Huyện Lệ Thủy được xác định là vựa lúa của tỉnh Quảng Bình. Hàng năm, diện tích canh tác vụ đông xuân của huyện đạt khoảng 10.150ha. Tuy nhiên hàng chục năm nay, người dân Lệ Thủy ít gieo cấy vụ hè thu mà dành phần lớn diện tích cho cây lúa tái sinh.
Những thập niên đầu, cây lúa tái sinh dễ canh tác, năng suất bình quân đạt khoảng 25 - 30 tạ/ha. Do chi phí thấp nên người nông dân có lãi cao. Mỗi năm, vụ hè thu, huyện Lệ Thủy chỉ gieo cấy khoảng 1.400ha, còn lại 8.100ha để lại làm lúa tái sinh.
Theo ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng NN-PTNT Lệ Thủy, trong những năm gần đây, do chuột phá hại, cây lúa phát triển kém nên năng suất lúa tái sinh thu được rất thấp, chỉ đạt khoảng 16-18 tạ/ha.
“Doanh thu của mô hình một vụ lúa chính vụ và một vụ lúa tái sinh bị giảm mạnh. Kéo theo sản lượng lương thực toàn huyện giảm khoảng 10.500 tấn/năm, các ngành nghề dịch vụ nông nghiệp khác cũng bị chững lại”, ông Tân cho hay.
Vào vụ đông xuân năm nay, huyện Lệ Thủy xây dựng mô hình thâm canh lúa tái sinh vùng sâu xã Hoa Thủy trên diện tích 14ha.
“Qua thực tế từ mô hình, Phòng NN-PTNT đánh giá và xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh lúa tái sinh nhằm, tăng hiệu quả sản xuất lúa”, ông Tân nói thêm.
Xã Hoa Thủy có diện tích đất lúa gần 1.000ha. Theo ông Võ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy, vụ hè thu, bà con để lại gần 800ha làm lúa tái sinh và hiện năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 17 tạ/ha.
Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho hay, chủ trương của huyện là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nông dân là giảm dần diện tích lúa tái sinh và tăng dần diện tích gieo cấy lúa vụ hè thu mỗi năm.
Tuy nhiên, những địa phương nào còn nhiều diện tích lúa tái sinh thì phải tích cực chỉ đạo bà con thực hiện thâm canh như mô hình đã triển khai để tăng năng suất, tăng hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.
Việc phát triển hình thức canh tác lúa tái sinh mới tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng thêm diện tích sản xuất lúa hè thu. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, thu nhập cho người dân Hoa Thủy, đồng thời giảm thiểu những mặt trái của việc áp dụng cơ giới hoá trong thu hoạch lúa”, ông Hòa nói thêm.
Chúng tôi ra vùng ruộng Nhì, Vời (thuộc HTX Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Xuân Bắc, xã Hoa Thủy) cùng hai nông dân là ông Nguyễn Thế Sự và ông Hoàng Văn Hậu. Giống lúa chủ yếu trên vùng thực hiện mô hình là Nhị ưu 838 và C ưu đa hệ số 1.
Vừa lội xuống ruộng, ông Hoàng Văn Hậu cho hay về quy trình thâm canh mới. Trước lúc thu hoạch lúa chính vụ 7-10 ngày là tháo nước khô ruộng để việc thu hoạch bằng máy gặt không làm ảnh hưởng đến sự đồng đều của nền ruộng và hạn chế gốc rạ vùi sâu. Sau thu hoạch 2-3 ngày, sử dụng máy cuốn rơm để thu rơm khô trên ruộng.
Cũng theo ông Hậu, 7 ngày sau khi sử dụng máy cuốn rơm, nếu trời không mưa thì tiến hành tưới ẩm bề mặt ruộng. Lưu ý không ngâm nước trên bề mặt ruộng trong thời điểm này.
“Từ 12 - 15 ngày sau thu hoạch, khi thấy ruộng lúa đâm chồi mầm tái sinh thì tiến hành tưới tráng bề mặt ruộng ở mức 2 - 3cm và tiến hành bón phân thúc. Lượng bón 100kg đạm urê/ha”, ông Hậu nói.
Nói về phân bón, ông Nguyễn Thế Sự cũng cho biết, 35 ngày sau thu hoạch, tưới nước vào ruộng và tiến hành bón thúc đòng. Lượng bón tương đương 120kg NPK Đầu trâu.
“Quá trình thâm canh, ngoài các thời điểm cần tưới và để khô ruộng xem kẽ trong giai đoạn đầu, từ thời điểm bón thúc đòng đến thời điểm trước gặt 5-7 ngày cần duy trì lượng nước trong ruộng lúa dưới 10cm”, ông Sự cho hay.
Các nông dân thực hiện mô hình cũng cho hay, trong quá trình này cần chú trọng phòng, chống ốc bươu vàng: Ruộng lúa tái sinh dễ bị ốc bươu vàng gây hại thời điểm lúa lên mầm, do đó cần kiểm tra ruộng thường xuyên để bắt thủ công vào giai đoạn này.
Chuột thường phá hại nhiều ở thời điểm lúa mới lên mầm, àm đòng, chuẩn bị thu hoạch. Do đó, phải có các biện pháp phòng, chống chủ động và kịp thời. Tùy tình hình, mức độ chuột phá hại có thể linh hoạt sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp các biện pháp đánh thuốc, đặt bẫy, căng nilon chống chuột.
Ông Sự và ông Hậu tính toán, chi phí các loại như bón, công dịch vụ… hết khoảng 12 triệu đồng mỗi ha. Trong khi đó, tổng thu về khoảng 40 triệu đồng.
“Vụ tái sinh theo thâm canh mới sẽ cho nông dân chúng tôi có lãi khoảng 26-28 triệu đồng mỗi ha, cao gấp đôi sản xuất theo kiểu truyền thống như trước đây”, ông Hậu bộc bạch.