bối cảnh phức tạp, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, cơ hội của năm 2023, kinh tế Thái Nguyên vẫn tiếp tục được duy trì ổn định và có bước phục hồi.

Kết quả thu ngân sách năm 2023 toàn tỉnh cơ bản vẫn hoàn thành kế hoạch đề ra; chi ngân sách đảm bảo chặt chẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Thương mại, dịch vụ phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế; ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, góp phần ổn định đời sống của người dân; môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh được nâng lên; huy động, tập trung nguồn lực triển khai, xây dựng nhiều công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng, trọng điểm về kết nối giao thông để “liên kết vùng”, “tháo gỡ điểm nghẽn”, tạo sự đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp. Ảnh: Quang Linh.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp. Ảnh: Quang Linh.

Theo ông Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Thái Nguyên ước đạt 5,01%, thu ngân sách đang nỗ lực cố gắng để đạt mốc 20.000 tỷ đồng, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra; lĩnh vực thương mại, dịch vụ phục hồi và tăng trưởng tốt, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Nông nghiệp tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, vượt mục tiêu kế hoạch; kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư nâng cấp, một số dự án đầu tư công quy mô lớn đang được đẩy nhanh tốc độ, trong đó có một số dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân ổn định, từng bước nâng cao; công tác đối ngoại, quốc phòng, quân sự địa phương được triển khai thực hiện tốt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Ước thực hiện năm 2023, toàn tỉnh có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt 3 xã so với kế hoạch; 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt 1 xã so với kế hoạch; 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Định Hóa và Đại Từ), vượt 1 huyện so với kế hoạch; nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 118/126 xã (đạt tỷ lệ 93,65%), 6/9 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 66,67%).

Công tác giảm nghèo và chính sách xã hội được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1% so với năm 2022 (giảm xuống còn 3,35%). Công tác đối ngoại, quốc phòng, quân sự địa phương được triển khai thực hiện tốt; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn cho biết, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh ước đạt 5,01%, thu ngân sách đang nỗ lực cố gắng để đạt mốc 20.000 tỷ đồng. Ảnh: Quang Linh.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn cho biết, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh ước đạt 5,01%, thu ngân sách đang nỗ lực cố gắng để đạt mốc 20.000 tỷ đồng. Ảnh: Quang Linh.

Tuy nhiên, Chủ tịnh HĐND tỉnh Thái Nguyên chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 và bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2024 vẫn tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế của tỉnh hiện nay đã có quy mô và độ mở rất lớn, tốc độ tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu, nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi khu vực này tiếp tục gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu chủ chốt suy giảm.

Bên cạnh đó, năng lực nội tại của các doanh nghiệp trong tỉnh còn thấp; mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, khả năng tiếp cận vốn còn khó khăn, giá cả nguyên vật liệu biến động mạnh; thị trường bất động sản suy giảm... Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt được mục tiêu đề ra, tạo áp lực lớn đến việc hoàn thành mục tiêu của cả nhiệm kỳ.

Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải đề nghị đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên nêu cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, tập trung trí tuệ, nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến sâu sắc, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân trong tỉnh.

Qua đó, nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện những kết quả đạt được; từ đó thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc và những nguyên nhân khách quan, chủ quan trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; rút ra bài học kinh nghiệm, đưa ra giải pháp hiệu quả, phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024.

Năm 2023, ngành nông nghiệp Thái Nguyên đạt mức tăng trưởng khá, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, góp phần ổn định đời sống của người dân.

Năm 2023, ngành nông nghiệp Thái Nguyên đạt mức tăng trưởng khá, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, góp phần ổn định đời sống của người dân.

Một số chỉ tiêu lớn, quan trọng cần tập trung thảo luận, phân tích và thống nhất thực hiện, đó là: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,5%; tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 8,5%; giá trị xuất khẩu đạt 8%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 19.515 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 123 triệu đồng/năm; số đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là 1 đơn vị.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực; bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội, chính sách người có công, trợ giúp xã hội. Tiếp tục đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện; nâng chất lượng giáo dục các cấp học và giữa các vùng trong tỉnh. Thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới.

Triển khai các giải pháp giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai tốt công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý; nắm bắt và xử lý kịp thời diễn biến về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội; làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, an toàn giao thông.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Kênh Chợ Gạo mở rộng gấp 3 lần do sạt lở

Tiền Giang Nhiều năm qua, do ảnh hưởng bởi thiên tai, kênh Chợ Gạo rộng thêm gấp 3 lần so với trước đây.

Hà Nội bắn pháo hoa tại 5 điểm dịp Tết Dương lịch

Trong dịp Tết Dương lịch, Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa 5 điểm (6 trận địa) tại các quận Hoàn Kiếm, Hà Đông, Nam Từ Liêm, thị xã Sơn Tây, huyện Đông Anh.